Trong dòng chảy văn học Việt Nam có nhiều tác giả, tác phẩm được biên soạn sách, xuất bản thành những công trình có giá trị cao trong giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên. Nhiều tác giả, nhà văn của đất Đồng Nai cũng "góp mặt" trong một số công trình giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, tiêu biểu là cuốn sách Lược sử Văn học Việt Nam do NXB Đại học Sư phạm ấn hành.
Trong dòng chảy văn học Việt Nam có nhiều tác giả, tác phẩm được biên soạn sách, xuất bản thành những công trình có giá trị cao trong giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên. Nhiều tác giả, nhà văn của đất Đồng Nai cũng “góp mặt” trong một số công trình giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, tiêu biểu là cuốn sách Lược sử Văn học Việt Nam do NXB Đại học Sư phạm ấn hành.
Lược sử Văn học Việt Nam |
1. Công trình biên khảo về văn học mới nhất được xuất bản là cuốn Lược sử Văn học Việt Nam có 340 trang với nhiều phần chuyên sâu về các giai đoạn văn học. Công trình do GS Trần Đình Sử chủ biên, gồm có 4 chương. Trong đó, chương đầu tiên đưa ra một cái nhìn khái quát về văn học dân gian của người Việt, còn 3 chương sau lần lượt trình bày 3 giai đoạn lớn của lịch sử văn học viết Việt Nam (từ thế kỷ X đến năm 1885, từ năm 1885-1945, và từ sau 1945 đến đầu thế kỷ XXI).
Không chỉ có đóng góp trong việc hệ thống hóa những tri thức nền tảng về lịch sử văn học Việt Nam một cách mạch lạc, các tác giả còn khảo lọc kỹ lưỡng, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất; đồng thời tận dụng vị thế của một công trình mang tính “lược sử” dành cho đại chúng để phổ quát hóa những góc nhìn cởi mở, mới mẻ và đầy thiện chí về nhiều vấn đề văn học từng gây tranh cãi. Điểm đáng chú ý của cuốn sách, lần đầu tiên có chương viết riêng về văn học miền Nam với các sự kiện gây tranh cãi như: Nhân văn - Giai phẩm, tính chất “chính thống” của văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975…).
2. Trong công trình lược sử văn học này, có một số nhà văn xứ Đồng Nai thời hiện đại được nhắc đến là Lý Văn Sâm, chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Nhà văn Lý Văn Sâm được nhắc trong chương Văn học phân hóa và hiện đại hóa, từ trang 254 của cuốn sách. Tiểu mục xuất hiện tác giả Lý Văn Sâm là Khuynh hướng văn học thể hiện tinh thần phản kháng với tác phẩm Chuông rung trên tháp cổ của ông. Hai tác phẩm khác chung chủ đề được nhắc đến trong sách gồm Tình yên phượng của Viễn Phương và Trăng lu của Lê Vĩnh Hòa.
Việc lựa chọn tác phẩm Chuông rung trên tháp cổ là cách tiếp cận riêng của người viết, thật ra Lý Văn Sâm có nhiều tác phẩm nổi tiếng hơn nhiều như: Sương gió biên thùy, Ngàn sau sông Dịch, Đường vào đất Thục, Nắng bên kia làng… Lý Văn Sâm được xếp vào số ít các nhà văn viết “truyện đường rừng” bối cảnh miền Nam, tựa dòng truyện đường rừng của Lan Khai ở phía Bắc. Các tác giả vùng đô thị được xếp chung như: Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Tô Nguyệt Đình, Nguyễn Bảo Hóa, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Truy Phong, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Chinh Ba, Dương Trữ La… ở chương sách này. Có người sau đó vào chiến khu như Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa (hy sinh trong kháng chiến)…
Khác với Lý Văn Sâm ở lại miền Nam vào chiến khu, nhà văn Hoàng Văn Bổn tập kết ra Bắc, sau năm 1975 về quê hương Đồng Nai. Ông được nhắc đến trong công trình này ở tiểu mục Giai đoạn từ 1955-1964: Xây dựng nền văn học xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc tính đảng cộng sản và những cuộc đấu tranh tư tưởng. Ông được xếp trong nhóm các nhà văn tập kết cùng với Đoàn Giỏi, Bùi Đức Ái, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Phùng Quán, Nguyễn Thành Long, Tế Hanh… Tác phẩm của Hoàng Văn Bổn được nhắc đến là cuốn Trên mảnh đất này.
Trong số các nhà văn Đồng Nai được viết, có Bình Nguyên Lộc, hiện nhiều đầu sách của ông được tái bản, trong đó có Đò dọc được dựng thành phim. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng xuất hiện trong cuốn sách Lược sử Văn học Việt Nam tại chương Sự hình thành nền văn học tuyên truyền cách mạng mang ý thức hệ vô sản với tác phẩm Tiếng hát quốc ca. Ông được xếp chung với những tác giả có tên tuổi như: Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên…
Tác giả khác là Hoàng Thoại Châu (bút danh Ba Thợ Tiện khi làm Báo Lao Động) có mặt trong cuốn Văn học Đồng Nai lịch sử và diện mạo của Bùi Quang Huy, xuất hiện trong Lược sử Văn học Việt Nam ở chương Khuynh hướng văn học thể hiện tinh thần phản kháng (ở miền Nam trước năm 1975) cùng với những bút danh khá quen thuộc sau năm 1975 như: Trần Vàng Sao, Đông Trình, Trần Vạn Giã, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San.
3. Lược sử Văn học Việt Nam đưa ra cái nhìn khái quát về văn học dân gian của người Việt, khởi thủy văn học viết đến đầu thế kỷ 21, dĩ nhiên phải có Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh. Các nhà văn xứ Đồng Nai với những thành tựu và đóng góp được nhắc đên trân trọng, Biên Hòa có 3 con đường đặt tên hai ông. Một nhà văn lớn khác là Bình Nguyên Lộc, do hoàn cảnh lịch sử chưa được chính thức đánh giá đúng mức nhưng tác phẩm của ông đã được tái bản khá nhiều.
Với việc lựa chọn góc nhìn tổng thể, Lược sử Văn học Việt Nam không chỉ là cuốn sách cần thiết cho bất kỳ người Việt quan tâm đến văn hóa dân tộc mà còn là tài liệu nhập môn bổ ích cho những bạn bè nước ngoài muốn hiểu rõ hơn về văn chương Việt Nam. Và hơn, hết là cá tính và tiếng lòng của con người Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng được thể hiện qua văn học.
Trần Phi Châu