Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tượng thần Vishnu Bình Hòa

07:01, 07/01/2022

Hơn ngàn năm trầm mình dưới đáy sông Đồng Nai, đến năm 1976, một chân đế bằng đá, có dính hai bàn chân trần của một pho tượng thần đã được công nhân Xí nghiệp Khai thác cát Hóa An đưa lên từ đáy sông lẫn trong cát vàng.

[links()]Hơn ngàn năm trầm mình dưới đáy sông Đồng Nai, đến năm 1976, một chân đế bằng đá, có dính hai bàn chân trần của một pho tượng thần đã được công nhân Xí nghiệp Khai thác cát Hóa An đưa lên từ đáy sông lẫn trong cát vàng. Đến tháng 2-1977, cũng tại địa điểm ấy, giữa lòng sông Đồng Nai, sâu hơn 20m, họ lại múc tiếp được phần thân tượng, sau đó đem về gắn kết thì thấy khớp sát sao với phần chân đế. Tượng Vishnu Bình Hòa hiện diện và được nhiều người hiếu kỳ đến chiêm bái. 

Tháng 4-1977, tượng Vishnu được chuyển giao cho Bảo tàng Đồng Nai để bảo quản, trưng bày. Năm 2010, tượng Vishnu được tổ chức Asia Society (New York, Mỹ) chọn đưa sang Houston và New York trưng bày trong cuộc triển lãm, chủ đề “Arts of Ancient Viet Nam - from River Plain to Open Sea”.

* Hiện vật gốc, độc bản, độc đáo

Có thể nói rằng, đây là pho tượng duy nhất có thể nhận biết đến nay bằng sa thạch, được nghệ nhân điêu khắc văn hóa Óc Eo tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn hình chữ nhật có chuôi nhọn để cắm sâu vào lòng kiến trúc. Nghệ thuật tạo hình đẹp và quý hiếm. Một số chi tiết của tượng tạo nên nét đặc trưng, mà không thể bắt gặp ở một pho tượng nào cùng chung nền văn hóa ấy.

Tượng có 4 tay đều bị gãy mất, đầu đội mũ trụ, thân để trần, dưới mặc xăm pốt dài đến đầu gối, eo buộc dây thắt lưng gút phía trước. Thanh đỡ là những trụ ngang hai bên tai và trên bệ nhưng đã bị gãy. Tượng thần Vishnu có 4 tay thường mỗi tay cầm các vật thiêng như: con ốc (cankha), cây gậy, cái đĩa, bánh xe hay quả cầu. Đây là vật tùy thân của thần theo truyền thuyết đạo Hindu - Ấn Độ giáo. Tượng thể hiện phong cách nghệ thuật giai đoạn Phuon Da muộn, khoảng thế kỷ VI-VII.

Xứ Đồng Nai trong bối cảnh thế ấy, đời sống tôn giáo dường như quy tụ vào Vishnu giáo và Siva giáo. Bản thân hai giáo phái này xem ra đều phát triển ngang nhau. Tuy nhiên, xét về phương diện hình tượng nghệ thuật thì Vishnu có phần phong phú và nổi trội hơn. Pho tượng đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn này được các nhà nghiên cứu xác định là tác phẩm nghệ thuật độc đáo thuộc về Vishnu giáo.

Dù thực tế hoàn cảnh phát hiện cho thấy hầu hết các tượng Vishnu đều trong tình trạng gãy vỡ, gây khó khăn rất nhiều cho việc phân loại, nhưng do pho tượng này có kích thước to lớn như người thật, hơn hẳn các pho tượng Vishnu khác. Đồng thời, tượng có thân hình mềm mại, ít cơ bắp, tạo nên vẻ hoàn mỹ đặc trưng nên đã được các nhà khảo cổ học nhận định dễ dàng rằng, tượng mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Phuom Da - Angko Borei (Campuchia) và có thể là “anh em sinh đôi” với tượng Vishnu Toul Da Buon, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Campuchia.

* Giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và khoa học rất lớn

Về kỹ thuật và giải pháp đỡ tượng không phức tạp, rối rắm như một số pho tượng nghệ thuật Phuom Da (có pho được tạc như một phù điêu nổi trên vách tựa phía sau, hoặc được đỡ bởi vòng cung hình móng ngựa…). Tượng Vishnu này sử dụng 2 cây gậy vừa làm vật tùy thân của thần, vừa là cây chống đứng thẳng từ bàn tay trái xuống bệ. Nhờ vậy đã làm nổi bật toàn thể hình khối sinh động của pho tượng. Đây có thể coi là một sản phẩm nghệ thuật tôn giáo vào loại đẹp và hiếm thấy trong sưu tập tượng tròn cổ ở đồng bằng Nam bộ.

Tượng thần Vishnu có giá trị khoa học cao, vì vậy các nhà nghiên cứu sử học, văn học, khảo cổ học và những nhà sưu tập thường nhắc đến hai đặc điểm của thần Vishnu:

Thứ nhất, thần Vishnu là một trong 3 vị tối linh nhưng cả 3 vị cuối cùng chỉ thể hiện một Thượng đế duy nhất (Ishvara) mà ngay cả kinh Veda cũng ghi rõ: “Ekam sat vipra bahudha vadanti” nghĩa là Thượng đế được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng các tên gọi đó chỉ là tiếng vọng của Một (thực tại) mà thôi.

