Báo Đồng Nai điện tử
En

Lộc Ninh một thời hoa lửa

07:04, 08/04/2022

Sau thất bại mùa khô 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Thời gian này, địch tăng cường càn quét. Tuy nhiên, trước sức tấn công như vũ bão của ta, địch giở thủ đoạn đê hèn, chúng lùa dân ra đường cản xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, lực lượng bộ binh đánh úp, địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng.

Sau thất bại mùa khô 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Thời gian này, địch tăng cường càn quét. Tuy nhiên, trước sức tấn công như vũ bão của ta, địch giở thủ đoạn đê hèn, chúng lùa dân ra đường cản xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, lực lượng bộ binh đánh úp, địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng.

Ông Trịnh Lương Sơn, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh trao đổi với Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm về trận đánh lịch sử giải phóng H.Lộc Ninh cách đây 50 năm
Ông Trịnh Lương Sơn, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh trao đổi với Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm về trận đánh lịch sử giải phóng H.Lộc Ninh cách đây 50 năm

Chiến thắng ngày 7-4-1972 ở H.Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là kết quả của đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng ta, là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành.

* Can trường chiến đấu

Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy tăng cường càn quét. Chúng dùng bom B52, bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên vào các khu rừng dọc biên giới. Cường độ chiến sự ở Lộc Ninh được địch đẩy lên cao, rất ác liệt. Hoạt động của bộ đội địa phương và du kích xã, ấp gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Đức Thu, Xã đội trưởng Lộc Tấn trực tiếp chỉ huy du kích kết hợp với Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 phối hợp với bộ đội chủ lực đấu tranh giải phóng Lộc Ninh kể lại: Lúc bấy giờ trên chiến trường Lộc Ninh, Mỹ có 1 trung đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 5 đại đội địa phương quân và nhiều trung đội nghĩa quân. Thanh niên Lộc Ninh cứ tới tuổi quân dịch là chúng bắt vào lực lượng tự vệ phục vụ cho chúng. Về phía mình chỉ có 1 sư đoàn, súng bộ binh, AK, B40, B41. Trong khi chúng thì xe tăng, pháo, máy bay trợ giúp… Tuy nhiên, với quyết tâm bám đất giữ làng, đồng bào các dân tộc ở H.Lộc Ninh đã mưu trí, dũng cảm, cùng bộ đội chủ lực địa phương kiên trì phục kích đánh úp khiến chúng trở tay không kịp.

“Yếu tố quyết định làm nên chiến thắng giải phóng Lộc Ninh là việc sử dụng lực lượng của Trung ương và sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện xe tăng, cơ giới phục vụ chiến dịch. Cùng với đó là nghệ thuật đấu tranh phục kích bất ngờ khiến chúng trở tay không kịp. Chính vì vậy, trong khi ta đánh chưa hết cơ số đạn dự kiến thì chúng đã bỏ chạy” - nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trịnh Lương Sơn, người từng tham gia đấu tranh giải phóng Lộc Ninh cho hay.

Ngày 31-3-1972, ở hướng nghi binh, bộ đội chủ lực đánh địch trên quốc lộ 22 Xa Mát, Thiện Ngôn, tạo thuận lợi cho trận then chốt ở Lộc Ninh. Trước ngày chiến dịch bùng nổ, ngày 2-4-1972, quân ta phục đánh đoàn xe cơ giới của địch ở Lộc Tấn, diệt gần 100 xe và nhiều binh lính địch. Chiều 5-4-1972, lúc 15 giờ 30, pháo binh quân giải phóng dội bão lửa vào các căn cứ quân địch ở Lộc Ninh, Hoa Lư, Lộc Tấn. Đêm 5-4-1972, bộ binh của ta tiến đánh chi khu quân sự, Bộ chỉ huy Chiến đoàn 9, trại biệt kích ở thị trấn Lộc Ninh.

Phối hợp với bộ đội chủ lực, từ đêm 5 và 6-4-1972, bộ đội địa phương huyện và du kích đã tiêu diệt lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, Làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình và vây chặn địch ở đồn Ngo Lơ. Tại đồn Ngo Lơ, do vướng phải mìn địch, 10 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 31 bị thương vong. Đại đội phó Lâm Xum bị thương vẫn dũng cảm chiến đấu để bảo vệ thương binh, sau đó anh tự sát để khỏi rơi vào tay địch.

