Hiện nay, ngoài các cuộc thi về học thuật của ngành Giáo dục, nhiều tổ chức, đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi bổ ích dành cho học sinh, sinh viên. Những"sân chơi" này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: sáng tạo khoa học kỹ thuật, dự án vì cộng đồng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Hiện nay, ngoài các cuộc thi về học thuật của ngành Giáo dục, nhiều tổ chức, đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi bổ ích dành cho học sinh, sinh viên. Những“sân chơi” này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: sáng tạo khoa học kỹ thuật, dự án vì cộng đồng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thành viên CLB Sáng tạo trẻ tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (Ảnh minh họa) |
Là “sân chơi” giúp các học sinh có thể học hỏi, phát triển được năng lực, những cuộc thi này không đơn thuần chỉ đánh giá về chất lượng, kết quả của các sản phẩm, dự án thông qua điểm số để trao giải. Điểm chung của những sân chơi này là chú trọng đến công tác huấn luyện, đào tạo kiến thức, kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm cho các thí sinh. Ngoài các hoạt động đào tạo tập trung, mỗi nhóm thí sinh khi tham gia cuộc thi còn được làm việc với 1 mentor (người hỗ trợ, định hướng) để họ đồng hành, hỗ trợ trong suốt hành trình chinh phục giải thưởng.
Với cách thức tổ chức đó, các cuộc thi này thường được tổ chức dài hơi trong nhiều tháng. Chính trong khoảng thời gian này, các thí sinh không chỉ học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng mà còn cải tiến, nâng cao được chất lượng các sản phẩm, giải pháp dự thi.
Sau mỗi cuộc thi, dù không đoạt giải, mỗi thí sinh tham gia cũng thu nhận được rất nhiều giá trị. Đối với các em học sinh THPT, những sân chơi này có vai trò định hướng nghề nghiệp rất cao. Bởi thông qua quá trình trải nghiệm từ cuộc thi, các em đã nhận ra được những ưu điểm, thế mạnh của bản thân, đồng thời thấy rõ những điểm yếu của mình. Từ đó, các em nhận thức bản thân phù hợp với ngành nghề nào để theo đuổi.
Lợi ích từ các cuộc thi này là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết các học sinh trên địa bàn Đồng Nai đều tự tìm hiểu, tình cờ biết đến cuộc thi và chủ động đăng ký tham gia. Các trường học chưa có nhiều thông tin hoặc chưa chủ động giới thiệu, phổ biến để học sinh biết đến nhiều sân chơi khác ngoài địa bàn tỉnh (ngoại trừ các cuộc thi do ngành Giáo dục chủ trì hoặc phối hợp tổ chức).
Mặt khác, các cuộc thi được tổ chức trong nhà trường hoặc ở cấp cao hơn tại Đồng Nai hiện chưa chú trọng đến hoạt động đào tạo hoặc nếu có thì còn rất mờ nhạt. Mỗi dự án của học sinh thường chỉ có một giáo viên hướng dẫn. Trong khi đó, giáo viên chỉ có thể hỗ trợ về kiến thức chuyên môn và định hướng nghiên cứu khoa học. Điều này chưa đủ để học sinh khám phá và phát huy tiềm năng của bản thân.
Nhận thức được điều này, một số giáo viên thường xuyên tham gia hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi đã chủ động tìm kiếm, mời người có chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến dự án để huấn luyện, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Điều này phụ thuộc phần lớn vào sự quen biết của cá nhân giáo viên. Thực tế, chưa nhiều giáo viên làm được điều này.
Từ thành công của các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên ở nhiều nơi, các trường nên tham khảo, tìm hiểu thêm để phổ biến rộng rãi nhằm lan tỏa đến học sinh. Nhà trường cũng nên học hỏi kinh nghiệm, cách thức tổ chức của những cuộc thi có uy tín để chủ động tạo sân chơi bổ ích, chất lượng cho học sinh.
Tường Vi