Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo - câu chuyện sống và cống hiến

09:03, 04/03/2022

Cuộc đời nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có thể xem là một "thiên phóng sự" đặc sắc bởi sự cống hiến không ngừng của anh, và triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo (tổ chức từ 3-3 đến 15-3 tại Hà Nội) không chỉ giúp anh viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình...

Cuộc đời nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có thể xem là một “thiên phóng sự” đặc sắc bởi sự cống hiến không ngừng của anh, và triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo (tổ chức từ 3-3 đến 15-3 tại Hà Nội) không chỉ giúp anh viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình...

Một số tranh chân dung của đồng nghiệp do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thực hiện
Một số tranh chân dung của đồng nghiệp do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thực hiện

Thơ cho thời gian một chiều

Thực ra, triển lãm tranh Nhà báo vẽ nhà báo của Huỳnh Dũng Nhân nằm trong bộ đôi sản phẩm thơ và họa của anh. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tập thơ Một chút riêng tư của anh được xuất bản, trong đó có 28 bài thơ và 100 bức tranh do anh vẽ. Đây là tập thơ thứ 6 của Huỳnh Dũng Nhân, cùng những bức vẽ chân dung đồng nghiệp, được anh miệt mài viết, vẽ trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19. Đó cũng là cách anh chiến đấu với bệnh tật, vượt qua lằn ranh sinh tử và vượt qua chính mình.

Trước khi trở thành nhà báo, anh đã từng học hội họa. Vẽ như là cách Huỳnh Dũng Nhân tìm lại thời thơ ấu của mình, tìm lại ước mơ còn dang dở, và tìm một phương thức biểu đạt cuộc sống mới để hồi sinh bản thân mình. Có lẽ không ít người thắc mắc vì Huỳnh Dũng Nhân vẽ người thân, bạn bè, đồng nghiệp rất nhiều, nhưng lại ít tự họa chân dung của mình. Tuy nhiên đọc thơ anh, người đọc sẽ nhận ra bức chân dung tự họa bằng thơ chất chứa nhiều tâm sự, tình cảm, khát vọng của anh đối với cuộc sống. Một cá tính thơ rất Huỳnh Dũng Nhân được bộc lộ:

“Có một kẻ muốn quay ngược kim đồng hồ

Bắt giọt nước chảy ngược về nguồn

Từ nơi nó còn là một chút sương đọng trên cành lá

Ấp mỗi tế bào hồng tươi khi bắt đầu nhú lên trong hình hài tạo hóa

Quay về thời nói bập bẹ, bi bô

 

Có một kẻ muốn kéo ngược kim đồng hồ

Nhặt 65 tờ lịch đã làm rơi xuống đất...”

            (Có một kẻ muốn quay ngược kim đồng hồ)

Huỳnh Dũng Nhân đã từng nhiều lần triết lý về cuộc đời: “đường một chiều, không bao giờ quay trở lại”. Nhân loại trong mắt anh chỉ có một con đường hướng về phía trước. Bản thân anh cũng thế, chỉ có một cách sống là hành động và cống hiến, không từng nghĩ đến việc dừng lại hoặc quay lui. Nỗi ám ảnh về thời gian đã từng thúc đẩy anh như viên đạn rời khỏi nòng súng, chợt có lúc chạm phải bức tường nghiệt ngã của thời gian. Trên một chiều đi của cuộc sống, người nghệ sĩ trong anh cảm nhận rõ bước chân thời gian chậm lại, cùng những biến đổi vô thường:

“Mây xé toang trang viết

Gió bay chữ chóng mặt

In dấu những vết thương

Hằn sẹo

Buồn

 

Mệt mỏi nhai ký ức

Chậm như nuốt thời gian

Những gam màu rất trầm

Không thể vẽ nhanh được

Mỏi mòn”.

