Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt qua khủng hoảng tâm lý mùa dịch Covid-19

11:12, 24/12/2021

Gần 2 năm qua, "cơn bão" Covid-19 "quét" qua không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế, thiệt hại về nhân mạng, mà còn âm thầm gây ra những tổn thương nặng nề về tinh thần đối với nhiều người, nhiều gia đình.

Gần 2 năm qua, “cơn bão” Covid-19 “quét” qua không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế, thiệt hại về nhân mạng, mà còn âm thầm gây ra những tổn thương nặng nề về tinh thần đối với nhiều người, nhiều gia đình.

Bệnh nhân bị Covid-19 thể nặng, luôn trong tâm lý lo lắng, sợ hãi, ngay cả khi khỏi bệnh.                              (Ảnh chụp qua màn hình khu vực điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất)
Bệnh nhân bị Covid-19 thể nặng, luôn trong tâm lý lo lắng, sợ hãi, ngay cả khi khỏi bệnh. (Ảnh chụp qua màn hình khu vực điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất)

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù đại dịch Covid-19 có kết thúc thì những ảnh hưởng tiêu cực về tâm thần mà dịch bệnh để lại vẫn sẽ tác động rất lớn đến thể chất và tinh thần của nhiều người...

* Những tổn thương, áp lực vô hình

Những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid-19 cũng đã tạm đi qua, nhưng nỗi đau của chị H.T.T.P. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn chưa thể nguôi ngoai khi chỉ trong hơn 1 tuần của tháng 8-2021, dịch bệnh đã cướp mất cha, mẹ và em trai của chị (sinh sống tại P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM).

Chị P. kể lại, tháng 8-2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, cả 6 người thân trong nhà cha mẹ chị ở TP.HCM bị nhiễm Covid-19 phải đi cách ly, điều trị tại bệnh viện dã chiến. Do thời điểm đó, TP.HCM và Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội nên chị chỉ có thể gọi điện thăm hỏi tình hình của cả nhà. Chỉ sau 5 ngày điều trị, em trai 17 tuổi của chị (do có thể trạng béo phì) đã chuyển nặng đột ngột và tử vong; sau 1 tuần thì mẹ chị ra đi, 2 ngày tiếp đó thì cha chị cũng không qua khỏi. Chỉ trong chục ngày, chị mất đi 3 người thân yêu. Bị sốc nặng, chị mất ngủ nhiều tháng liền sau đó.

Nhớ lại những ngày dịch bệnh hoành hành, ông Trần Thành Vinh (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vẫn còn ám ảnh. Ngày 15-7, ông phát hiện bị nhiễm Covid-19 từ con gái buôn bán ở chợ đầu mối Tân Biên nên được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 3 (đặt tại Ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) trong tâm trạng vô cùng hoang mang, lo sợ cho chuyến “có đi mà không có về”. Sau 3 ngày nhập viện, bệnh tình ông tiến triển nặng.

 “Hít thở không khí là chuyện rất đỗi bình thường của một con người. Nhưng khi bị nhiễm Covid-19, phổi bị tổn thương thì ngay cả việc bình thường đó cũng trở nên quá khó khăn. Tôi đã nếm cảm giác khủng khiếp ấy gần 1 tuần. May nhờ các bác sĩ, nhân viên y tế tận tình cứu chữa nên sức khỏe của tôi dần ổn định. Bây giờ ngay cả khi đã khỏi bệnh, nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn có cảm giác ớn lạnh” - ông Vinh cho biết.

Nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều nhân viên y tế phải làm việc quá tải
Nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều nhân viên y tế phải làm việc quá tải

Không chỉ có những người bị tác động mạnh về tinh thần khi đột ngột mất đi người thân bởi đại dịch Covid-19, hay bệnh nhân điều trị Covid-19 may mắn sống sót trở về bị sang chấn tâm lý, trầm cảm... mà ngay những nhân viên y tế ở tâm dịch, thường xuyên đối mặt với sự khốc liệt của dịch bệnh cũng khó tránh được những căng thẳng, mệt mỏi khi luôn làm việc trong trạng thái quá tải, bệnh đông, dịch bệnh kéo dài.

