Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàng Yến, Tuyết Thu, Ngọc Trinh tỏa sáng trong liên hoan kịch nói

08:01, 21/01/2022

Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 3 đến 17-1, 3 nghệ sĩ Hoàng Yến, Tuyết Thu, Ngọc Trinh đã tạo được sự chú ý với những vai diễn nổi bật.

Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 3 đến 17-1, 3 nghệ sĩ Hoàng Yến, Tuyết Thu, Ngọc Trinh đã tạo được sự chú ý với những vai diễn nổi bật.

* NSND Hoàng Yến: Nỗi lòng Lý Chiêu Hoàng!

NSND Hoàng Yến trong vở Thành Thăng Long thuở ấy
NSND Hoàng Yến trong vở Thành Thăng Long thuở ấy. Ảnh: Gia Tiến

Có lẽ, khán giả yêu kịch lịch sử ai cũng từng nghe đến Hoàng Yến. Chị là Giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM). Hoàng Yến là người khởi xướng và tự bỏ tiền túi thực hiện kha khá vở kịch lịch sử. Cho đến nay, vở nào cũng nhận được sự đánh giá cao của người làm nghề như: Yêu là thoát tội, Vụ án cậu Trời và trong liên hoan này là vở Thành Thăng Long thuở ấy. Chị đã liên hệ và được các trường phổ thông trong thành phố ủng hộ. Nhiều trường đã đưa học sinh đến nhà hát để thưởng thức kịch lịch sử do ê-kíp Hoàng Yến thực hiện. Vở Yêu là thoát tội đã diễn được số buổi kỷ lục: hơn 100 suất!

Thành Thăng Long thuở ấy lấy bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Vở xoáy sâu vào những thân phận phụ nữ như Trần Thị Dung, Thuận Thiên và Lý Chiêu Hoàng; cuộc đối đầu giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng; và mối tình ngang trái của Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng.

Trong buổi thi của vở ở liên hoan, khán phòng chật kín vì người làm nghề đã biết tiếng đến khả năng dựng kịch lịch sử của Hoàng Yến. Và ê-kíp đã không làm khán giả thất vọng. Một buổi diễn rưng rưng cảm xúc. Lý Chiêu Hoàng của Hoàng Yến là vai diễn hết sức nặng nề, phải trải qua giai đoạn từ mười mấy tuổi đến khi trưởng thành và về già.

Những trường đoạn khắc họa tâm lý nhân vật hết sức căng thẳng, khi Chiêu Thánh đối đầu với Trần Thủ Độ. Mười mấy phút trên sàn diễn như một con hổ - Trần Thủ Độ gầm gừ muốn nuốt chửng con nai con - Lý Chiêu Hoàng. Từng hành động kịch, từng sắc thái trong câu thoại, Hoàng Yến lật chuyển liên tục khiến người xem không thấy nhàm chán, cứ thế mải mê, hồi hộp theo dõi xem Chiêu Thánh sẽ chống trả với con người mưu mô đó như thế nào. Rồi khi nàng buộc phải chia xa tình yêu đầu đời và mãi mãi Trần Cảnh, trong lớp vua gả chồng cho vợ. Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng vẫn còn yêu nhưng vì những chuyển xoay thời cuộc khiến họ không thể đến với nhau, ông buộc gả người vợ yêu cho tướng Lê Tần.

Từng ánh mắt, từng cái chạm khẽ xao động, những lời nói yếu ớt như cứa vào tim, cuộc phân ly của họ đã khiến khán phòng như chùng xuống. Và với khả năng thể hiện tinh tế của Lê Hoàng Giang (Trần Cảnh) và Hoàng Yến (Lý Chiêu Hoàng) cuộc chia tay đó đã làm trái tim khán giả như tan vỡ, thương cho mối tình xa xót bởi thời cuộc nhiễu nhương.

* Tuyết Thu: Sự dằn vặt của một thái hậu

Vở Khóc giữa trời xanh đoạt huy chương vàng khiến nhiều người phản ứng vì cách dàn dựng thiếu điểm nhấn, kém hấp dẫn và một số diễn viên không đảm đương nổi những nhân vật lịch sử khó khăn. Đặc biệt là vai thái sư Lê Văn của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực sự mờ nhạt.

NSƯT Tuyết Thu trong vở Khóc giữa trời xanh. Ảnh: Trí Trọng
NSƯT Tuyết Thu trong vở Khóc giữa trời xanh. Ảnh: Trí Trọng

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng may mà trong vở còn có những diễn viên “cứng nghề” như Tuyết Thu, Xuân Hồng, Huy Thục… nên khán giả còn có cái… để xem.

