Sau nhiều tháng liên tục hoạt động trong trạng thái căng thẳng, áp lực lớn, đến nay, các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 ở Đồng Nai đã có dấu hiệu "giảm nhiệt".
Sau nhiều tháng liên tục hoạt động trong trạng thái căng thẳng, áp lực lớn, đến nay, các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 ở Đồng Nai đã có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Các bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất rà soát các loại máy móc để trả lại Trung. Ảnh: Hạnh Dung |
* Số bệnh nhân nặng giảm sâu
So với tháng 8, 9, 10-2021, khoảng thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19, thời điểm này, số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng điều trị tại các trung tâm hồi sức Covid-19 trong tỉnh đã giảm sâu. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại tầng 3 của tháp điều trị. Trong đó, Khu hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang theo dõi, điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất với 37 bệnh nhân. Trong số những bệnh nhân đang điều trị, có 3 bệnh nhân phải thở máy xâm lấn, 15 bệnh nhân phải thở oxy.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tâm sự, do làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc từ trước đó nên chị khá quen với công việc chăm sóc bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chăm sóc bệnh nhân bị các bệnh thông thường với bệnh nhân Covid-19 là các điều dưỡng phải mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng bức liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Có những lúc rất khát nước nhưng điều dưỡng Hạnh phải ráng nhịn bởi không thể cởi bỏ đồ bảo hộ trong lúc đang làm việc để uống nước.
PGS-TS NGUYỄN VIẾT NHUNG, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương chia sẻ, với bệnh nhân Covid-19 nặng, việc chậm trễ triển khai điều trị sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế làm việc tại các trung tâm hồi sức Covid-19 nặng phải luôn theo sát bệnh nhân, kịp thời nhận biết những dấu hiệu bất thường của bệnh nhân để xử trí. |
Hằng ngày, các điều dưỡng tại Khu hồi sức Covid-19 sẽ thay nhau làm nhiệm vụ, từ việc thay ga giường, thực hiện y lệnh của bác sĩ, cho bệnh nhân uống thuốc, rút đờm, đút cháo cho bệnh nhân đến vệ sinh cá nhân, thay tã, đổ nước tiểu cho bệnh nhân.
BS Vi Thị Chung, Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, so với những ngày đầu làm việc tại Khu hồi sức Covid-19, chị đã có kinh nghiệm hơn nhiều, cũng không còn lo lắng về việc lây nhiễm như trước. Điển hình như trước đây, mỗi lần đi lấy mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân Covid-19 nặng, BS Chung khá lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên đến nay, khi công việc đã đi vào nề nếp, việc đó không còn đáng ngại.
“Để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, chúng tôi đặt vị trí của mình vào vị trí của bệnh nhân để biết nhu cầu, mong muốn của họ. Với những bệnh nhân bị bệnh thông thường, khi bị bệnh nặng, ngoài sự chăm sóc của các y, bác sĩ, còn có sự chăm sóc ít nhiều của người nhà. Tuy nhiên, với bệnh nhân Covid-19 nặng, người nhà không được vào khu điều trị, chỉ có các y, bác sĩ thường xuyên túc trực, điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân” - điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ,
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hội chẩn một ca bệnh Covid-19 nặng |
Thấu hiểu sự thiệt thòi của bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại Khu hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cố gắng bù đắp cho bệnh nhân. Họ thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thêm nghị lực, cùng hợp tác tốt để mau chóng hết bệnh, sớm trở về với người thân, gia đình.
* Nâng tầm bệnh viện
Sau gần 9 tháng đi vào hoạt động, đến nay, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã điều trị khỏi, thuyên giảm cho hơn 800 bệnh nhân Covid-19 nặng. Bên cạnh phòng hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất còn triển khai thêm các phòng mổ, phòng sanh ngay tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng để giải quyết các bệnh nền khác cho bệnh nhân Covid-19. Trung tâm đã thực hiện gần 80 ca phẫu thuật cả về sản khoa, ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực, mạch máu… cho các bệnh nhân Covid-19 nặng có bệnh nền kèm theo.
Điểm sáng trong việc triển khai hoạt động của Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là đã triển khai thành công kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là kỹ thuật cao, kỹ thuật khó lần đầu được triển khai tại Đồng Nai, trước đây chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Nhờ kỹ thuật này, một sản phụ mắc Covid-19 nặng đã thoát khỏi “lưỡi hái” của “tử thần”.
BS Đặng Xuân Quyền, Khoa Ngoại lồng ngực, tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, trước khi triển khai Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng tại bệnh viện, anh được đào tạo chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể để điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thời gian này, anh tham gia kiến tập kỹ thuật chạy ECMO tại đây. Đến khi thành lập Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và triển khai kỹ thuật chạy ECMO, anh tiếp thu khá nhanh và thực hiện tốt. Yêu cầu khi triển khai kỹ thuật ECMO là các bác sĩ, điều dưỡng phải thường xuyên thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh để kịp thời phát hiện các diễn tiến bất thường của bệnh nhân và xử lý ngay.
Bên cạnh kỹ thuật chạy ECMO, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất còn triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác như: theo dõi huyết động xâm lấn bằng phương pháp Picco; siêu lọc máu liên tục; lọc máu định kỳ bệnh thận mạnh giai đoạn cuối; thở máy xâm lấn và không xâm lấn; nội soi phế quản tại giường… Các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại trung tâm còn được đào tạo sử dụng máy thở các loại, cách dùng monitor, cách dùng bơm tiêm điện, máy lọc máu liên tục… Nhờ đó, tay nghề, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên rõ rệt.
* Hạn chế tối đa số ca tử vong
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, từ khi các trung tâm hồi sức Covid-19 nặng của tỉnh đi vào hoạt động đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện.
Bên cạnh chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế được nâng cao, việc bao phủ vaccine phòng Covid-19 cũng đã giúp giảm bớt số ca bệnh nặng và tử vong. Mặc dù vậy, trong tuần vừa qua vẫn tiếp tục ghi nhận có ca tử vong tại các trung tâm hồi sức Covid-19 nặng. Cụ thể, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 27 ca tử vong do Covid-19. Hầu hết trong số đó đều mắc các bệnh lý nền thúc đẩy diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19 như: suy thận, suy tim, đái tháo đường tuýp 2, HIV, hoặc các trường hợp già yếu suy kiệt trên 80 tuổi, mắc các bệnh nền nguy kịch như: ung thư, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận giai đoạn cuối, chấn thương sọ não…
Để hạn chế tối đa số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác phân luồng, phân tầng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là hệ thống oxy để phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Hạnh Dung