Từ hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, ông Vũ Mạnh Hùng đã kiên trì theo đuổi những mục tiêu lớn, từng bước xây dựng doanh nghiệp (DN). 20 năm khởi nghiệp, ông Hùng đã đưa Công ty CP Tập đoàn Hùng Nhơn trở thành một trong những DN hàng đầu của ngành chăn nuôi...
Từ hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, ông Vũ Mạnh Hùng đã kiên trì theo đuổi những mục tiêu lớn, từng bước xây dựng doanh nghiệp (DN). 20 năm khởi nghiệp, ông Hùng đã đưa Công ty CP Tập đoàn Hùng Nhơn (Tập đoàn Hùng Nhơn, trụ sở chính đặt tại TP.HCM) trở thành một trong những DN hàng đầu của ngành chăn nuôi với số lượng nhân viên lên đến 1,5 ngàn người. Không chỉ vậy, để vươn ra quốc tế, tập đoàn này còn mạnh dạn bắt tay, hợp tác với những tên tuổi trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, cùng đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam.
Ngày 5-11 vừa qua, Tập đoàn Hùng Nhơn đã bắt tay hợp tác với Công ty TNHH Thông Quan của Đồng Nai để mở rộng kinh doanh sang dịch vụ logistics với mong muốn góp phần hạ giá thành dịch vụ đang ở mức rất cao của ngành cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển lâu dài trong tương lai.
DN cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển
* Dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã tác động như thế nào đối với DN, thưa ông?
- Trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, một số kế hoạch, dự án của chúng tôi đã triển khai từ trước cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, may mắn là có sự chuẩn bị trước từ năm 2019 và 2020 nên mọi chuyện vẫn tương đối ổn định. Chúng tôi có khoảng 1,5 ngàn cán bộ, nhân viên. Để phòng ngừa sự cố, tất cả hệ thống trang trại của Hùng Nhơn đều xây nhà cho cán bộ, công nhân viên và có những khu vực đón cả vợ con lên ở cùng và đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chí an toàn.
Việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP với 349 tiêu chí an toàn đã giúp cho DN trụ vững, tất cả các cán bộ, công nhân viên ít bị ảnh hưởng về lương và sản xuất.
* Theo ông, khó khăn phải chăng cũng là cơ hội để DN chuyển mình?
- Tất nhiên khó khăn là nhiều nhưng theo tôi đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam bứt phá và giải quyết một loạt các vấn đề mà rất nhiều DN gặp phải đó chính là sự liên kết.
Ở góc độ người Việt Nam, theo tôi hầu như các DN đang tự làm tất cả. Nhưng DN của tôi đã có sự kết nối với nhiều hệ thống của các tập đoàn, kể cả từ logistics, chăn nuôi, hệ thống ô tô… Liên kết đã là sự thành công trên thế giới hàng chục năm nay, Việt Nam cũng đã bắt đầu chuyển mình để vận hành hệ thống liên kết. Nếu không liên kết, chúng ta không thể tồn tại trong bối cảnh thế giới ngày càng đối phó với nhiều tình huống dịch bệnh và các vấn đề phức tạp khác.
* Giải pháp cụ thể của ông là gì?
- Chúng tôi cơ cấu lại DN, lựa chọn bước đi đột phá là tìm kiếm cơ hội và hợp tác được với những người “khổng lồ” như: Tập đoàn De Heus (Hà Lan) có hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thức ăn gia súc; Công ty Bel Gà (Bỉ) với công ty mẹ có kinh nghiệm trên 90 năm về con giống, cùng với những đối tác lâu đời khác tại Nhật, Đức, Đan Mạch…
Những đối tác này gắn kết với Tập đoàn Hùng Nhơn vào chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tầm giá trị chất lượng sản phẩm từ con giống, cho đến sản xuất chăn nuôi, hệ thống giết mổ…, đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn khắt khe nhất để có thể xuất khẩu vào những nước có yêu cầu rất cao như: Nhật, Hà Lan… Nhờ vậy, chuỗi sản xuất của chúng tôi vẫn hoạt động ổn.
Ông Vũ Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) trao đổi hợp tác trong lĩnh vực logistics với ông Đặng Văn Điềm (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan. Ảnh: Vương Thế |
* Cùng với sự nỗ lực trong chiến lược của tập đoàn, ông quan tâm và có kiến nghị gì trong bối cảnh mới hiện nay, nhất là khi xác định thích nghi an toàn với dịch bệnh?
