Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để tội phạm mạng lộng hành

11:10, 29/10/2021

Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đang diễn ra là tội phạm mạng ngày càng diễn biến phức tạp, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đang diễn ra là tội phạm mạng ngày càng diễn biến phức tạp, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Theo nhận định của một số ĐBQH, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, tội phạm mạng đang gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Phổ biến là tình trạng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet; giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Tuy nhiên, do việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa kịp thời khiến cho các vụ vi phạm liên quan đến không gian mạng ngày càng tăng.

Do đó, một số ĐBQH đã kiến nghị cần có quy định, các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi pháp luật trên không gian mạng.

Đồng thời tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm trên không gian mạng. Phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng.

Ngoài ra, để tội phạm mạng không lộng hành, điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về an toàn thông tin mạng. Khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên internet, người dùng cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân (nhất là thông tin trên chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP…) để tránh bị kẻ xấu đánh cắp và sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích riêng, thậm chí còn dùng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Song song đó, người dùng cần nắm rõ các quy định pháp luật để xử lý các tình huống pháp lý phát sinh trong quá trình làm việc, giao dịch trên không gian mạng. Ngoài ra, cần chú ý thực hiện đúng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm tránh các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội. Cụ thể như: không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Một khi người sử dụng internet và mạng xã hội có trách nhiệm, có kiến thức, có kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng thì tội phạm mạng sẽ không có cơ hội lộng hành như thời gian qua.

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều