Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo giếng cổ ở Đồng Nai

09:03, 04/03/2022

Đồng Nai là một trong những địa phương ở Nam bộ có những giếng nước nằm trong hệ thống các di tích tồn tại từ hàng chục đến hàng trăm năm. Không chỉ lưu giữ một nét đẹp văn hóa rất riêng của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển, những giếng cổ này còn là nơi lưu dấu kỷ niệm, ký ức lịch sử của biết bao thế hệ.

Đồng Nai là một trong những địa phương ở Nam bộ có những giếng nước nằm trong hệ thống các di tích tồn tại từ hàng chục đến hàng trăm năm. Không chỉ lưu giữ một nét đẹp văn hóa rất riêng của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển, những giếng cổ này còn là nơi lưu dấu kỷ niệm, ký ức lịch sử của biết bao thế hệ.

Giếng bộ đội tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) sau khi trùng tu, tôn tạo là điểm đến tham quan, sinh hoạt và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của các tầng lớp nhân dân
Giếng bộ đội tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) sau khi trùng tu, tôn tạo là điểm đến tham quan, sinh hoạt và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của các tầng lớp nhân dân

“Lưu giữ” nhiều câu chuyện lịch sử

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Đây là nơi gắn với nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại của dân tộc mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng ở khu vực Ðông Nam bộ. Trong khuôn viên khu di tích có giếng nước bộ đội - gắn với lịch sử kháng chiến của Biên Hòa - Đồng Nai.

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh cho biết, giếng nước bộ đội được các chiến sĩ đào, xây dựng từ năm 1965. Giếng nước có nguồn mạch trong suốt quanh năm. Trong giai đoạn 1965-1975, giếng nước là nguồn sinh hoạt cho cán bộ, đảng viên và cho lực lượng vũ trang bám trụ, chiến đấu tại khu Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại giếng nước bộ đội.

“Giếng nước bộ đội là một trong những hạng mục di tích gốc nằm trong di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. Qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu mùa nắng mưa, nguồn nước giếng vẫn ngọt lành chưa cạn bao giờ. Hiện nay, vào mùa khô giếng được người dân trong khu vực sử dụng làm nguồn nước để sinh hoạt và tưới tiêu. Ý thức về những giá trị của giếng bộ đội, người dân địa phương luôn bày tỏ thái độ tôn trọng, giữ gìn, không đập phá, làm bẩn hay thay đổi cảnh quan xung quanh giếng” - bà Khánh chia sẻ.

Có dịp đến thăm di tích chùa Bửu Phong (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), người dân và du khách sẽ được nghe kể sự tích giếng cổ do vua Gia Long xây dựng. Năm 1789, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh khỏi Phú Xuân (Huế) đã chạy về phương Nam. Chùa Bửu Phong là nơi lý tưởng cho Nguyễn Ánh tạm tá túc. Do đoàn quân tá túc khá đông mà thời điểm ấy, chùa chưa có giếng nước nên nguồn nước sinh hoạt thành vấn đề được Nguyễn Ánh quan tâm. Bởi vậy, Nguyễn Ánh đã cho quân đào giếng trên núi tìm mạch nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc đào giếng gặp nhiều khó khăn khi gặp toàn đá sỏi. Bất lực, Nguyễn Ánh đã quỳ khấn xin chư Phật và sơn thần phò trợ, rồi dùng thanh bảo kiếm của mình cắm mạnh xuống mặt đất. Tại đó, quân sĩ đào xuống, chỉ vài tấc đất thì mạch nước trong lành từ lòng đất tuôn trào. Nguyễn Ánh cho quân tiếp tục đào thêm và dùng đá xếp xung quanh mạch nước thành miệng giếng. Vì thế, giếng nước được đặt tên là Gia Long Tĩnh.

Phát huy giá trị trong đời sống hiện tại

Để bảo vệ lâu dài giếng cổ quý hiếm có mạch nước mát, trong lành, Ban trị sự chùa Bửu Phong đã cho trùng tu, xây thành giếng cao thêm 50cm. Hiện nay, đến thăm di tích chùa Bửu Phong, người dân và du khách sẽ thấy trên miệng giếng có một tấm lưới sắt kiên cố được đặt ngay ngắn để bảo vệ giếng. Phía trên miệng giếng còn có bệ thờ Phật bà Quan Âm và tấm bia đá khắc chữ Hán được xây dựng từ những năm 1963.

Có dịp làm phim tài liệu về các di tích và phim về giếng vua Gia Long trước mặt tiền sảnh của chùa Bửu Phong, đạo diễn Đào Anh Dũng cho rằng, những câu chuyện xung quanh giếng cổ rất hấp dẫn. Dù trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử nhưng giếng vua Gia Long vẫn tồn tại đến ngày nay. Đây thực sự là một nét văn hóa, là một phần ký ức của Biên Hòa - Đồng Nai cần được bảo tồn và phát huy trong nhịp sống thời hiện đại. Cùng với văn chương và báo chí, giếng vua Gia Long cần được tiếp tục gìn giữ, giới thiệu cho công chúng qua những thước phim chân thật nhất, qua những lời kể sinh động nhất...

Theo bà Tăng Thùy Phương Khánh, nhiều năm qua khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được trùng tu, tôn tạo và giếng nước bộ đội cũng được sơn sửa và nâng cấp nền. Bên cạnh đó, giếng nước đã được lát gạch, lót cống để giếng không bị sụp, gìn giữ nguồn nước trong sạch, không bị xói mòn vào mùa mưa.

“Ngoài đón các đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh, hằng năm, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền giá trị di tích bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử xung quanh giếng nước bộ đội; tổ chức trò chơi vận động tải nước về đơn vi, gánh nước, chuyền nước… cho học sinh. Qua đó giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm giá trị của một địa chỉ văn hóa lịch sử, là “nhân chứng” về một thời gian lao vất vả của cha ông” - bà Khánh bộc bạch.

Ở Đồng Nai hiện vẫn còn nhiều giếng cổ. Có thể kể đến các giếng như: giếng cổ tại chùa Hoàng Ân (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa); hai giếng (vuông, tròn) ở KP.2, P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa)… Những chiếc giếng cổ là di sản có ý nghĩa lịch sử, khẳng định nguồn cội, sự phát triển của hình thái xã hội của một cộng đồng dân cư. Theo thời gian, gắn liền với những biến động của cuộc sống, những giếng cổ này vẫn được bảo tồn, có giá trị sử dụng đến ngày nay. Giếng cổ ở Đồng Nai không đơn thuần là nơi lấy nước mà trở thành một vật thể sống động, chứng tích của lịch sử, văn hóa.

Ly Na

Tin xem nhiều