            (Mỗi ngày bắt đầu như thế)

Nhưng con người ấy vẫn giữ gìn một tình yêu trong veo, lãng mạn, tình yêu của tuổi trẻ sôi nổi gắn liền với trang sử hào hùng của đất nước:

“Tôi khai quật kỷ niệm

Tuổi thơ đẹp ngỡ ngàng

Nhấp ngụm mùa hè khát

Chợt mát cả thu sang”.

            (Mùa thu)

Vẽ cho cuộc sống nhiều chiều

Trước thềm triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Tôi thích vẽ chân dung. Vì khi vẽ chân dung là tôi nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm của nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến. Tôi vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ theo kiểu truyền thần. Khi vẽ tôi có cảm giác như mình đang được nói chuyện với nhân vật”. Không chấp nhận quy luật “một chiều” của tạo hóa, Huỳnh Dũng Nhân tiếp tục tìm kiếm những sự kết nối với cuộc sống đa chiều, đa thanh bằng tất cả tâm huyết và năng lực của mình.

Khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, phải cách ly xã hội tại nhà, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ tranh để cổ động cho công cuộc phòng, chống dịch. Những cảm xúc từ thực tiễn đầy khốc liệt mà bao con người phải chiến đấu với dịch bệnh đã đi vào tranh của anh một cách nhanh chóng, chân thật và rất thời sự. Ngoài ra, tranh vẽ của anh mang chiều sâu tâm hồn, tri thức, cùng với thơ đã mang đến những giá trị nghệ thuật sâu sắc. Chính vì vậy mà tranh vẽ của anh nhanh chóng lan tỏa, vừa là nguồn động viên cho những lực lượng chống dịch và thiện nguyện, vừa trở thành một “hiện tượng” nghệ thuật mới.

Có lẽ chính nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng không nghĩ đến một ngày tranh cổ động của mình đi vào thời trang - áo dài Việt, và cũng không nghĩ mình sở hữu trên 400 bức tranh, đa phần là chân dung nhà báo và văn nghệ sĩ Việt. Trong một năm, anh xuất bản 3 tập thơ (Bỗng lại hờn lại nhớ, Riêng một góc nhìn, Một chút riêng tư) ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống bằng tâm hồn nhạy cảm và cái nhìn sắc sảo, thậm chí dữ dội... Những “bộ sưu tập” độc đáo này đã giúp anh thiết lập những “kỷ lục” mới cho chính mình, và thu hút được sự đồng cảm to lớn của đồng nghiệp, của cộng đồng. Song suy cho cùng, anh không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo để tìm về bản thể, để hiểu cuộc sống của chính mình, hiểu được cái Tôi dữ dội và đầy yêu thương mà anh luôn khát khao bày tỏ. Anh cho biết: “Khi cầm cọ vẽ, tôi trả lời được câu hỏi: Hôm nay ta phải làm gì?”.

Tuy tranh của Huỳnh Dũng Nhân mang tính nghiệp dư, song tinh thần sống và làm việc của anh luôn chuyên nghiệp. Triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo sẽ có 100 tranh chân dung các nhà báo (khổ 70x90 cm), 100 tranh chân dung (khổ A3, A4), bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch cùng bộ sưu tập mẫu áo dài thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng tranh áp-phích chống dịch của anh. Huỳnh Dũng Nhân cũng sẵn sàng cho triển lãm ảnh tư liệu tác nghiệp Phóng sự 40 năm làm báo của anh trong năm nay.

Với những gì đã và đang thực hiện, và với bao ý tưởng còn chất chứa trong lòng, Huỳnh Dũng Nhân không chỉ viết tiếp câu chuyện sống và cống hiến của mình, mà còn mang đến thông điệp tích cực cho cuộc sống, cho làng báo, cho đồng nghiệp, học trò của anh. Đó là cách tự “bào chế vaccine” chống lại dịch bệnh và vô cảm; là câu chuyện nghệ thuật vị nhân sinh cao cả; là cái giá mà người nghệ sĩ phải trả để tồn tại và tái sinh...

Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều