Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộ sách chân dung văn nghệ sĩ

07:03, 25/03/2022

Chưa có thống kê nào cho thấy trong đại dịch Covid-19, số người ngồi nhà đọc sách in tăng đến mức nào, nhưng lượng đầu sách xuất bản trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp lại gia tăng đáng kể. Trong đó, điều khá bất ngờ là nổi lên mảng sách về đề tài chân dung văn nghệ sĩ.

Chưa có thống kê nào cho thấy trong đại dịch Covid-19, số người ngồi nhà đọc sách in tăng đến mức nào, nhưng lượng đầu sách xuất bản trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp lại gia tăng đáng kể. Trong đó, điều khá bất ngờ là nổi lên mảng sách về đề tài chân dung văn nghệ sĩ.

* Những cuốn sách đơn lẻ

Trước hết là sự xuất hiện tác phẩm 90 chân dung văn hóa văn chương Việt của GS Phong Lê, nhà nghiên cứu và phê bình văn học kỳ cựu đã ở tuổi 83 với nhiều công trình trước tác đồ sộ. Dày gần 800 trang, quyển sách này đã được tác giả bổ sung, thêm bớt từ cuốn 85 chân dung văn hóa - văn chương Việt (NXB Thông tin - truyền thông, năm 2018). Do đó, ngoài những chân dung xưa cũ, sách có khá nhiều gương mặt mới như: Nguyễn Nhật Ánh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Hướng… Nhà văn Ma Văn Kháng nhận định: “Phong Lê viết chân dung các nhà văn trong sự trìu mến, thiết tha đặc biệt hiếm hoi…, dồn hết tâm huyết, tình cảm và rung động của mình vào mỗi bức chân dung. Chân dung đó là của người mang tên, nhưng cũng là tình yêu ông dành cho họ… 90 chân dung trong cuốn sách này, đậm nhạt khác nhau, nhưng đều là các nhân vật của Phong Lê, do chính ông mang nặng đẻ đau”.

Rất nổi tiếng với những bộ phim chính luận trên VTV như Sinh tử, nhà văn Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc) phụ trách mục Chuyện đời - Chuyện nghề trên Nhân dân hằng tháng vừa bất ngờ tung ra Chân dung người mê sách. Cuốn sách này được tác giả tập hợp từ những bài viết đăng trong chuyên mục này của 20 chân dung văn nghệ sĩ đang gây chú ý trên thị trường sách đọc. Trong đó, nổi bật như Đỗ Phấn, “họa sĩ viết văn tay ngang”, chỉ trong thời gian ngắn đã trình làng 30 đầu sách, đọc rất lý thú; Trung Sỹ, tác giả cuốn Chuyện lính Tây Nam, đã thu hút bạn đọc từ tác phẩm đầu tay; Bình Ca, “người không tình cờ của văn chương”, nổi tiếng bất ngờ với cuốn Quân khu Nam Đông…

Nhà nghiên cứu VƯƠNG TRÍ NHÀN nhận định: “Người đời đôi khi thành kiến rằng đám người viết văn chẳng qua là một bọn dông dài. Trong khi ấy, một số đồng nghiệp viết phê bình của tôi (nhất là các nhà giáo) có xu thế lý tưởng hóa những người viết văn, xem cây bút nào cũng tâm huyết đầy mình. Về phần tôi, tôi muốn nghĩ ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, ở đây cũng có thánh thần và có ma quỷ, và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Và điều quan trọng hơn, mỗi con người ở đây là một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn tên tuổi được lưu lại trong lịch sử mới có một cuộc đời thú vị. Mà ngay những nhà văn tạm gọi là bình thường thực ra nhìn kỹ cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Có thể bảo, những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng đáng được ghi chép lại”.

Thay lời tựa cho cuốn Chân dung người mê sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng: “Viết được một chân dung nhà văn cho đích thực, trung thực là rất khó. Muốn viết được cần nhiều yếu tố; trong đó, chân tình và thành thực tôi nghĩ là những cái hàng đầu. Phạm Ngọc Tiến lâu nay vẫn đang ấp ủ một cuốn chân dung như vậy. Những bài anh viết đây chỉ như khúc dạo đầu”.

Nhà văn Châu La Việt, còn có những bút danh khác là: Triệu Phong, Trương Nguyên Việt… Ông là con của cố nữ ca sĩ Nhân Tân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vừa được NXB Phụ nữ cho ra mắt cuốn Những cánh buồm nâu. Tập sách này được xem là nối tiếp những câu chuyện nghệ sĩ của cuốn Tạm biệt chim én xưa đã phát hành trước đây. Những cánh buồm nâu khắc họa chân dung của một số nghệ sĩ rất được công chúng hâm mộ như: ca sĩ Ngọc Tân, Trần Hiếu, Lê Dung, Trương Nhuận, Bun Xom Nhật, NSND Trần Bình, người cha của Lưu Quang Vũ, ngôi sao sân cỏ Cao Cường… cùng Chuyện tình người ca sĩ tên Thy, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, NSƯT Tất Bình, NSND Lan Hương, Kim Quang, NSƯT Mai Tuyết…

Cũng trong đại dịch, nhân kỷ niệm 100 ngày mất của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ nữ đã cho ra mắt mấy cuốn sách mang tính tự sự của tác giả Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly tiếng tăm lừng lẫy. Trong đó, Tiếng người trong văn được xem là một… “tiểu hồi ký” của cố nhà văn có cuộc đời lận đận này ghi nhớ về nhiều văn nghệ sĩ thân quen như: Tô Hoài, Vũ Bằng, Trần Dần, Lê Bầu, Dương Tường..

Chân dung những đồng nghiệp gần gũi này được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khắc họa lại với nhiều đường nét sắc sảo, tinh tế và rất đỗi nhân văn.

* Cả bộ sách chuyên đề

Hoành tráng hơn cả có lẽ là bộ sách Bạn văn Bạn mình của NXB Kim Đồng. Combo 10 cuốn sách có cùng một kiểu hình bìa được biến đổi khác nhau rất lạ mắt. NXB Kim Đồng cho biết đây là tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba. Qua đó, giúp độc giả cảm nhận gần gũi hơn về tác phẩm, tác giả và cung cấp những tư liệu dồi dào, chân thực về lịch sử văn chương…

Đáng chú ý, với Bạn văn Bạn mình, “Chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét, với nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, bật lên đặc điểm khác biệt trong hình dung và tâm tính mỗi người”.

Trong cuốn Cây bút đời người, tác giả Vương Trí Nhàn cho rằng: “Với tư cách một người chuyên viết phê bình văn học, có thể nói, tôi có nhiều may mắn, bởi trong suốt cuộc đời làm nghề, tôi luôn có dịp được sống gần gũi với các nhà văn nhà thơ, ở cùng cơ quan, hằng ngày trò chuyện với họ, cùng họ bàn bạc về công việc văn chương cũng như việc đời. Nhiều người từng gặp nhau ở nhận xét: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo, đấy là con người của chính ông ta, tính cách của ông ta…”.

Với cái nhìn khá đa chiều, trong cuốn Cây bút đời người nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết về: Xuân Quỳnh - cuộc đời để lại trong thơ, Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng, Nguyễn Khải và nổi hào hứng viết để chinh phục bạn đọc, Nguyễn Minh Châu - người viết văn và thời đại, Nguyễn Thành Long và một cuộc sống khác… Trong đó, “Ông hoàng thơ tình” được Vương Trí Nhàn viết bài có tít giống như “người tốt việc tốt”: Xuân Diệu sống để mài sắt nên kim; nhưng nhà phê bình đã đưa ra những lát cắt rất sắc bằng “con dao” tâm sinh lý học để khắc họa chân dung một Xuân Diệu nặng mang tâm thức “con vợ nhỏ”, ham bộc lộ, ham xuất hiện, sống nhẫn nhịn, chỉ thích làm phó. 

Cũng khá đặc biệt, tập Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn được xem là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ và tác giả cũng là người mở đầu cho nền phê bình văn học nước nhà, được NXB Kim Đồng giữ nguyên chính tả bản in lần đầu vào năm 1933, để bạn đọc thấy được sự phát triển của chữ quốc ngữ. Trong Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn đã… “phê bình” một loạt “nhân vật” như: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Tương Phố nử sĩ với cái nhìn rất… chuyên môn.

Còn Vũ Bằng, người được Nguyễn Vỹ mô tả: “Anh chàng mập tròn quay ấy, nước da ngâm ngâm đen, đôi mắt hi hí thật ranh mãnh, nụ cười mỉa mai và trào lộng nở trên đôi môi thâm xì, là người tinh nhịch nhất của làng văn Bắc Hà thời tiền chiến”, tác giả của cuốn Thương nhớ mười hai với bút lực dồi dào đã khắc họa một cách sinh động những: Nam Cao - nhà văn không biết khóc, Thâm Tâm - nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố nhà học giả thứ… thiệt, Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ… trong Mười chín chân dung nhà văn cùng thời.

Trong combo sách Bạn văn bạn mình còn có những tên tuổi hiếm gặp đã tạo bất ngờ khi viết về chân dung văn nghệ sĩ như các tập: Những gương mặt của Tô Hoài, Chân dung văn học của Nguyễn Tuân, Hình dung và tâm tưởng của Lan Khai, Văn thi sĩ hiện đại của Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ…

Cũng rất đáng chú ý là tập Bạn văn của Nguyễn Quang Lập. Với giọng văn hóm hỉnh, Bọ Lập đã khai thác những tình tiết rất bi hài trong đời thường lẩn nghiệp văn của các đồng nghiệp cứ tưởng nghiêm trang như: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Dần, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Xuân Nguyên, Xuân Sách, Lâm Thị Mỹ Dạ… qua những câu chuyện có thực, mà người đọc buông sách ra vẫn còn tức cười.

Bộ sách Bạn văn bạn mình là một tuyển tập văn hóa đặc sắc, đã thể hiện được sự độc đáo riêng biệt của từng tác giả. Đọc Bạn văn bạn mình, không những thấy được chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa trong từng tập sách mà còn hình dung khá rõ chân dung của chính người viết. Bộ sách này rất xứng đáng có mặt trong đợt đọc sách đang được phát động rộng rãi hiện nay nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4-2022.

 Bùi Thuận

Tin xem nhiều