Thứ hai, thần Vishnu là vị thần Bảo hộ khác với thần Hủy diệt (Shiva) và thần Sáng tạo (Brahma), nên ngài hiện ra để phụng hiến cho hạnh phúc của kẻ khác với hàng chục hóa thân được nêu trong Bhâgavata - Purana. Vì thần Vishnu có bản tính nhân từ đối với con người, bảo vệ cuộc sống, diệt trừ loài quỷ dữ, nên khi được truyền sang các nước lân cận, như ở vùng Đông Nam Á, thì cư dân Phù Nam thường thờ cúng vị thần này.

Hơn nữa, sự xuất hiện của pho tượng này đã giúp cho các nhà nghiên cứu đoán định rằng, vào thời bấy giờ, có 2 trung tâm chế tác tượng theo 2 phong cách khác nhau, tuy giải pháp kỹ thuật làm bộ phận đỡ tượng khá giống nhau, mà một trong 2 phong cách đó chính là phong cách Phuom Da có không gian phân bố chủ yếu trên vùng đất Đông Nam Campuchia, với truyền thống tạc tượng cao lớn, mảnh mai, thân hình mềm mại, dáng đẹp, được giới khoa học Pháp xem là sản phẩm nghệ thuật tượng tròn Phù Nam - Chân Lạp sơ kỳ thế kỷ VI-VIII hoặc nghệ thuật tượng tròn Tiền Ăngkor. Đồng thời cũng thể hiện sự sùng bái tượng của cư dân Óc Eo ở vùng Biên Hòa - Đồng Nai.

Tượng Vishnu Bình Hòa đã khẳng định rằng, nghệ thuật điêu khắc tượng tròn vào thế kỷ V-VII đã đạt đến đỉnh cao của chuẩn mực hình khối, kích thước và các chi tiết giải phẫu theo khuynh hướng hiện thực sống động và đầy sáng tạo. Vẻ hồn hậu sinh động, mang những nét đẹp chuẩn mực và thánh thiện của các vị thần linh khiến cho tôn giáo gần gũi hơn với đời sống hằng ngày và hướng con người tới điều thiện, điều phúc. Ngược lại cũng phản ánh rằng xã hội thịnh vượng, an lành, đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ điêu khắc tạo nên những tác phẩm tuyệt mỹ độc đáo này.

Tượng được tạo hình cân đối, hài hòa độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, tiêu biểu cho vị thần Hindu quan trọng của văn hóa Óc Eo. Thần Vishnu - thần Bảo tồn, là một trong 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo trong tam vị nhất thể (Siva, Vishnu và Brama), với bản tính nhân từ của vị thần đối với con người, bảo vệ cuộc sống, diệt trừ loài quỷ dữ. Vì vậy, cư dân Phù Nam thường thờ cúng thần Vishnu - thần Bảo tồn.

Nghệ thuật tạc tượng tròn của hai giáo Vishnu và Shiva ở Đồng Nai trong bối cảnh ấy khá đa dạng, trong đó hình tượng nghệ thuật Vishnu có phần phong phú hơn. Điển hình là pho tượng Vishnu Bình Hòa được xem là sản phẩm nghệ thuật tôn giáo vào loại đẹp và hiếm trong sưu tập tượng tròn cổ ở đồng bằng Nam bộ. Tượng mang đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật Phnom Da - Angko Borei nhưng đã giản lượt khung giá đỡ làm lộ rõ hình khối tượng tròn.

Trong văn hóa Óc Eo, tượng Vishnu được phát hiện với nhiều dạng khác nhau, song dạng thức phổ biến của tượng thần Vishnu thường trong tay cầm các vật quý như: vỏ ốc, bánh xe quả cầu hoặc chùy và hoa sen. Theo thần thoại thần Vishnu có nhiều hóa thân khác nhau nhằm gìn giữ đạo đức và vong linh của nhân loại như hóa thân thành loài cá Matsya giải cứu ông tổ của loài người là Manu thoát khỏi nạn hồng thủy. Ngài lại hóa thành rùa Kurma để cứu vớt những sinh linh cùng tài sản của họ bị chìm dưới nước sâu hay ngài lại làm con heo rừng Varaha kéo những vùng đất bị chìm xuống biển lên bờ để muôn loài có chỗ ở. Ngài hóa thành nhân sư Nara - simha mình người, đầu sư tử giúp con trai của Quỷ vương thoát khỏi nanh vuốt của cha mình, đi tu và đạt đạo…

Việc phát hiện khá phổ biến tượng thần Vishnu trong văn hóa Óc Eo đã phản ánh được phần nào vai trò của thần Vishnu trong đời sống tôn giáo của cư dân Óc Eo. Phải chăng vì thế mà người nghệ nhân đã dồn tâm sức của mình để tạc lên những pho tượng đẹp, thu hút bao thế hệ học giả cũng như công chúng trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.

Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa đã tác động đến nhiều mặt đời sống người dân, trong đó phần lớn là mong muốn sự bình an, may mắn, hạnh phúc, yên vui đến với mọi người. Làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai luôn năng động, tiến trình giao thoa, tiếp biến văn hóa liên tục, làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của cư dân, về nghệ thuật tạo hình, về tôn giáo, tín ngưỡng.

Nguyễn Hồng Ân

 

Tin xem nhiều