Có lẽ khá lâu rồi Tuyết Thu mới trở lại với không khí liên hoan. Chị hiện đang hoạt động chính tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Với gương mặt hiền lành, chân thành, Tuyết Thu thường được giao những vai thiện lương, trong sáng. Thế nhưng, gần đây chị bắt đầu với những vai gai góc hơn, thậm chí có những vai nghiêng nghiêng về phía… đào độc!

Thái hậu Vân Dung là vai diễn nổi bật nhất trong Khóc giữa trời xanh, lấn át luôn cả vai chính. Đó là một thái hậu yêu nước, thương dân, khi vua chinh chiến sa trường, bà là người ở hậu phương lo lắng, yên ổn lòng dân. Khi vua qua đời, bà đã dạy dỗ, dìu dắt để con trai trị vị đất nước như một vị minh quân. Thế nhưng thời trẻ khi tiên đế băng hà, vì bị gian thần bày kế, bà đã ra tay sát hại Mai Hoa thái hậu. Lỗi lầm đó khiến quãng đời sau này, dù được thiện hạ ca tụng về tài đức trị nước, an dân, bà vẫn luôn bị dày vò, day dứt. Một vai diễn không hề dễ với những sắc thái tình cảm đa dạng.

Tuyết Thu vốn xuất thân từ Khoa Cải lương, Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Chị cũng từng là diễn viên múa sau đó mới gắn bó với phim ảnh, kịch nói. Nền tảng đó đã giúp chị vào vai diễn lịch sử không khó khăn lắm từ điệu bộ, hành động tới lời thoại. Xem Vân Dung thái hậu của Tuyết Thu mới thấy nội lực diễn xuất của chị đang ở độ chín muồi. Chị đào sâu khai thác nỗi lòng của nhân vật, chị kỹ từng ánh nhìn, cái liếc mắt, kỹ từng lời thoại đến cả hơi thở. Sự kỹ lưỡng đó khiến khán giả giận đó nhưng cũng thương đó. Bởi người đàn bà một khi dính vào chính sự thì có khi khó ngoảnh đầu thành Phật. Và cái giá phải trả cho những tranh đoạt đó là cả một đời day dứt, những giấc ngủ chập chờn tỉnh mơ. Với những trăn trở đã dành cho nhân vật, Tuyết Thu đã khiến Vân Dung thái hậu trở thành vai diễn khó quên trong liên hoan.

* Ngọc Trinh: Người mẹ già cô đơn

Mưa bóng mây là vở diễn ấn tượng của liên hoan lần này. Và việc vở đoạt huy chương vàng hoàn toàn thuyết phục. Vai bà Vy của Ngọc Trinh là vai diễn lấy nhiều nước mắt của người xem. Bà Vy mất chồng sớm, một mình nuôi con khôn lớn rồi con ham chơi, cờ bạc khiến bà phải bán nhà trả nợ. Ngày hai mẹ con lê lết đầu đường xó chợ, nó lặng lẽ để lại lá thơ cho mẹ nói rằng đi làm kiếm tiền thiệt giàu mới trở về. Người mẹ già nua, tội nghiệp đó khóc hết nước mắt chờ con mà mấy năm trời nó vẫn biệt tăm. Ngọc Trinh đã chứng tỏ mình hoàn toàn có thể chuyển hóa tâm lý đa dạng với người phụ nữ khắc khổ, có chân thành yêu đời, có nhân hậu thiện lương và cũng có chút… đáo để khi gặp người mà bà nghi ngờ là… tội phạm quốc tế!

NSƯT Ngọc Trinh trong vở Mưa bóng mây
NSƯT Ngọc Trinh trong vở Mưa bóng mây. Ảnh: Trí Trọng

Hơn 2 tiếng trên sàn diễn, Ngọc Trinh - Hòa Hiệp, chỉ có hai nhân vật đứng suốt trên sân khấu mà cứ thế “quăng” - “bắt” từng mảng miếng nhịp nhàng. Chị làm người ta cười đó, rồi khóc đó. Ở nhân vật của chị, người ta thấy đâu đó nỗi cô đơn của người già, người ta thấy con cái dường như còn vô tâm lắm. Những người trẻ đôi khi mải mê chạy theo đồng tiền, họ nghĩ kiếm thật nhiều tiền để báo hiếu cho cha mẹ, nhưng họ đâu hiểu rằng người già họ cần tình cảm, cần hơi ấm gia đình, cần sự bình yên có con có cháu kề bên.

Dung dị, nhẹ nhàng thôi mà đau. Và như thế không cần những nhân vật lộng lẫy với những câu chuyện có tầm vóc, quy mô, Ngọc Trinh thấm sâu và ở lại trong lòng người xem với dáng đi hanh hao trong ráng chiều của Mưa bóng mây…

Trí Trọng

Tin xem nhiều