Khi nhắc đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến giáo dục ở nhà trường, đồng thời cũng gắn luôn trách nhiệm giáo dục với đội ngũ thầy giáo, cô giáo.
Khi nhắc đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến giáo dục ở nhà trường, đồng thời cũng gắn luôn trách nhiệm giáo dục với đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Tuy nhiên, nền tảng giáo dục mà mỗi cá nhân trong xã hội được thụ hưởng phải bao gồm: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và tự giáo dục. Trong đó, giáo dục gia đình đóng vai trò nền móng và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Cũng chính vì lẽ đó, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường luôn luôn được nhấn mạnh trong suốt quá trình học tập của trẻ.
Việc giáo dục nhà trường giúp trẻ phát huy năng lực, phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Trong khi đó, giáo dục gia đình là nền tảng về nhân cách và xu hướng tâm lý của trẻ. Quan điểm về giáo dục của phụ huynh cũng đồng thời ảnh hưởng đến thái độ, tinh thần, mục tiêu học tập của trẻ. Quãng thời gian dạy và học online những tháng qua chính là dịp để nhiều phụ huynh nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Đồng thời, quá trình theo dõi con học online cũng giúp phụ huynh hiểu rõ, cảm thông và chia sẻ với những vất vả của giáo viên. Để có 1 tiết dạy học online, giáo viên phải kỳ công soạn bài, chuẩn bị tư liệu, cập nhật công nghệ…
Trong giờ dạy, giáo viên phải đem hết tinh thần, nhiệt huyết và cả sức lực để giảng giải cho học trò. Đối với những học sinh nhỏ tuổi, vì mức độ tập trung kém, hiếu động nên các em thường xuyên làm việc riêng trong giờ học, càng khiến thầy cô phải “lao tâm tổn sức” hơn rất nhiều. Vậy phụ huynh có thể làm gì để hỗ trợ giáo viên, trong khi không phải ai nào cũng có đủ kiến thức, năng lực để giảng giải bài học cho con?
Thực tế, điều mà phụ huynh nên làm và có thể làm tốt nhất chính là quan tâm đến việc học của con; nhắc nhở, động viên con tham gia học tập nghiêm túc. Đồng thời, phụ huynh cũng không được tạo áp lực cho con, không nên đòi hỏi hoặc áp đặt mục tiêu không phù hợp với năng lực của trẻ. Phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với giáo viên về năng lực học tập thật sự của con để có định hướng phù hợp (tránh trường hợp nhìn vào “điểm ảo” để đánh giá năng lực thực tế).
Sự trao đổi, chia sẻ, động viên đúng lúc, chân thành của phụ huynh sẽ là “liều thuốc tinh thần” cho giáo viên. Hơn hết, khi phụ huynh nhận thức đầy đủ vai trò của 4 thành tố giáo dục thì sẽ có cái nhìn toàn diện hơn để sự định hướng, lựa chọn đúng đắn trong việc giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện nhất theo cách riêng của trẻ.
Hải Yến