Đó là thông điệp của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2021 (ngày 10-10) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Qua đó cho thấy, tính cấp thiết và quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe toàn diện của một con người.
Đó là thông điệp của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2021 (ngày 10-10) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Qua đó cho thấy, tính cấp thiết và quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe toàn diện của một con người.
Một bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 6 động viên bệnh nhi là F0 đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: P.Liễu |
Một thực tế hiện nay, trong công tác chăm sóc sức khỏe, nhiều người và ngay cả ngành Y tế cũng mới chỉ đặt nặng việc chăm sóc sức khỏe thực thể, mà chưa quan tâm nhiều đến chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT). Điều này khiến việc ứng phó với công tác chăm sóc SKTT không kịp thời và bị động, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.
* Cần chú trọng chăm sóc SKTT
PGS-TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã dẫn một khảo sát nhanh của Hội cho thấy, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng là biểu hiện thường gặp trong cộng đồng mùa dịch Covid-19, nhất là ở các vùng dịch diễn biến phức tạp. Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) phụ trách, có đến 53,3% số bệnh nhân được khảo sát có rối loạn lo âu. Với nhóm bệnh nhân từng thở oxy dòng cao tại bệnh viện này, tỷ lệ trầm cảm lên đến 66,7%. Tỷ lệ này cũng tương tự ở nhóm bệnh nhân từng thở máy hoặc thở oxy qua mặt nạ.
Theo PGS-TS Võ Văn Bản, trước tình trạng cộng đồng có quá nhiều nỗi sợ hãi, lo lắng, trầm cảm trong mùa dịch bệnh, ngay từ tháng 6-2021, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã kêu gọi và tập hợp hội viên, tình nguyện viên tham gia chương trình Hỗ trợ tâm lý xã hội khẩn cấp với khoảng 250 tình nguyện viên hoạt động trên tinh thần thiện nguyện. Họ được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng hỗ trợ khủng hoảng tâm lý - xã hội trong đại dịch Covid-19, các kiến thức về tham vấn và can thiệp tâm lý trực tuyến... nhưng cũng chỉ hỗ trợ được một phần. Bởi chính người đang bị sang chấn tâm lý cũng không biết SKTT của mình bị tổn thương và không biết mình cần được điều trị, dù qua hình thức online - để tránh rơi vào trầm cảm nặng nề hơn.
Triển khai từ ngày 15-7 đến 30-11-2021, dự án Chăm sóc SKTT trong đại dịch đã tổ chức khám và điều trị, tham vấn và trị liệu tâm lý từ xa cho hơn 900 trường hợp; đồng thời tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo, truyền thông trực tuyến với khoảng 3,5 ngàn người được hưởng lợi về chăm sóc SKTT từ dự án. |
PGS-TS Võ Văn Bản cho rằng, đã đến lúc lĩnh vực SKTT ở Việt Nam cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành và các lĩnh vực khác nhau. Bộ Y tế nên sớm có một đơn vị làm đầu mối xây dựng chính sách, kế hoạch, quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện và giám sát triển khai công tác chăm sóc SKTT. Trong đó, công tác chăm sóc SKTT cần được lồng ghép và song hành với các kế hoạch phục hồi kinh tế, đặc biệt là những tỉnh, thành từng bị Covid-19 tàn phá nặng nề như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Giang... Riêng những bệnh nhân Covid-19 cần được hỗ trợ tâm lý suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và cả sau khi xuất viện.
Đánh giá công tác chăm sóc SKTT tại Việt Nam, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, định hướng hỗ trợ của WHO cho Việt Nam là Việt Nam cần ban hành Thông tư quy định tổ chức khám, chữa bệnh tâm thần trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng: bắt buộc các bệnh viện đa khoa từ tuyến huyện trở lên phải có dịch vụ cung cấp và nhân viên khám chữa bệnh tâm thần; đưa tâm lý trị liệu thành dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả; nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cũng như có chiến lược đào tạo, phát triển điều dưỡng ngành tâm thần.
* Nỗ lực tự vượt qua nỗi sợ hãi
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực chăm sóc SKTT, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và cả SKTT của người dân. Thông thường, một số ít trường hợp bị sang chấn tâm lý dần dần có thể tự khỏi, nhưng hầu hết sẽ tiến triển thành mãn tính và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thực thể người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp căng thẳng lên đến đỉnh điểm mà không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những hành động đáng tiếc, nhất là những người mắc trầm cảm nặng.
Trước thực trạng sự gia tăng các vấn đề SKTT trong đại dịch Covid-19, ngay từ giai đoạn đầu tiên của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cùng nhóm cộng sự gồm các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các nhà chuyên môn cung cấp dịch vụ, tâm lý lâm sàng và tham vấn tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt với sự hỗ trợ của Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) đã triển khai dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch với mục tiêu: Cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ SKTT cho người dân hoàn toàn miễn phí thông qua hình thức trực tuyến; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chăm sóc SKTT, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo TS Lê Minh Công, ngoài sự chăm sóc y tế, sự hỗ trợ từ các nhóm tư vấn tâm thần, rất cần đến sự “vào cuộc” của chính mỗi người dân bằng cách dũng cảm đối diện với các vấn đề của bản thân, để từng bước nhìn nhận và điều chỉnh bản thân theo hướng tích cực. Đồng thời chia sẻ với những người xung quanh, với những nhà tư vấn tâm lý những cảm xúc, suy nghĩ của mình thấy bản thân được an ủi, động viên, điều này sẽ giúp giảm bớt các gánh nặng tâm lý, đảm bảo bản thân không bị ức chế, dồn nén. Ngoài ra, mỗi người nên chọn lọc thông tin để đọc, nếu tiếp xúc nhiều với các nguồn tin tiêu cực sẽ khiến gia tăng sự lo sợ, nghi ngờ và ảnh hưởng xấu đến SKTT bản thân.
An Nhiên