Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 4: Những bộ sưu tập dưới lòng sông

07:10, 15/10/2021

Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy qua mọi miền, xuôi ra biển, lúc bình lặng nhưng cũng có lúc ào ạt, dữ dội khi mưa nhiều, bão lụt từ thượng nguồn… Trong lớp cát, bùn hỗn độn dưới sông ấy, có rất nhiều điều kỳ thú.

[links()]Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy qua mọi miền, xuôi ra biển, lúc bình lặng nhưng cũng có lúc ào ạt, dữ dội khi mưa nhiều, bão lụt từ thượng nguồn… Trong lớp cát, bùn hỗn độn dưới sông ấy, có rất nhiều điều kỳ thú.

Theo con nước thời bão lụt, muôn thứ từ thượng nguồn đổ về, một số xuôi luôn ra biển hay đọng lại cửa sông, một số bị chôn vùi trong lòng cát sâu thẳm ở những đoạn sông nào đó như định mệnh an bài. Rồi cũng chính từ dưới sông phải đón nhận bao thứ mà con người trút xuống theo chủ đích của mình. Quá nhiều thứ và quá nhiều lý do để con người trút xuống sông, có khi đó là những phế phẩm, có khi là những thứ mà con người không dám dùng đến trong một kiêng kỵ, có khi đó là những thứ ở nơi khác bỗng bị phát lộ rồi trôi xuống, có khi đó là những thứ mà con người muốn hủy hoại nhưng không muốn để lại dấu vết...

* Hiện vật quý từ lòng sông

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên, có nhiều thứ quý giá lại được trục vớt, thu nhặt từ sông như tượng cổ, hiện vật quý và nhiều đồ dùng đủ loại khác, có nhiều niên đại khác nhau… Tôi muốn kể với các bạn về những hiện vật quý mà chính tôi “thấy được, biết được, sờ được” phát hiện ở sông Đồng Nai này.

Nhiều tượng cổ bằng đá, bằng đồng được tìm thấy từ dưới sông, ven bờ ở Đồng Nai từ sau năm 1975 được Bảo tàng Đồng Nai thu thập, trưng bày trong không gian văn hóa 1.000 năm đầu Công nguyên. Trong đó, có hai bức tượng thần Vishnu khá đồ sộ bằng đá chắc hẳn từng ngự ở một đền tháp xa xưa nhưng không biết vì nguyên cớ nào bị vùi sâu dưới lớp cát trên đoạn sông chảy qua TP.Biên Hòa khá bình lặng mà người Pháp gọi với cái tên thơ mộng “hồ Biên Hòa” hay thi vị mội thời danh xưng Sông Phố.

Trong dòng chảy lịch sử với dân cư tại chỗ, vùng đất này đón nhận nhiều thế hệ các lớp cư dân từ khắp nơi đến khai khẩn, tạo dựng; đặc biệt là nguồn nguyên liệu đất sét có sẵn là một trong những điều kiện thuận lợi cho nghề gốm với kỹ thuật từ các cư dân các miền đến đây tụ cư và phát triển.

Những xáng cạp đã múc tượng lên sau thời gian lấp vùi trong cát nước, được trả lại dáng đứng cho mọi người chiêm ngưỡng trong không gian của bảo tàng. Thế nhưng, tượng không còn nguyên vẹn, bốn cánh tay cầm những vật linh bị phạt ngang, thân bị nhiều vết xước. Đây là tượng thần Vishnu có niên đại từ thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên, một trong ba vị thần sáng tạo của Balamôn giáo được du nhập vào vùng đất Nam bộ thuở xưa.

Một tượng đá khác có tên Bodhisattva bằng sa thạch, có niên đại từ thế kỷ VII sau Công nguyên, cũng được phát hiện dưới sông Đồng Nai với tư thế đứng không nguyên vẹn. Thế nhưng, tượng đá này thể hiện một kỹ thuật điêu khắc độc đáo được các chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật đánh giá cao. Vì thế, sau khảo sát các tượng đá tìm thấy ở Đồng Nai, các chuyên gia đã tuyển chọn Bodhisattva với một ê-kíp làm việc trong thời gian dài, qua các khâu thủ tục cấp quốc gia và nghiệp vụ chuyên môn để đưa đến New York, Hoa Kỳ trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học về Phù Nam ở đồng bằng sông Mê-Kông: Văn hóa Óc Eo ở Việt Nam”.

Nhiều nhất trong các sưu tập ở sông Đồng Nai là những bình gốm cổ bên cạnh các thân cây hóa thạch, công cụ đá, xuồng độc mộc… Những người thợ lặn mưu sinh ở sông Đồng Nai đã vớt lên nhiều đồ gốm có nhiều kích cỡ khác nhau, với các chủng loại được định danh: hủ, bình, gốm, chum, vại, vò, chậu, ấm, nồi, âu, bát, đĩa, chén, nắp đậy… là đồ dùng của những con người cổ xưa.

