Cô Bùi Thị Hạnh, giáo viên Tin học Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được biết đến là giáo viên nhiều nhiệt huyết, trách nhiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo để áp dụng vào quá trình giảng dạy, được nhà trường, đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao.
Cô Bùi Thị Hạnh, giáo viên Tin học Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được biết đến là giáo viên nhiều nhiệt huyết, trách nhiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo để áp dụng vào quá trình giảng dạy, được nhà trường, đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao.
Cô Bùi Thị Hạnh hướng dẫn học sinh thực hành trên máy tính vào cuối năm học 2020-2021 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát |
Cô Hạnh chia sẻ: “Năm 2008, tôi đăng ký thi vào Khoa Sư phạm Toán của Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Thời điểm đó, TP.Biên Hòa đang thừa giáo viên Toán nên ngành sư phạm Toán không tuyển sinh viên có hộ khẩu TP.Biên Hòa. Đó cũng là nguyên do tôi “bẻ lái” sang trở thành giáo viên sư phạm Tin học”.
* Đam mê làm nên tất cả
Nhờ tinh thần học tập nghiêm túc và chịu khó rèn luyện kỹ năng nên khi tốt nghiệp ra trường vào năm 2012, cô Hạnh đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục do UBND TP.Biên Hòa tổ chức. Càng may mắn hơn khi cô lại được phân công về công tác tại Trường THCS Trảng Dài, một ngôi trường có sĩ số học sinh đông lại vừa được xây mới và trang bị 2 phòng máy vi tính hiện đại.
Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài PHẠM THỊ HẢI ANH cho biết, không chỉ hỗ trợ Ban giám hiệu triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến, trong thời gian qua, cô Bùi Thị Hạnh còn là một trong những giáo viên công nghệ thông tin nguồn của thành phố. Bằng tình yêu nghề, trách nhiệm, cô Hạnh còn tích cực đi triển khai, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên nhiều trường trên địa bàn thành phố. |
Cô Hạnh chia sẻ, trước khi cô được phân công về công tác tại Trường THCS Trảng Dài, trường đã có dạy môn Tin học cho học sinh nhưng mới chỉ là dạy lý thuyết, học sinh chưa có điều kiện thực hành trên máy. Phải đến năm 2012, trường được xây mới, khi đó mới có được 2 phòng máy tính. Cô Hạnh cũng là giáo viên chuyên về tin học đầu tiên của Trường THCS Trảng Dài được đào tạo bài bản. Kể từ khi có cơ sở vật chất và giáo viên đồng bộ, môn Tin học mới chính thức dạy trong nhà trường một cách bài bản cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.
Thành quả đầu tiên mà cô Hạnh và học sinh của mình mang lại ở môn Tin học là giải khuyến khích học sinh giỏi môn Tin học cấp thành phố. Tiếp đó, trường còn có giải nhì học sinh giỏi môn Tin học cấp tỉnh.
Thành quả của môn Tin học không chỉ dừng lại ở những giải thưởng mà quan trọng hơn là quá trình tiếp cận với môn Tin học, cô Hạnh đã giúp cho các học sinh có thêm nhiều kỹ năng để phục vụ cho những môn học khác như: học sinh có thể dùng kỹ năng trình chiếu PowerPoint để thuyết trình, khai thác các học liệu, sử dụng internet an toàn. Tại Trường THCS Trảng Dài có khá nhiều em còn biết cả kỹ năng lập trình cơ bản.
“Nhiều em đã có tố chất lẫn đam mê môn Tin học, khi gặp được giáo viên hướng dẫn kèm cặp, tố chất lẫn đam mê của các em càng có cơ hội phát triển. Có em nuôi dưỡng đam mê tin học và nay đã trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin” - cô Hạnh cho biết.
* Truyền cảm hứng cho đồng nghiệp
Gần 10 năm chính thức bước chân lên bục giảng nhưng có lẽ năm 2021 này là năm cô Hạnh mới thực sự cảm thấy bận rộn nhất với nghề mình đã chọn.
Các em học sinh Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) thảo luận sôi nổi trong giờ học tin học |
Cô Hạnh cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn phường, cô và nhiều đồng nghiệp trong trường đã cùng với lực lượng y tế tuyến đầu tham gia khá nhiều nhiệm vụ như: hỗ trợ lực lượng tuyến đầu truy vết; thống kê danh sách các đối tượng F0, F1 và F2; hỗ trợ công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn P.Trảng Dài.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng chính là thách thức không nhỏ với cô Hạnh và các đồng nghiệp ở Trường THCS Trảng Dài. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài Phạm Thị Hải Anh, từ tháng 7, song song với công tác hỗ trợ lực lượng tuyến đầu của phường chống dịch, nhà trường đã đề nghị giáo viên khẩn trương triển khai phương án chuẩn bị dạy học trực tuyến để khi tỉnh có chỉ đạo khai giảng và dạy học bằng phương án trực tuyến thì triển khai được ngay. Thời điểm này, những cá nhân có kỹ năng công nghệ thông tin tốt như cô Hạnh chính là những nhân tố quan trọng.
Không phụ sự kỳ vọng của Ban giám hiệu, cô Hạnh và những giáo viên nòng cốt về công nghệ thông tin của trường đã nhanh chóng bắt tay vào chọn ứng dụng thuận lợi nhất cho việc dạy học trực tuyến. Nhiều phần mềm tiện ích khác cho việc soạn giáo án dạy trực tuyến cũng được cô Hạnh tìm tòi và hướng dẫn cho các giáo viên khác trong trường sử dụng. Chẳng hạn như phần mềm dựng video, điểm danh tự động, tạo bài tập và bài kiểm trên hệ thống, giao nhiệm vụ cho học sinh…
Cô Hạnh cho hay: “Có những đêm tôi thức tới 2 giờ để hoàn thiện một giáo án dạy trực tuyến, bài tập để hôm sau triển khai cho các giáo viên khác. Có hôm mới chưa tới 6 giờ sáng đã có đồng nghiệp gọi điện nhờ hướng dẫn. Công việc tuy mệt nhưng rất vui”.
Em Trần Ngọc Giao, học sinh lớp 9 Trường THCS Trảng Dài cho biết: “Em cảm thấy các bài giảng trực tuyến của thầy cô trong trường rất sinh động và dễ hiểu. Em đặc biệt thích với cách ra bài tập trên hệ thống của giáo viên. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, em có thể làm bài tập một cách dễ dàng. Sau khi làm xong em có thể biết được đáp án và điểm số ngay”.
Đặng Công