- Trong bối cảnh mới, tôi nghĩ DN phải tự chủ động cả về cơ chế, con người và chính sách, nghĩa là phải chủ động nắm bắt, tìm hiểu để xây dựng chiến lược phát triển. Về phía Chính phủ, kiến nghị có giải pháp thông thoáng, toàn bộ vận hành được thuận lợi, phục vụ sự phát triển của DN.
Quan điểm của tôi là tất cả các DN phải tự chủ, không nên trông chờ một phía từ Chính phủ. Quan trọng vẫn là tự thân vận động, tự tìm đối tác, nhà cung cấp, tạo liên kết chuỗi. Vì điều đó nên chúng tôi đã hợp tác với một loạt tập đoàn “đi trên vai” những người “khổng lồ”. Đi cùng họ, vận hành cùng họ là bài toán mà các DN phải tính toán tới.
Đồng Nai có vai trò quan trọng trong hoạt động của tập đoàn
* Sau khi triển khai dự án với các đối tác nước ngoài, vì sao hiện nay ông quan tâm vào lĩnh vực logistics?
- Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 50-60%...
Logistics là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý hàng hóa khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã và đang khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn nên đây cũng là mảng kinh doanh được chúng tôi quan tâm đầu tư phát triển.
* Trong lĩnh vực logistics, vì sao ông lại lựa chọn Đồng Nai làm nơi đột phá cho hướng đi mới của mình?
- Chúng tôi khảo sát nhiều DN logistics và nhận thấy Đồng Nai là rất phù hợp vì hiện tại các nhà máy chúng tôi tập trung ở Đồng Nai nhiều. Các hệ thống cung ứng nguyên liệu của Tập đoàn De Heus, đối tác lớn của Hùng Nhơn cũng nằm ở khu vực này. Bên cạnh đó, Đồng Nai tập trung rất nhiều khu công nghiệp và hội tụ nhiều lợi thế hơn so với các vùng khác cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Là địa phương trung tâm trong kết nối giao thông, từ hệ thống đường cao tốc, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển và kề cạnh cụm cảng Cái Mép - Thị Vải… nên Đồng Nai là địa điểm thu hút đầu tư, cũng là cơ hội để phát triển các dịch vụ logistics.
* Hùng Nhơn bắt tay với Công ty TNHH Thông Quan, một trong những DN tiêu biểu về logistics của Đồng Nai. Trong lần ký kết hợp tác này, ông mong muốn gì?
- Logictics như là mạch máu của nền kinh tế, nhưng hiện tại giá thành đang rất cao. Chúng tôi muốn hợp tác với một loạt các tập đoàn quốc tế. Chúng tôi đã đi qua cảng biển các nước châu Âu như Hà Lan, thấy cảng biển họ làm rất tốt. Chúng tôi mong muốn làm sao cho DN Việt Nam phát triển càng mạnh hệ thống logistics, giảm giá thành và chi phí vận tải sẽ không đẩy giá sản xuất tăng lên. Làm sao chúng ta sử dụng được nhiều ngành nghề để tạo ra được chuỗi liên kết, hệ thống vận tải đa phương thức, mục tiêu cao nhất là giá thành giảm, không đè nặng lên chi phí của người dân.
Chính vì vậy, Công ty CP Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị nông nghiệp công nghệ cao Vifaco, đơn vị thành viên của Hùng Nhơn đã kết nối trực tiếp với Thông Quan. Sự kết nối của các DN trong nước lại với nhau vừa giúp nội lực của ngành tăng lên, vừa có thể đứng vững được trước sự cạnh tranh của các DN, tập đoàn lớn trên thế giới trong miếng bánh thị phần logistics Việt.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu hơn 130ha đất trang trại, trong đó có 20 trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà mỗi năm, 8 trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng, 48 trang trại nuôi heo sạch cung cấp ra thị trường 9,6 ngàn con heo nái và 250 ngàn con heo giống mỗi năm. Hùng Nhơn bắt tay hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đầu tư Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk quy mô 200ha, với tổng vốn đầu tư 1,5 ngàn tỷ đồng. Trong lĩnh vực sản xuất phân bón có Nhà máy Phân bón Đồng Phú với công xuất 40 ngàn tấn/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt có hơn 800ha cao su với sản lượng hằng năm đạt trên 3 triệu tấn mủ. Ngoài ra, đơn vị còn có hệ thống đại lý phân phối xe ô tô, mỹ phẩm… |
Vương Thế (thực hiện)