Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện đầu tư lâu dài từ chăm chút cho chất lượng sản phẩm đến đầu tư quảng bá, phát triển thị trường. Do đó, các chủ thể sản xuất cần sự thay đổi về tư duy, đầu tư lâu dài, bài bản hơn.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện đầu tư lâu dài từ chăm chút cho chất lượng sản phẩm đến đầu tư quảng bá, phát triển thị trường. Do đó, các chủ thể sản xuất cần sự thay đổi về tư duy, đầu tư lâu dài, bài bản hơn.
Trứng gà thảo mộc đạt hàng chuẩn OCOP 3 sao của H.Định Quán đang tiêu thụ tốt trong hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ảnh: B.Nguyên |
Mặt khác, để có được những thương hiệu nông sản thực sự lớn, cần giải pháp đồng bộ từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đến sự triển khai đồng bộ chính sách vào thực tế của chính quyền địa phương.
* Cần chiến lược dài hạn
Xây dựng thương hiệu là cả quá trình đầu tư lâu dài và khó khăn, do sự quan tâm đầu tư cho thương hiệu của DN, nông dân còn hạn chế. Mặt khác, để có được thương hiệu mạnh, nổi tiếng, sản phẩm cần được kiểm chứng qua thực tế tiêu dùng, được người tiêu dùng công nhận.
Điều quan trọng nhất là DN, nông dân phải nhận thức về ý nghĩa, vai trò và những lợi ích to lớn mà nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm để quan tâm thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi nếu không đăng ký, nhãn hiệu đó có thể mất bất cứ lúc nào bởi một đơn vị khác đứng ra xin đăng ký bảo hộ.
Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia đã đầu tư 1 nhà máy chế biến trái cây tại TP.Long Khánh và 1 nhà máy chế biến nông sản tại H.Nhơn Trạch. Hiện sản phẩm của DN đã có mặt trên các hệ thống, siêu thị lớn trong nước như: Lotte, Winmart, Co.opmart, Aeon, Big C… DN cũng đã xuất khẩu tốt đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Đặc biệt, DN đang là nhà cung cấp hàng vào được các hệ thống siêu thị lớn của quốc tế như: Costco, Walmart… với những yêu cầu hết sức khắt khe.
Kể về hành trình dài xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây chế biến, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia chia sẻ, hành trình xây dựng thương hiệu nông sản của DN tại thị trường trong nước và thế giới là quá trình lâu dài, nhiều khó khăn từ xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu. Chăm chút về chất lượng, hoàn thiện về quy trình sản xuất không chưa đủ, DN còn đổ công, đổ của tích cực tham gia các chương trình hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá cho sản phẩm.
Muốn nâng tầm, cần bệ đỡ
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho đặc sản bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh không chỉ dừng lại ở việc được cấp chỉ dẫn địa lý. Nông dân, HTX phải quan tâm đúng mức trong việc chung tay cùng bảo hộ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản mang đặc trưng riêng của cả vùng sản xuất. Trong đó, chất lượng nông sản chính là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, vững mạnh của nhãn hiệu. Ở đây, chính người nông dân trực tiếp sản xuất phải nhận thức rõ sự cần thiết phải có thương hiệu khi bán nông sản ra thị trường, nhất là ra thị trường quốc tế. Họ phải hiểu rằng xây dựng được thương hiệu nông sản có liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình qua việc nâng cao giá thành sản phẩm và mở rộng thị trường. Người nông dân có thể hưởng lợi từ thương hiệu, không chỉ khi trực tiếp kinh doanh sản phẩm, mà cả khi cung cấp sản phẩm cho các DN đã có thương hiệu hay đang xây dựng thương hiệu.
Việc xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến toàn bộ các công đoạn khác từ thu mua, bảo quản, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và đem lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả các bên tham gia. Những HTX, DN trực tiếp kinh doanh, mua, bán nông sản cũng phải nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong thương mại hiện nay. Họ phải là đầu tàu trong xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản địa phương.
Hiện nay, một số DN, HTX, nông dân đã có nhận thức tốt hơn về thương hiệu, nhưng họ lại đang đứng trước một bài toán khó khăn là thiếu kinh nghiệm và nguồn lực khi biết bắt tay vào xây dựng thương hiệu nông sản. Trong tình hình hiện nay, nhiều DN, HTX gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, thậm chí bị đình đốn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, câu chuyện đầu tư cho các hoạt động quảng bá, bán hàng, xây dựng thương hiệu càng khó khăn.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện DN đang trong tình trạng tạm đứt nguồn cung vì ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến vùng nguyên liệu đứt nguồn cung. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao, phải tổ chức lại sản xuất trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến DN mất thời gian khởi động lại hoạt động sản xuất. Trong tình hình này, DN đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí đầu vào, đồng thời tìm mọi cơ hội để có đầu ra cho sản phẩm nên đầu tư làm thương hiệu sản phẩm không phải dễ.
Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của thị trường, đặc biệt là những yêu cầu khắt khe hơn về hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp, H.Tân Phú đang rà soát, kiến nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương hướng dẫn người nông dân thực hiện canh tác theo chuỗi liên kết nhằm hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản… để có đầu ra ổn định hơn
Lê Quyên - Ngọc Liên