Hằng năm, khi mùa thu hoạch lúa của đồng bào Chơro vừa hoàn thành (khoảng rằm tháng 3 âm lịch), cũng là lúc bà con Chơro tất bật chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ hội Sayangva, hay còn gọi là lễ hội mừng lúa mới, nhằm tạ ơn đất trời đã ban tặng một mùa bội thu.
Hằng năm, khi mùa thu hoạch lúa của đồng bào Chơro vừa hoàn thành (khoảng rằm tháng 3 âm lịch), cũng là lúc bà con Chơro tất bật chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ hội Sayangva, hay còn gọi là lễ hội mừng lúa mới, nhằm tạ ơn đất trời đã ban tặng một mùa bội thu.
Uống rượu cần tại lễ hội Sayangva. Ảnh: T.Mộc |
Tại Đồng Nai, lễ hội Sayangva là nơi thể hiện văn hóa của đồng bào dân tộc Chơro đang sinh sống tại các địa phương như: TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc, H.Vĩnh Cửu… vẫn được đồng bào và chính quyền các địa phương duy trì tổ chức, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chơro. Trong đó có các món ăn truyền thống của đồng bào Chơro như: cơm lam, thịt nướng, bánh giầy, củ chụp, đọt mây rừng, rượu cần...
* Món ngon tạ ơn đất trời
Nhà dài truyền thống - nơi tổ chức các hoạt động của đồng bào Chơro tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) nhộn nhịp cờ hoa, người ra vào tấp nập tận hưởng không khí lễ hội mừng lúa mới sau 2 năm phải tạm ngừng tổ chức vì dịch Covid-19. Đến mùa lễ hội Sayangva, một số đàn ông trong làng đã xin phép cơ quan quản lý rừng được vào rừng sâu để tìm củ chụp, hái đọt mây rừng về làm lễ vật cúng thần linh. Đồng bào Chơro tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu vừa trải qua mùa lễ hội Sayangva, lễ hội mừng lúa mới với những món ăn truyền thống, mang đậm văn hóa người Chơro. Có thể kể đến như: cơm lam, thịt nướng, bánh giầy, củ trục, đọt mây, rượu cần… được người dân chuẩn bị khá chu đáo, thể hiện những nét văn hóa rất riêng của người Chơro.
Trong chính sách gìn giữ văn hóa cộng đồng tộc người, người Chơro được lãnh đạo địa phương các cấp quan tâm và hỗ trợ duy trì những nét văn hóa độc đáo như lễ hội, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân gian… cùng với những dự án khác, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, ẩm thực. |
Rượu cần là một trong những món truyền thống của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số. Vào dịp lễ hội, rượu cần không thể thiếu trong bữa tiệc của người Chơro. Để làm ra món rượu cần, người nấu rượu phải vào tận rừng sâu, tìm hàng chục loại lá cây để chế biến thành men rượu, sau khi có men rượu mới tiếp tục các công đoạn ủ và nấu rượu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sự, người con gái thứ hai của già làng Năm Nổi (già làng dân tộc Chơro) cho biết, trước kia khi già làng còn sống thì già làng luôn đảm nhận công việc nấu rượu. Tuy nhiên, khi ông mất đi, ông đã kịp truyền công thức nấu rượu cần cho người con gái là bà đảm nhiệm. Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc các món ăn cơm lam và thịt nướng. Món cơm lam nổi tiếng được làm từ gạo nếp, sau khi ngâm và sơ chế sẽ được cho vào ống tre và nướng chín, khi cơm chín, lớp vỏ đen bên ngoài của ống tre sẽ được cạo sạch và cắt thành từng khúc đãi khách quý.
Củ chụp, loại thức ăn được người Chơro nuôi giấu bộ đội trong chiến tranh |
Cùng với cơm lam, thịt nướng, rượu cần, những món ăn khác như bánh dày, đọt mây, củ chụp, củ nần… cũng được chuẩn bị chu đáo, bởi theo quan niệm của đồng bào Chơro, các món ăn hay trò chơi của họ đều thể hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc.
* Duy trì nét văn hóa truyền thống
Hằng năm, khi đến mùa lễ hội Sayangva, đặc biệt là những lễ cúng Sayangva luôn được các cấp chính quyền, các ban, ngành của tỉnh hỗ trợ khá chu đáo. Lễ cúng thực hiện đầy đủ những nghi thức cổ truyền nên thu hút không chỉ cộng đồng người Chơro mà các thành phần dân tộc khác tại địa phương cũng như những địa phương lân cận đến tham dự, vui chơi. Ngoài là địa phương vùng sâu, người dân Chơro tại ấp Lý Lịch còn có truyền thống kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ đất nước qua hai cuộc kháng chiến, gắn liền với Chiến khu Đ anh hùng.
Cơm lam thịt nướng là món ngon trong mùa lễ hội |
Sau khi thống nhất đất nước, xã Phú Lý nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền địa phương với nhiều chính sách thiết thực, góp phần đạt những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế vùng miền núi Phú Lý nói chung, đối với đồng bào Chơro tại đây nói riêng.
Bánh giầy truyền thống của đồng bào Chơro |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sự cho rằng, việc thường xuyên tổ chức lễ hội đặc thù mang đậm nét văn hóa dân tộc như thế này rất có ý nghĩa, nhằm giúp cho người Chơro hiểu hơn những giá trị của nó để phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa. “Tôi rất vui vì làng dân tộc Chơro nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ hết mình để lễ hội Sayangva được duy trì trở lại. Điều này giúp cho lớp trẻ ý thức được trách nhiệm phải gìn giữ truyền thống của dân tộc, biết làm những món ăn truyền thống để tạ ơn đất trời, đồng thời phát huy tinh thần cách mạng của người Vĩnh Cửu” - bà Sự chia sẻ thêm.
Thủy Mộc