Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm mới với mong ước bình an

02:01, 22/01/2022

Mỗi tộc người xưa nay, trải qua sinh tồn đều tri nhận về thế giới, nhân sinh, tạo thành hệ thống tính toán chu kỳ theo thời gian từ tín niệm và thực tế môi trường sống. Khi xuất hiện trên trái đất, quá nhỏ bé trước muôn điều lạ lẫm và vô tận của tự nhiên, con người cảm thấy bất an trước những hiện tượng, sự vật. Dần dà, con người trưởng thành, không lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên để sống mà còn cải biến và tiến bộ.

Mỗi tộc người xưa nay, trải qua sinh tồn đều tri nhận về thế giới, nhân sinh, tạo thành hệ thống tính toán chu kỳ theo thời gian từ tín niệm và thực tế môi trường sống. Khi xuất hiện trên trái đất, quá nhỏ bé trước muôn điều lạ lẫm và vô tận của tự nhiên, con người cảm thấy bất an trước những hiện tượng, sự vật. Dần dà, con người trưởng thành, không lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên để sống mà còn cải biến và tiến bộ.

Cho đến hôm nay, qua 4 cuộc cách mạng về công nghiệp, con người đã tiến bộ và làm được những điều mà trước đó có thể gọi là không tưởng. Thế nhưng, con người ở trong giai đoạn nào, từ xa xưa khi hiểu còn hạn chế cho đến lúc khoa học công nghệ tiên tiến vẫn luôn bất an trước nhiều nguy cơ, hiểm họa đối với cuộc sống. Một sự bất an triền miên trong tâm khảm của đời người, qua nhiều thời đại dù xã hội có những biến chuyển liên tục. Hiện nay, khi con người đặt mục tiêu, hướng đến “phát triển bền vững” nhưng đều phải đối diện với những mối lo từ tai nạn, dịch bệnh, thiếu lương thực, nguồn nước sạch, ô nhiễm môi trường, khí hậu nóng lên, nước biển dâng, chiến tranh… với cấp độ, quy mô lớn, có tính chất toàn cầu.

Mặc dù có một số khác biệt trong văn hóa và môi trường sống nhưng các tộc người đều có điểm chung, sau những ngày dài làm việc để đảm bảo cho nhu cầu vật chất thiết yếu cho đời sống đều dành thời gian theo chu kỳ thời tiết, mùa vụ để nghỉ ngơi với các hoạt động mang tính tinh thần. Thời gian đó là Tết, là hội hè diễn ra với nhiều lễ nghi của niềm tin qua tín ngưỡng, tôn giáo, gắn kết cộng đồng qua những tập tục, sinh hoạt và sự mong mỏi về những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, cộng đồng. Cầu mong sự bình an mang ý nghĩa sâu xa nhất có tính chất nền tảng cho mọi sở nguyện khác được thành từ cá nhân đến cộng đồng.

Các dân tộc sinh sống vùng rừng núi bạt ngàn với canh tác lúa rẫy đem lại nguồn lương thực chính, có nhiều nghi lễ trong năm theo chu kỳ đời người, cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Lễ mừng cơm mới phản ánh niềm vui của gia đình, cộng đồng về một mùa vụ bội thu, bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh. Những tập tục lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng trong không khí nhộn nhịp, tinh thần vui vẻ của mọi nhà và dân làng. Vượt trên đó là sự cầu mong một cuộc sống bình an từ nhiều thần linh với tín niệm cho sự che chở trên nhiều bình diện: cái ăn được đảm bảo, sự sống được duy trì cho mọi người.

Ngày nay, sự cộng cư của nhiều tộc người đã đan xen những yếu tố văn hóa trong nếp sống cộng đồng ở các vùng miền. Vào mùa Xuân, Tết đến, theo phong tục và cả tiếp nhận yếu tố mới, các tộc người cùng đón Tết, vui Xuân với nhiều sinh hoạt đa dạng. Người Việt dù có khác về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn duy trì đón giao thừa. Thời khắc đón không còn “cây nêu, tràng pháo” nhưng tập tục “xưa bày, nay theo” được tổ chức chu đáo để thời khắc khởi điểm cho năm mới với niềm vui để “tống cựu nghinh tân” trong tinh thần phấn khởi.

Ba ngày Tết được nghỉ ngơi, thực hiện những nghi lễ trong ứng xử với nhau. Nhà gần nhau, ngày nào cũng gặp, qua lại nhiều lần nhưng đến năm mới đến thăm hỏi, chúc Tết. Nhiều người duy trì việc thăm hỏi người thân trong gia tộc, dòng họ và những người mình mang ơn theo cách “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Người Việt nhớ những người đi trước bằng những tục “đón” tổ tiên về “ăn Tết”, cầu chúc ông bà, cha mẹ khỏe mạnh sống lâu trong truyền thống của lễ nghĩa.

Hiện nay, một số tôn giáo (Công giáo, Tin Lành, Phật giáo…) được các tộc người tiếp nhận và thực hành nghi lễ trong sinh hoạt. Ngày đầu năm mới, người có đạo đến cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt trong niềm tin và dâng lời cầu nguyện, khấn ước sở nguyện cho cuộc sống, công việc. Người tin vào Thượng đế đến nhà thờ để bày tỏ lòng biết ơn và nguyện cầu cho cá nhân, cộng đoàn và xã hội...

Những lời chúc và nguyện ước đều hướng đến bình an trước hết, là cơ sở cho tất cả các sở cầu bởi không có “an cư” thì khó “lạc nghiệp”, không có sức khỏe thì nghề nghiệp nhiều vẫn không thể tham gia, nếu tài lộc, danh vọng có đạt mà thân không an cũng chìm trong đau khổ…

Khi con người bước vào những cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới có nhiều biến đổi rất diệu kỳ trên nhiều lĩnh vực, thế nhưng cuộc sống con người cũng đứng trước nhiều bất trắc. Thiên nhiên đã “nổi giận” với những hiện tượng thời tiết bất thường, hậu quả nặng nề và hệ lụy từ sự khai thác vô độ của con người với thiên nhiên. Từ sản phẩm, thành quả của con người tạo ra cho cuộc sống với lợi ích trước mắt mà chưa lường được tác hại về sau với nhiều loại hình lương thực, thức ăn, đồ dùng có nhiều chất gây hại, ảnh hưởng biến đổi sinh học… Cả nhân loại đứng trước những nguy cơ của sự hủy diệt mang tính thảm khốc của vũ khí không đơn thuần là hủy diệt trực tiếp mà còn gây hệ lụy về sau từ vi trùng, sinh học… Không chỉ có thiên nhiên đặt con người trong tình trạng nguy hiểm mà chính con người đã tạo nên những “nhân tai”, tự đưa mình vào sự bất an trong sinh tồn. Thời dịch Covid-19 vừa qua mà thế giới đối diện, đối phó và nhận lấy những hậu quả nặng nề là một minh chứng cho sự bất an của con người khi muốn tồn tại, thích nghi. Đằng sau những tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, sự linh hoạt đối phó, ứng phó và giải quyết của con người vẫn như chưa đủ để con người khỏi nguy cơ cho sự bình yên của mình.

Và cứ thế, sự cầu an của con người như bất tận, trải qua nhiều thế hệ… với niềm mong mỏi để lấp đầy khoảng trống của sự bất an, mong ước về một cuộc sống hạnh phúc. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam với tín niệm của từng tộc người, thể hiện qua những ứng xử và đặc biệt khi Tết đến, Xuân về. Với người Việt Nam hiện nay, nét đón Tết vẫn duy trì với nhiều cách khác nhau tùy gia, tùy cảnh, tùy thời nhưng tựu trung cầu an và hướng thiện là nét chính và đây là truyền thống tốt đẹp. Bởi, khởi đầu cho một năm, điều mong ước và khát vọng bản thân, hướng đến thiện lành thì gia đình mới an và góp phần cho cộng đồng xã hội “vốn được hợp thành từ những tế bào gia đình”, và cơ sở để “quốc thái, dân an” mà “phát triển bền vững”.

Mùa xuân đến, thời tiết thuận lợi cho cây cối đâm chồi nở lộc, vì vậy, trước đây, chúng ta hay nhắc đến “mùa xuân là tết trồng cây” không phải là một tập tục đơn thuần mà còn thể hiện sự ứng xử của con người đối với môi trường, như hiện nay, cách gọi là môi trường xanh, phát triển xanh, tăng trưởng xanh… Mỗi độ Tết về, khi được sum họp, quây quần bên người thân, cùng đi với nhau đến những nơi thanh tịnh trong thời gian nghỉ ngơi để vãn cảnh đó là lúc trải nghiệm sự an yên của thân, trí, tâm của cá nhân, cảm nhận về sự yêu thương bên cạnh người thân và vượt ra khỏi gia đình là thân hữu, cộng đồng… Chính con người trong tiết khí của mùa xuân tươi mát, trong yêu thương chia sẻ, dù cuộc sống vẫn còn đó bộn bề, tất bật lo toan, để tâm trí hướng đến an hòa, hạnh phúc cho nhau. Đó là nét đẹp thể hiện ý nghĩa thiết thực của đời sống con người đáng trân trọng, cần được duy trì để con người và xã hội hoàn thiện và phát triển theo chiều hướng tích cực, nhân văn.

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều