Theo học kinh tế, nhưng anh Phan Cao Danh, ngụ ở P.Xuân Trung (TP.Long Khánh) lại bén duyên với thư pháp Việt. Và rồi, viết thư pháp đã theo anh đến bây giờ, trở thành công việc hằng ngày…
Theo học kinh tế, nhưng anh Phan Cao Danh, ngụ ở P.Xuân Trung (TP.Long Khánh) lại bén duyên với thư pháp Việt. Và rồi, viết thư pháp đã theo anh đến bây giờ, trở thành công việc hằng ngày…
Anh Phan Cao Danh trong không gian cho chữ thư pháp tại P.Xuân Trung (TP.Long Khánh). Ảnh: Anh Danh |
Ngoài cho chữ trong những dịp đầu Xuân, anh Danh còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa tổ chức tại TP.Long Khánh và các địa phương trong tỉnh. Hàng trăm bức thư pháp của anh được trao tay người nhận, giới thiệu rộng rãi với cộng đồng.
* Hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật thư pháp
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động phục vụ người dân thưởng lãm, xin chữ thư pháp đầu Xuân gặp nhiều khó khăn song “ông đồ” Phan Cao Danh đã nỗ lực để thiết kế một không gian cho chữ đẹp tại P.Xuân Trung. Tại đây, người dân và du khách sẽ được bước vào ngôi nhà lá nhỏ treo đủ loại chữ thư pháp trên nhiều chất liệu khác nhau (giấy, gỗ, quả dừa…) được trưng bày đẹp mắt. Nhiều tranh có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố họa và thư.
Anh Danh cho biết, anh theo đuổi viết thư pháp từ những năm 2000, đến nay đã hơn 20 năm. Khác với các năm trước là cứ mỗi dịp đầu Xuân, anh đi nhiều tỉnh, thành ở khu vực Nam bộ để cho chữ thư pháp thì năm nay để phòng, chống dịch anh chủ yếu hoạt động tại TP.Long Khánh. Anh đã mở không gian thư pháp riêng tại nhà, nhận các lời mời đi cho chữ của những đơn vị có nhu cầu. Việc làm này không chỉ giúp anh nâng cao thu nhập mà còn là cách để anh thỏa sức theo đuổi đam mê.
Anh PHAN CAO DANH chia sẻ: “Viết thư pháp, dù thể hiện trên chất liệu nào thì người viết vẫn phải chỉn chu trong từng nét bút. Cho chữ trong những dịp đầu Xuân là cách để tôi duy trì niềm đam mê và lưu giữ một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại”. |
“Hiện nay, trong các hoạt động văn hóa, lễ hội và những ngày đầu xuân… rất nhiều người có nhu cầu xin chữ để trao tặng hoặc về chơi. Những chữ như: Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lộc, Bình An... được mọi người xin nhiều. Điều đó chứng tỏ còn rất nhiều người quan tâm và yêu thích thư pháp Việt” - anh Danh chia sẻ.
Để có được những nét chữ uyển chuyển, mềm mại trao tay mọi người, anh Danh đã tốn không ít công sức theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Nhớ lại quãng thời gian vượt khó đến với thư pháp, anh kể, hồi còn là sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, anh thường xuyên làm thêm công việc bán thời gian tại các hội chợ và triển lãm. Nhận thấy nhiều người mê thư pháp và xin chữ, anh bắt đầu tìm hiểu, tự mày mò học qua internet và các nghệ nhân, tập viết rồi dần dần nét chữ ngày càng hoàn thiện hơn.
“Thật ra viết thư pháp cũng không quá khó. Thời gian đầu đòi hỏi người học phải tự mài giũa tính kiên nhẫn, luyện viết thật nhiều và quan trọng hơn hết là đam mê từng nét chữ của dân tộc. Tuy nhiên, giữ lửa đam mê với nghề, ngoài cho chữ tại nhà, tôi chọn cách tham gia các sự kiện, hoạt động lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh để cho chữ. Tôi đi nhiều nơi, mang con chữ thư pháp đến nhiều vùng miền. Có rất nhiều người quan tâm đến thư pháp khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khi “thú chơi” tao nhã của cha ông vẫn được “giữ lửa” trong đời sống hiện đại” - anh Danh bộc bạch.
* Lan tỏa giá trị văn hóa Việt
Tâm đắc với câu đối: “Đất nước Nam ngàn năm lưu dấu/ Văn hóa Việt muôn thuở khắc ghi”, để phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, ngoài cho chữ, anh Danh còn thường xuyên mở các lớp hướng dẫn những người trẻ yêu thích học thư pháp miễn phí. Anh cho rằng, mục đích chính của dạy chữ không phải là để kiếm tiền mà trên hết là để giới thiệu, quảng bá và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến mọi người, đặc biệt là người trẻ.
“Tôi thường nhận lời mời đến cho chữ ở các trường học, các hội sách trên địa bàn tỉnh, ở đó các em học sinh rất hứng thú với thư pháp. Nhiều em đã đến tận nhà tôi để xin theo học thư pháp. Tôi hướng dẫn rất tận tình, có em viết đẹp và theo đuổi được với nghề nhưng cũng có em chưa đủ kiên nhẫn để thể hiện nét chữ mềm mại, uyển chuyển và có độ đậm nhạt khác nhau. Dù vậy, tôi cũng rất vui, chỉ cần một người yêu thích thì dẫu bỏ bao nhiêu công sức tôi cũng không tiếc” - anh Danh chia sẻ.
Ở tuổi 41, anh Danh vẫn không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người thầy đi trước và truyền đạt những điều mình đã học được cho bạn bè, người thân. Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Danh cho biết, trong điều kiện thích ứng an toàn, đảm bảo quy định phòng, chống dịch, anh sẽ tham gia nhiều hơn các hoạt động cũng như tiếp tục truyền lửa đam mê cho người trẻ; đưa thư pháp vào các chương trình hoạt động ngoại khóa trong trường học ở Long Khánh và các địa phương trên địa bàn tỉnh… nhằm lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến mọi người.
Chị Nguyễn Thị Thanh Uyên, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh cho hay: “Anh Phan Cao Danh là một trong những người trẻ viết thư pháp và theo đuổi “dài hơi” với bộ nghệ thuật truyền thống này. Không chỉ cho chữ đầu Xuân, anh Danh còn tích cực tham gia các hoạt động cho chữ trong những hội sách, ngày sách do trung tâm tổ chức tại các không gian công cộng. Qua chữ thư pháp, anh Danh đang gìn giữ và phát huy một phong tục đẹp, một nét văn hóa đặc sắc, có tính giáo dục cao cho người trẻ trên địa bàn TP.Long Khánh”.
Ly Na