Từ ngày 10 đến 17-4, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức tuần lễ Triển lãm Bên chiến hào - ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông để gợi nhớ về các cuộc triển lãm mỹ thuật trong chiến khu từ mấy mươi năm trước, ở chiến trường miền Đông Nam bộ; để cảm nhận các sự kiện lịch sử qua từng bức tranh, cũng như cảm nhận được tinh thần lạc quan yêu đời, nhưng kiên cường bất khuất trên chiến trường... qua từng bức ký họa chân dung của những chàng trai, cô gái còn rất trẻ.
Từ ngày 10 đến 17-4, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức tuần lễ Triển lãm Bên chiến hào - ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông để gợi nhớ về các cuộc triển lãm mỹ thuật trong chiến khu từ mấy mươi năm trước, ở chiến trường miền Đông Nam bộ; để cảm nhận các sự kiện lịch sử qua từng bức tranh, cũng như cảm nhận được tinh thần lạc quan yêu đời, nhưng kiên cường bất khuất trên chiến trường... qua từng bức ký họa chân dung của những chàng trai, cô gái còn rất trẻ.
Anh Nguyễn Hùng Cường, đồng tác giả sách Bí danh Huỳnh Phương Đông, giới thiệu một số thông tin về triển lãm và cuốn sách. Ảnh: Lâm Viên |
Triển lãm được tổ chức trong những ngày tháng nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022); đồng thời cũng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Phòng Hội họa Giải phóng (B11); kỷ niệm 97 năm Ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Dịp này, NXB Mỹ thuật còn cho ra mắt cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông do 2 tác giả Phạm Hoàng Việt - Nguyễn Hùng Cường biên soạn.
* Những phác họa để đời của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ dài ngày, chị Bùi Thị Thanh Nhi, sinh viên Khoa Báo chí - truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), dành cho mình cả một buổi chiều tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để xem triển lãm Bên chiến hào - ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Họa sĩ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG đã đi thực tế qua nhiều chiến trường, ghi lại hình ảnh sự kiện lịch sử, chân dung đồng chí - đồng nghiệp - chiến sĩ cách mạng bằng những bức vẽ sinh động. |
Chị Bùi Thị Thanh Nhi chia sẻ: “Trong số các lựa chọn giải trí như: đi mua sắm, du lịch, xem phim…, tôi cùng bạn bè đã chọn đi xem triển lãm và đây thực sự là lựa chọn đúng đắn và mang lại ý nghĩa sâu sắc cho tôi. Trong không gian tĩnh lặng, ấm cúng của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, được chiêm ngưỡng, quan sát kỹ từng bức chân dung, nhất là thần thái trong đôi mắt các nhân vật, tôi có cơ hội hiểu thêm về tinh thần lạc quan của những thanh niên ngày ấy, cũng bằng tuổi chúng tôi bây giờ, đã lên đường kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hay những bức tranh về chiến trường cho thấy rõ giá trị của hòa bình hôm nay...”.
Triển lãm Bên chiến hào - ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông trưng bày 97 tác phẩm tiêu biểu được vẽ bằng các chất liệu như: chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu… được họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963. Đây cũng là những tác phẩm trong số 250 bức ký họa đã in trong cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.
Chị Bùi Thị Thanh Nhi, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tìm hiểu sách Bí danh Huỳnh Phương Đông. Ảnh: Lâm Viên |
Trong các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, đa phần là những bức ký họa chân dung về các nhân vật như: Má Hai, Má Ba, Má Năm, mẹ chiến sĩ, cán bộ trung kiên, nữ biệt động, chị nuôi trên đất Thép, xạ thủ trẻ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ hạ máy bay, bé Bảy giao liên, thanh niên xung phong, người liên lạc nội thành… và bạn, đồng chí, đồng nghiệp.
Ngoài ra, còn có các bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa, đến con tàu không số, cảnh qua Rừng Lá, đến Mã Đà, mùa len trâu, cảnh sinh hoạt trong chiến khu, căn cứ, đi đấu tranh, thôn xóm, vùng giải phóng…
Tác phẩm Rừng Lá của họa sĩ Huỳnh Phương Đông |
Theo họa sĩ Nguyễn Hoàng, Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Huỳnh Phương Đông là tấm gương, ông đi vẽ thực tế nhiều nhất, lăn lộn trên các chiến trường ác liệt ở miền Nam; thành quả tài liệu ký họa ghi chép của ông nhiều nhất, với hơn 20 ngàn bức tranh. Điểm qua những ký họa ấy, chúng ta sẽ biết được bước chân của ông đã đi qua những đâu trên chiến trường miền Nam kiên cường và bất khuất. Khởi đầu là những ký họa vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ…
* Tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý
Chị Đặng Thị Bích Ngân - Giám đốc NXB Mỹ thuật chia sẻ: Cuốn sách mang sứ mệnh tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý mà gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Nhóm tác giả đã biên soạn đưa ra nhiều thông tin qua những bức ảnh thời sự cũng như các bức tranh sống động, phản ánh cuộc sống và sự nghiệp của họa sĩ Huỳnh Phương Đông trong các thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ. Đặc biệt có những bức thư riêng của vợ chồng họa sĩ trong chiến tranh, chứa chan cảm xúc nhưng vẫn không quên động viên nhau, học tập, phấn đấu, hẹn gặp lại nhau dù cách trở Bắc - Nam... và cùng đợi chờ ngày thống nhất đất nước.
Tác phẩm Đến Mã Đà của họa sĩ Huỳnh Phương Đông |
Sách dày hơn 540 trang, có nhiều thông tin và hình ảnh chưa từng công bố, gồm những bức ký họa chân dung chiến sĩ, đồng chí, đồng nghiệp; bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa và những chuyến đi thực tế; là những trang nội dung hình ảnh tư liệu, những thư viết tay gửi từ chiến trường của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Nói về những nét đặc trưng của cuốn sách, chị Đặng Thị Bích Ngân cho biết thêm cuốn sách được viết và trình bày theo phong cách mới, sắp đặt các chương mục và các mảng chữ hợp lý bên cạnh hình ảnh, tranh vẽ, kèm thông tin ngắn gọn, cuốn hút người xem.
Họa sĩ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG (1925-2015) có tên khai sinh là Huỳnh Công Nhãn tại Bình Hòa – Gia Định, nguyên quán Kế An - Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ông là họa sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông lấy tên con trai Huỳnh Phương Đông làm bí danh từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1964, ông đảm nhiệm Phó phòng Hội họa Giải phóng (B11) thuộc Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1971, ông trở lại Trung ương Cục miền Nam, đảm nhiệm Trưởng phòng Hội họa Giải phóng (B11). |
Lâm Viên