Nhắc về đồng đội, ông Vũ Văn Đàm, nguyên chiến sĩ Đại đội 31 mắt ngấn lệ: “Tôi đã từng chôn cất nhiều đồng đội, nhưng có những trường hợp khiến tôi nhớ mãi. Đó là người bạn cùng xóm, cũng là đồng đội của tôi khi tham gia chiến dịch giải phóng Lộc Ninh. Tôi may mắn hơn bạn được sống sót trở về, còn bạn thì mãi mãi nằm xuống. Bạn tôi bị bắn 3 phát đạn vào chân, bụng và gan. Khi bế bạn lên cáng, tay tôi chạm vào những miếng gan bể nát, bạn ra đi với lời trăn trối: “Mấy anh ở lại mạnh khỏe nhé” khiến tôi quặn thắt”.

Ngày 7-4-1972, địch giở thủ đoạn đê tiện, chúng lùa dân ra cản đường tiến quân của xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, lực lượng bộ binh vượt lên trước dọn đường và tiêu diệt bọn ác ôn. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát, bộ đội, xe tăng tiếp tục truy kích đến tận hang ổ cuối cùng, bắt sống nhiều tên địch.

Chiến thắng lịch sử ngày 7-4-1972 đánh dấu một quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ của nhân dân ta, đã phá tan bức tường thép kiên cố ở vùng biên giới, bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, tạo điều kiện để chính phủ cách mạng lâm thời xây dựng vùng căn cứ.

* Vỡ òa niềm vui giải phóng

Là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, Lộc Ninh được chọn là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Quân số của địch ở chiến trường Lộc Ninh đông lắm. Suốt tuyến đường từ Cửa khẩu Hoa Lư về cầu Cần Lê, địch bố trí dày đặc đồn bốt. Quân số địch lúc này khoảng hơn 10.500 tay súng, trong khi dân số Lộc Ninh chỉ khoảng 23 ngàn người, nghĩa là 1 tên lính có thể quản lý 2 người dân. Đại đội 31 lúc này không nhiều, chỉ khoảng 30 tay súng, nhưng tinh thần quyết chiến thì vô kể” - ông Vũ Văn Đàm, nguyên chiến sĩ Đại đội 31 kể lại.

Với người dân Lộc Ninh, sự kiện ngày 7-4 của 50 năm về trước đáng nhớ như một lần nữa mình được sinh ra. Khắp nơi, già trẻ, gái trai hân hoan mừng đoàn quân giải phóng trở về.

Trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trở về, cựu chiến binh Bùi Đức Thu bồi hồi kể lại: “Đó là thời khắc mà có lẽ tôi và không một đồng đội nào có thể quên được. Nó chấm dứt những ngày mưa bom bão đạn gầm rú, đánh rát trên đầu. Bà con được tự do đi lại sản xuất, ổn định cuộc sống”.

“Chúng đánh phá tàn ác lắm, khi được giải phóng ai cũng mừng. Mừng lắm! Đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh tổ chức ăn mừng, người thì đem xoong nồi ra gõ, kể chuyện đánh Mỹ suốt đêm ngày” - bà Thị Sa Pên ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh hân hoan nhớ lại.

50 năm đã đi qua. Những câu chuyện của những người con quê hương Lộc Ninh anh hùng có mặt trong thời khắc lịch sử ấy khiến thế hệ hôm nay hiểu cái giá của hạnh phúc ngày giải phóng là không dễ có được. Hạnh phúc ấy đã trở thành động lực để sau đó, quân - dân Lộc Ninh lại đoàn kết một lòng vừa nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh vừa tiếp tục chi viện sức người, sức của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Không còn canh tác lạc hậu, người dân Lộc Quang (H.Lộc Ninh) ngày nay đã cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch. Trong ảnh: Người dân trang bị máy gặt liên hoàn để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Ảnh: Phú Quý
Không còn canh tác lạc hậu, người dân Lộc Quang (H.Lộc Ninh) ngày nay đã cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch. Trong ảnh: Người dân trang bị máy gặt liên hoàn để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Ảnh: Phú Quý

Nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trịnh Lương Sơn trải lòng: “Những người đi qua cuộc chiến như chúng tôi chỉ mong lớp trẻ sau này tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng Lộc Ninh ngày càng phát triển nhanh và bền vững”.

Minh Nhâm - Minh Luận

Tin xem nhiều