Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng tâm thế ''sống chung'' với dịch

10:11, 12/11/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các loại hình kinh doanh, cửa hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, cũng như chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

[links()]Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các loại hình kinh doanh, cửa hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, cũng như chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

Khách hàng đến tập luyện tại Trung tâm Fitness and Yoga Vũ Lê (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) được yêu cầu tuân thủ giãn cách, nguyên tắc 5K…Ảnh: Hải Hà
Khách hàng đến tập luyện tại Trung tâm Fitness and Yoga Vũ Lê (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) được yêu cầu tuân thủ giãn cách, nguyên tắc 5K…Ảnh: Hải Hà

* Chủ động đảm bảo nguồn nhân sự an toàn

Nhiều chuỗi cửa hàng, trung tâm dịch vụ hiện nay đang chủ động về nguồn nhân sự, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới, nhất là vào giai đoạn cuối năm.

Anh Lê Văn Hoàng, đại diện Trung tâm Fitness and Yoga Vũ Lê (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau thời gian dài hoạt động, lượng khách đến trung tâm mới chỉ đạt khoảng 20-30% so với trước dịch. Trung tâm đã quay trở lại khung giờ mở cửa ổn định như trước đây, tuân thủ các quy định 5K…

“Dự kiến khi tình hình ổn định hơn, trung tâm sẽ đẩy mạnh các chương trình kích cầu dành cho khách hàng, cũng như đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá, marketing trên Facebook. Hiện nay, trung tâm đã chủ động được nguồn nhân sự, đội ngũ huấn luyện viên, người hướng dẫn của trung tâm đã được tập hợp trở lại đầy đủ để sẵn sàng hỗ trợ người tập trong điều kiện tình hình mới” - anh Hoàng chia sẻ.

Nhiều cửa hàng còn đẩy mạnh các ứng dụng đặt hàng trực tuyến, khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng ứng dụng trên điện thoại với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Chị Cao Nguyễn Hoàng Thy, cửa hàng trưởng cửa hàng Laha Cafe trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, sau khi được phép mở bán trở lại, cửa hàng còn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có triển khai khai báo y tế bằng mã QR. Đồng thời, cửa hàng còn đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trên ứng dụng trực tuyến, khuyến khích khách hàng thanh toán bằng ví điện tử…

* Cần xây dựng kế hoạch dài hơi

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải, du lịch, du lịch... cần tính toán các phương án tài chính phù hợp, trong đó có thể điều tiết, giảm tỷ lệ các khoản chi phí cố định và tăng các khoản chi phí biến đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cần có sự chuẩn bị, kịch bản ứng phó trước những rủi ro và chủ động đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc kinh doanh mới có thể tồn tại, phát triển. Trong đó, ứng dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ… nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra dấu ấn riêng và bắt kịp những xu hướng tiêu dùng, bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, mỗi lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp có những khó khăn và chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ đại dịch. Hơn ai hết, các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 cần xác định hoặc là đóng cửa, hoặc là thay đổi. Việc thay đổi là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, phát triển. Cơ hội luôn dành cho những doanh nghiệp dám thay đổi và biết thay đổi. Đó là ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm khách hàng mới và đặc biệt là đầu tư vào con người…

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, sau khi tháo gỡ các quy định trong việc di chuyển lao động, lưu thông hàng hóa thông thoáng hơn nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, vận tải được hoạt động trở lại… Đây là nguyên nhân góp phần đưa doanh thu ngành bán lẻ, thương mại trong tháng 10 tăng cao so với tháng trước và tăng ở hầu hết các nhóm mặt hàng. 

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 vừa qua ước đạt hơn 15,2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 17% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 vừa qua tăng 10,5% so với tháng trước. Đặc biệt, doanh thu dịch vụ đối với ngành lưu trú, ăn uống trong tháng 10-2021 ước đạt hơn 838,7 tỷ đồng, tăng hơn 150% so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt trên 152,6 ngàn tỷ đồng, tăng 0,88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều