Mùa Tết và mùa lễ tình nhân 14-2 năm nay, sân khấu kịch Thế Giới Trẻ (TP.HCM) giới thiệu đến công chúng vở kịch có cái tên gây tò mò Bật công tắc là yêu (tác giả: Lê Hoàng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu)
Mùa Tết và mùa lễ tình nhân 14-2 năm nay, sân khấu kịch Thế Giới Trẻ (TP.HCM) giới thiệu đến công chúng vở kịch có cái tên gây tò mò Bật công tắc là yêu (tác giả: Lê Hoàng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu)
Một cảnh trong vở Bật công tắc là yêu |
* Tại sao không sống cuộc đời của mình?
Vở kịch không có tên cụ thể cho nhân vật. Chỉ đơn giản là Cô gái, Anh bồi, Ông triệu phú và Má mì. Những cái tên rất chung chung và dường như có rất nhiều trong xã hội.
Ở một khách sạn hạng sang xuất hiện một cô gái quê mùa. Cô xuất thân từ nông thôn, trong một gia đình chuyên bán bún bò. Cô đến khách sạn này vì có ai đó bảo cô đến và đã trả tiền đầy đủ để cô hưởng thụ những tiện nghi nơi đây. Trong lúc cô gái đang hoang mang không biết chuyện gì xảy ra thì Má mì xuất hiện. Bà rành rọt kể câu chuyện như sét đánh ngang tai: Đêm nay, một Ông triệu phú sẽ đáp may bay từ Mỹ về và cưới cô gái làm vợ! Hóa ra do ba mẹ cô nợ nần và cô phải chấp nhận lấy một lão già xa lạ, không tình yêu để cứu gia đình.
Chưa một lần nếm trải tình yêu và sắp lấy một người trong suy nghĩ là rất kinh tởm, cô gái bỗng chợt muốn tìm gấp một anh chàng đẹp trai để cô được vội vàng hưởng thụ một mối tình chớp nhoáng. Vì áp lực của cô gái, Má mì đã quơ đại anh bồi cao to, đẹp trai của khách sạn.
Rồi Ông triệu phú cũng xuất hiện. Đó là một doanh nhân thành đạt nhưng là người đồng tính. Vì để che mắt gia đình, thiên hạ, ông quyết định tìm cô vợ như chiếc bình phong. Thế rồi trong cái đêm ngang trái đó, ông cũng muốn tìm một chàng trai, thật kỳ lạ anh bồi lại vào tầm ngắm.
Hai con người đó, một muốn tìm vợ hờ, một muốn cưới đống của cải từ đối phương. Họ không thành thật với bản thân, vì những lý do khác nhau họ không thể sống đúng với cuộc sống mình mong muốn. Và rồi để thỏa mãn những riêng tư thầm kín họ dối trá để che đậy. Và cứ thế, họ phản bội lại bản thân, phản bội lại cảm xúc chân thật của mình...
Nhưng tình yêu nào đơn giản như thế. Tình yêu là cảm xúc, là sự hòa điệu của con tim chứ nào phải “công tắc” mà cứ bật lên là yêu ngay...
* Thử thách cho nghệ sĩ trẻ
Đây là lần đầu tiên sân khấu Thế Giới Trẻ vốn quen thuộc với những vở kịch có sắc màu nhẹ nhàng, hài hước “dám” dựng kịch của tác giả Lê Hoàng. Trước đó, sân khấu Idecaf là nơi có kinh nghiệm dựng vở từ kịch của Lê Hoàng với sự cầm chịch của “phù thủy sân khấu” Thành Lộc.
Thông tin Thế Giới Trẻ dựng kịch Lê Hoàng khiến nhiều người trong giới tò mò. Vì lời thoại kịch Lê Hoàng thường mang tính chất châm biếm sâu cay và thậm chí là... xéo xắt. Đã diễn kịch Lê Hoàng thì phải thuộc thoại rất kỹ và tập cũng mất thời gian vì phải tung hứng một cách “ăn rơ”. Thoại của anh khó thể sửa, câu này nối tiếp liền mạch với câu kia nên cũng khó mà cắt bớt hoặc ngẫu hứng diễn cương.
Chính vì sự khó khăn đó nên trong lần thử sức này, Thế Giới Trẻ đã mời đạo diễn kỳ cựu Trần Ngọc Giàu dàn dựng và lựa chọn 4 diễn viên giỏi gồm Hoàng Phi, Minh Dự, Anh Đức, Nam Thư vào các nhân vật. Ê-kíp đã lên sàn tập từ tháng 3-2021 và đến đầu năm 2022 mới có thể ra mắt.
Với những “khán giả ruột” của Thế Giới Trẻ thì có lẽ họ cần thời gian để chấp nhận Bật công tắc là yêu vì phải vừa cười vừa... ngẫm. Nhưng với những người điều hành sân khấu thì họ xem cuộc “mạo hiểm” này như một cách đa dạng màu sắc của sân khấu và giúp diễn viên có thêm những vai khó để trưởng thành.
Vai diễn nặng nề nhất là vai anh bồi của Hoàng Phi. Một nhân vật khá là bí ẩn. Vì sao anh ta có thể giải quyết tốt cả “2 hệ”? Một nhân vật lật ngửa lật nghiêng trong tích tắc. Vừa mới rao giảng đạo lý tình yêu trong sáng đó lại có thể vì đồng tiền chấp nhận chiều chuộng cả cô gái lẫn triệu phú.
Bất ngờ nằm ở phía cuối khi sự thật phơi bày. Hoàng Phi đã có phân cảnh kéo dài đến mười mấy phút gần như độc diễn. Nhìn mồ hôi anh túa ra trên sân khấu đủ có thể thấy chàng diễn viên trẻ chuyên chọc khán giả cười phải dồn tâm sức như thế nào để lột tả hết tâm lý của nhân vật.
Má mì của Minh Dự cũng là một vai gây ấn tượng khi tung hứng giữa những con người khá kỳ lạ. Anh Đức chất chứa tâm trạng với hóa thân một doanh nhân thành đạt nhưng không được sống như mình mong muốn. Và cuối cùng là Nam Thư chênh vênh trong tính cách của cô gái quê cũng kỳ cục không kém: Trong sáng, thơ ngây, tưng tưng và cũng có những suy nghĩ hết sức... bứt gân!
Bật công tắc là yêu, một vở kịch sẽ có người thích người không. Những quan điểm trong vở cũng có thể gây tranh cãi. Nhưng điều mà ê-kíp muốn nhấn mạnh về suy nghĩ tình yêu trong thời buổi cuộc sống vội vã hiện nay có lẽ cũng là điều đáng phải suy ngẫm. Người máy có thể thay thế cảm xúc của con người? Liệu những toan tính có thể “mua” được tình cảm, tình yêu thật sự?
Tình yêu muôn đời vẫn thế, thật đẹp và diệu kỳ. Những thứ tương tự như thế đôi khi chỉ là sự ngộ nhận!
Trí Trọng