Trong mùa dịch này, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt và nguy cơ nhiễm bệnh cao trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 và hằng ngày chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng tử vong trong trạng thái đau đớn..., họ đã bị ám ảnh. Chưa kể nhiều bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 và lây cho người thân trong gia đình, cũng khiến họ không khỏi căng thẳng và thường xuyên chịu áp lực cao từ công việc đến cuộc sống. Đặc biệt, không ít nhân viên y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến cơ sở đã xin nghỉ việc vì môi trường làm việc quá tải, nguy cơ lây nhiễm cao mà thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

Phó giám đốc Sở Y tế, BS CKI Lê Quang Trung, phụ trách công tác chuyên môn tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 (cơ sở Bệnh viện Phổi Đồng Nai) chia sẻ, những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát là những tháng ngày buồn nhất trong đời y nghiệp của mình. BS Trung tâm sự, có bệnh nhân mới nói chuyện ít giờ trước, sau đó đã vĩnh viễn ra đi do bệnh chuyển nặng đột ngột. Áp lực nhất của bác sĩ, nhân viên y tế không phải là việc điều trị, công việc vất vả mà là việc chứng kiến bệnh nhân chuyển nặng tử vong. Việc gọi điện báo cho người nhà bệnh nhân về việc người thân của họ vừa qua đời cũng khiến nhân viên y tế áp lực.

* Con số đáng báo động

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, tính tới ngày 21-12, Việt Nam đã có hơn 1,54 triệu người nhiễm Covid-19 và đã có 29,6 ngàn người tử vong. Đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 9-2021, đỉnh điểm của dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn người nhiễm Covid-19 và nhiều người bị cướp đi sinh mạng mỗi ngày... đã tạo ra quá nhiều bi kịch trong đời sống của nhiều người, nhiều gia đình. Tình trạng phong tỏa kéo dài, sinh hoạt bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, công ăn việc làm bị ảnh hưởng... đã tạo nên những cú sốc, sự bí bách, ngột ngạt khiến đời sống tinh thần của nhiều người bị tác động mạnh mẽ.

Tại hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) trong đại dịch, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng” do Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (Đồng Nai) tổ chức ngày 15-12 vừa qua, PGS-TS Trần Thành Nam, Khoa các khoa học giáo dục (Trường đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những con số đáng báo động bởi những tác động của đại dịch Covid-19 đến SKTT.

PGS-TS Trần Thành Nam đã đưa ra kết quả khảo sát của WHO tại 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy Covid-19 làm gia tăng các vấn đề SKTT. Tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng từ 3-5 lần so với bình thường, nhất là thời điểm từ tháng 5-2021 và đạt đỉnh vào tháng 8-2021. Cụ thể: Số người đến khám do lo âu, trầm cảm tăng 709%, đối tượng thanh thiếu niên bị lo âu, trầm cảm nhiều nhất. Có đến hơn 40 ngàn người được cho là tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong tháng 8-2021, trong đó đối tượng thanh, thiếu niên có tỷ lệ tự tử cao nhất, trong đó nguyên nhân tự tử là sự cô đơn và bị cô lập chiếm 74,4%.

Còn theo chia sẻ của TS-BS Nguyễn Thị Mai Hiên,  Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Hội cũng đã làm một khảo sát tại một số bệnh viện ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Nam... cho thấy: Đối với nhân viên y tế làm công tác trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì có 17% bị lo âu; 34% bị trầm cảm và 35% bị triệu chứng mất ngủ kéo dài. Riêng với bệnh nhân bị Covid-19, có đến 25% bệnh nhân nhập viện có biểu hiện triệu chứng thần kinh trung ương (choáng váng, nhức đầu, giảm ý thức); 69% bệnh nhân dễ bị kích động; 65% có triệu chứng lú lẫn và 33% bệnh nhân bị suy nhược thần kinh khi nhập viện.

TS Mai Hiên cho biết, nguyên nhân gây nên các sang chấn tâm lý nặng nề và dai dẳng trong mùa dịch Covid-19 xuất phát từ tâm lý của người bị nhiễm Covid, lo sợ lây nhiễm cho gia đình; chứng kiến sự ra đi của người thân đột ngột, không có người đưa tiễn, nhất là trong gia đình có nhiều người mất vì Covid-19; tâm trạng hoang mang của người điều trị Covid-19 trong các bệnh viện dã chiến khi chứng kiến cảnh nhiều người bệnh quanh mình tử vong; lo sợ những di chứng khó hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm Covid-19... Chưa kể, sự bị bí bách do giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến phải cách ly, cô đơn; kinh tế sa sút, bấp bênh và cuối cùng là do thường xuyên xem những thông tin tiêu cực về số ca mắc và tử vong...    

Một khảo sát của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam tiến hành trong tháng 8-2021tại những tỉnh, thành có dịch Covid-19 nặng nề như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và một vài tỉnh, thành khác cho thấy, có 78% người dân có biểu hiện lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi; 41,5% người có nhu cầu tư vấn về sức khỏe tâm thần; 5,9% có khủng hoảng tâm lý cần hỗ trợ khẩn cấp; tỷ lệ nữ bị trầm cảm nhiều hơn là 40,4% so với nam là 25%.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều