"Chuyển đổi số" là khái niệm được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong mấy năm qua, khi cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung đứng trước áp lực thay đổi khi phải "đối diện" với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gần nhất là đối diện với những yêu cầu đổi mới sống còn phát sinh từ đại dịch toàn cầu Covid-19.
“Chuyển đổi số” là khái niệm được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong mấy năm qua, khi cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung đứng trước áp lực thay đổi khi phải “đối diện” với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gần nhất là đối diện với những yêu cầu đổi mới sống còn phát sinh từ đại dịch toàn cầu Covid-19. Có khá nhiều định nghĩa, song có thể hiểu chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó, cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và chấp nhận các thất bại. Quá trình này cũng ứng dụng mọi dữ liệu và công nghệ hiện đại nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Trong đó, “số hóa” được xem như một phần của quá trình “chuyển đổi số” (khai niệm tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu).
Trên thực tế, “chuyển đổi số” không chỉ áp dụng trong sản xuất kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...
Song, nếu quan sát thực sự đời sống kinh doanh hiện tại, nhất là qua “phép thử” ngặt nghèo của các làn sóng dịch Covid-19 vừa qua, có thể thấy “chuyển đổi số” có vẻ như không dành cho tất cả, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam bao năm qua là tuyệt đại đa số các thành phần tham gia vào hoạt động kinh tế (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…) đều là những cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với cách kinh doanh truyền thống là chủ yếu, do đó để chuyển đổi phương thức sang những mô hình kinh doanh hiện đại có hàm lượng công nghệ cao một cách rộng rãi là một thách thức lớn.
Nhiều chuyên gia đúc kết, “chuyển đổi số” là quá trình lâu dài và phức tạp, nhưng cần trả lời được 3 câu hỏi chính trước khi làm: Tại sao phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số có lợi ích gì? Để làm, doanh nghiệp phải thay đổi những gì? Các câu hỏi này thực ra là nền tảng để đặt ra nhiều câu hỏi khác đi sâu vào cốt lõi và khiến từng doanh nghiệp nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu của họ, từ đó đặt ra những bước đi cẩn trọng và hợp lý để không tiêu tốn nguồn lực một cách thiếu hiệu quả, dù là cho một mục đích tốt.
V.L