Những bức tường đơn điệu, nhàm chán qua bàn tay của người họa sĩ đã trở thành những bức tranh đầy màu sắc, gần gũi với thế giới trẻ thơ. Những bức tranh vẽ tường không chỉ tô điểm cho ngôi trường mầm non, tạo nên không gian thân thiện, gần gũi với trẻ mà còn được sử dụng hiệu quả trong hoạt động giáo dục.
Những bức tường đơn điệu, nhàm chán qua bàn tay của người họa sĩ đã trở thành những bức tranh đầy màu sắc, gần gũi với thế giới trẻ thơ. Những bức tranh vẽ tường không chỉ tô điểm cho ngôi trường mầm non, tạo nên không gian thân thiện, gần gũi với trẻ mà còn được sử dụng hiệu quả trong hoạt động giáo dục.
Một họa sĩ đang vẽ tranh trên tường tại Trường mầm non Phong Lan (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) |
Tùy theo yêu cầu của nhà trường hoặc theo khu vực lớp học (được chia theo độ tuổi), họa sĩ có sự lựa chọn hình ảnh phù hợp. Hiện nay, xu hướng vẽ tranh tường trong trường mầm non ngày càng nhiều.
Tranh tường - thế giới tuổi thơ tràn ngập màu sắc
Những bức tranh tường thường là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với trẻ thơ như: các nhân vật hoạt hình, thế giới động vật, minh họa hình ảnh các câu chuyện cổ tích, các bài thơ, bài nhạc… Khi vẽ tranh tường, ngoài việc lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và độ tuổi của trẻ, họa sĩ còn phải lựa chọn màu sắc tươi sáng, nổi bật. Chính những hình ảnh này đã mang đến cho trẻ cảm giác gần gũi, thân quen khi bước chân đến trường.
Xu hướng tăng, mẫu mã đa dạng Cùng với sự phát triển của các trường mầm non, nhà, nhóm trẻ tư thục, nhu cầu vẽ tranh trang trí tường cho trẻ mầm non cũng tăng lên. Số lượng người làm nghề vẽ tranh tường cũng ngày càng nhiều. Trong đó, bên cạnh các họa sĩ được đào tạo ở trường mỹ thuật còn có cả những “họa sĩ tay ngang”. Về hình thức hoạt động cũng khá phong phú, có khi lập thành nhóm chuyên thi công các công trình lớn và rút ngắn thời gian thi công; cũng có người hoạt động cá nhân, chủ yếu vẽ những công trình nhỏ. |
Có vợ là giáo viên mầm non, ông Mai Hữu Nhân (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) thường xuyên hỗ trợ vợ trang trí trường, lớp. Nhờ đó, ông đã bén duyên với việc vẽ tranh tường mầm non được hơn 10 năm. Theo ông Nhân, vẽ tranh tường cho trường mầm non không yêu cầu cao về nghệ thuật, cái khó là nét vẽ phải phù hợp với cái nhìn của trẻ thơ.
“Hình ảnh tuy đơn giản nhưng phải tạo được nét ngộ nghĩnh, dễ thương; mang đến cảm giác yêu thích cho trẻ. Các hình ảnh về con vật, cây lá, thiên nhiên cần được nhân cách hóa để gần gũi hơn với trẻ. Hiện nay, xu hướng vẽ tranh tường ở trường mầm non ngày càng phát triển và đa dạng, có cả vẽ 3D nhưng cá nhân tôi thích những hình ảnh đơn giản mà gần gũi hơn” - ông Nhân chia sẻ.
Cô Trần Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Lan (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Để lựa chọn được các bức tranh tường phù hợp, Ban giám hiệu và các giáo viên sẽ trao đổi để thống nhất nội dung sau đó chính giáo viên sẽ lựa chọn hình ảnh. Ngoài ra, một số khu vực có thể tham khảo ý kiến của họa sĩ thông qua bản phác thảo. Sau khi thống nhất thì họa sĩ mới bắt tay vào vẽ trang trí”.
Các chủ đề được lựa chọn vẽ trên tường phải phù hợp với từng khu vực, góc hoạt động cũng như phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn, tại khu vực nhà ăn, các bức tranh sẽ liên quan đến chủ đề 4 nhóm thực phẩm, những điều nên và không nên làm trong khi ăn; tại khu vực hoạt động thể chất thì sẽ có các bức tranh về các môn thể thao, vận động ngoài trời, các trò chơi dân gian…
Hỗ trợ trong công tác giáo dục trẻ
Đối với trẻ mầm non, tranh tường không chỉ đem lại nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn mang đến cho trẻ rất nhiều cảm xúc và nhiều điều bổ ích. Không chỉ làm đẹp cho ngôi trường, mỗi hình ảnh được vẽ trên tường đều được lựa chọn kỹ lưỡng để hỗ trợ cho công tác giáo dục trẻ.
Tùy theo khu vực lớp học của trẻ mà nhà trường và họa sĩ sẽ chọn những bức tranh khác nhau. Các bức tranh này đều liên quan trực tiếp đến nội dung, chủ đề trong chương trình giáo dục mầm non. Các nhóm hoạt động, chủ đề được ưu tiên lựa chọn là: chữ cái, chữ số, phát triển ngôn ngữ, các câu chuyện, bài hát… trong chương trình học.
Nhờ có khuôn viên rộng, Trường mầm non Hoa Mai (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) đã cho vẽ trên các bức tường rào theo các chủ đề của năm học. Mỗi chủ đề được tổng hợp thành 1 bức tranh. Ngoài ra, nhà trường cũng cho vẽ các bức tranh theo các chuyên đề cần tuyên truyền thường xuyên.
Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai cho hay: “Mỗi bức tranh tường đều gắn liền với nội dung giáo dục để hỗ trợ củng cố lại kiến thức cho trẻ, giúp trẻ ghi nhớ thêm. Bên cạnh đó, giáo viên có thể tận dụng tranh tường để làm minh họa cho các bài học. Chẳng hạn, khi kể chuyện cổ tích Ăn khế trả vàng, cô có thể đưa trẻ ra vị trí bức tranh Ăn khế trả vàng để cho trẻ thực hiện hoạt động đóng vai; khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, cô có thể dẫn trẻ đến khu vực vẽ những hoạt động không nên làm để cho trẻ quan sát và căn dặn trẻ…”.
Cùng với sự phát triển chung của xu hướng vẽ tranh tường, các mẫu mã, hình ảnh tranh tường ở trường mầm non ngày càng phong phú, đa dạng. Ưu điểm của hình thức trang trí này so với các hình thức khác là giá thành rẻ hơn, phù hợp triển khai trong không gian rộng. Ngoài ra, tranh tường cũng sử dụng được lâu, “tuổi thọ” có thể được 10 năm, những bức tranh ở ngoài trời có thể được 5-7 năm.
Thời gian qua, một số trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly, sau khi được bàn giao lại, các trường này đã được tu sửa, trang trí lại. Các trường cũng được “khoác áo mới” với rất nhiều tranh tường đẹp mắt, thu hút trẻ.
Hải Yến