Những vật này trải dài cả đoạn sông chứ không dồn vào một chỗ cố định. Có lẽ, chúng từ nhiều nguồn, có thể từ nơi khác theo dòng chảy trôi xuống và cũng có những đồ vật tại chỗ… Dần dà, theo dòng nước, tụ lại, trôi đi… chắc chắn sẽ vỡ, bể khá nhiều và những gì thu thập được cũng chỉ là một phần nhỏ trong vô số những điều thú vị dưới lòng sông.

Các nhà giám định đã phân loại và đưa ra những khung niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ I cho đến XIX - phản ánh sự da dạng của nhiều dòng gốm theo dòng chảy của sông từ thượng nguồn đến hạ lưu. Sưu tập gốm cổ dưới sông Đồng Nai là sưu tập đa văn hóa, mang những truyền thống văn hóa xuất xứ từ những vùng đất khác nhau: tiền Angkor-Angkor, gốm Nam bộ, gốm Duyên Hải, Hoa Nam, gốm Đại Việt và truyền thống, gốm thô. Chúng hội tụ đến bất ngờ trên vùng sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa...

* Làng cổ Bến Gỗ ven sông

Câu ca “Nhà Bè nước chảy phân hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” cho thấy những cư dân tìm đến Đồng Nai - Gia Định một thời đứng giữa sự lựa chọn từ đường thủy đến ngã ba sông Nhà Bè. Và, một bộ phận cư dân đã tìm đến Đồng Nai nói theo cách dân gian theo thói quen “rẽ phải” vào bờ và tiến dần lên những khu vực ven sông. Ven sông Đồng Nai, có những làng cổ khá nhiều dấu tích, trong đó có 3 làng trở thành những trung tâm tiêu biểu được nối mạch xuyên suốt qua các thời kỳ.

Từ miệt dưới ngược lên, ở địa phận Biên Hòa xưa có làng Bến Gỗ thuộc P.An Hòa. Địa bàn này có những gò nỗng cao vừa phải giáp với vùng rừng rậm Tân Cang nối liền Trảng Bom. Từ thời đại đồng thau, cách đây hơn 2.000 năm, con người xưa đã để lại dấu tích của mình qua những công cụ bằng đá, gốm, đồng được các nhà khảo cổ phát hiện. Người Chăm cũng để lại dấu tích qua một số tượng thờ được nhắc đến qua các nguồn tư liệu; trong đó có tượng thần, phù điêu với nghệ thuật tiền Khmer.

Khi người Việt, Hoa đến khai khẩn, họ đã phát hiện vùng đất nơi đây có nguồn kim loại và khai thác, chế tác. Sách Gia Định thành thông chí có đề cập núi Thiết Khâu với tục danh Lò Sắt, dân quen gọi là Lò Thổi (Lò Rèn), sau này là ấp Thiết Tượng. Vào đầu thế kỷ XIX, là làng xưa có nghề rèn phát triển. Nơi đây có sông An Hòa - chi lưu của sông Đồng Nai, ngoài cửa là sông Đồng Châu chảy về phía Bắc tạo nên một bến sông - trước là rạch, sau là bến để tập trung chở tre, gỗ từ các vùng trên chuyển xuống, nên có tên gọi Bến Gỗ.

Làng Bến Gỗ có nhiều thiết chế tín ngưỡng như đình, chùa, miếu… mà mỗi di tích lại ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Người dân làng còn lưu truyền những câu chuyện kể dân gian đầy màu sắc huyền bí như: Bà Mụ Cọp, miễu Bà Khoanh, chùa Ông Tượng… Trong đó, câu chuyện về bà mụ giúp đỡ cọp trong khi sinh nở khó khăn và được loài thú dữ này biết ơn là một dấu tích còn lưu lại qua miếu thờ. Đình An Hòa bề thế còn bảo lưu kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo.

Làng Bến Gỗ còn nổi tiếng về đua thuyền. Từ thời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua để tham gia vào cuộc đua tổ chức ở Biên Hòa. Ngày nay, đội đua thuyền ở Bến Gỗ còn duy trì và có truyền thống đoạt giải cao trong các cuộc thi đua ở tỉnh và khu vực. Lễ hội ở Bến Gỗ cũng rất đa dạng; đặc biệt đáo lệ 3 năm tổ chức lớn tại đình An Hòa vọamiếu Quan Đế, kéo dài nhiều ngày với các nghi thức cầu an, xô giàn và diễn xướng dân gian độc đáo như hát bội và hội thi đua thuyền… với sự tham gia đông đảo của người dân.

Ghi chép của Phan Đình Dũng

Bài 5: Cù lao và thương cảng danh tiếng

Tin xem nhiều