Có một "kiểu" bán sách… không giống ai, chỉ bán những cuốn sách am hiểu và bỏ công ra đọc, viết bài giới thiệu, ấy là trường hợp anh Nguyễn Tuấn Bình, người tự nhận mình làm công việc "bán sách rong". Càng ngạc nhiên hơn nữa khi anh còn có 15 năm đứng trên giảng đường với vai trò là giảng viên đại học và từng làm phó giám đốc một công ty cầu đường, nhưng quyết định chuyển hướng vì quá đam mê sách.
Chân dung “người bán sách rong” Nguyễn Tuấn Bình |
Có một “kiểu” bán sách… không giống ai, chỉ bán những cuốn sách am hiểu và bỏ công ra đọc, viết bài giới thiệu, ấy là trường hợp anh Nguyễn Tuấn Bình, người tự nhận mình làm công việc “bán sách rong”. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi anh còn có 15 năm đứng trên giảng đường với vai trò là giảng viên đại học và từng làm phó giám đốc một công ty cầu đường, nhưng quyết định chuyển hướng vì quá đam mê sách.
Tháng 5 vừa qua, bộ sách Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo do Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm, khảo cứu đã được ra mắt. Đây cũng là những bước đầu tiên khi anh bật mí rằng sẽ làm những cuốn sách với thương hiệu của mình.
Chỉ bán những cuốn sách bản thân am hiểu
Anh là người bán sách, nhưng chỉ giới thiệu những cuốn sách mà mình đã đọc, hiểu và có cảm xúc đặc biệt tới độc giả? Điều này cho anh trải nghiệm khác biệt gì với việc bán sách thông thường?
- Vâng, tôi vốn là người ham đọc sách. Xuất phát điểm từ mong mỏi chia sẻ những cuốn sách tốt tới bạn bè và người cùng sở thích, tôi thường đăng bài giới thiệu về cuốn sách mình đọc. Dần dần, tôi cũng vun vén cho mình chút hiểu biết về các dòng sách, cảm nhận được sách phù hợp với mình và bạn đọc nói chung. Rồi thì trở thành người bán sách như bạn thấy.
Thật khó để nói thế nào là “bán sách thông thường”, tôi chỉ muốn nói rằng không phải đầu sách mới nào tôi cũng giới thiệu. Giả như trong tuần có tới 50 đầu sách mới, chắc tôi chỉ chắt lọc được tầm 5 tác phẩm mà thôi. Đó một phần do cá tính của tôi, gu đọc sách của tôi.
Có lẽ với anh, không cần có quá nhiều người mua sách của mình, nhưng qua các bài giới thiệu, độc giả biết đến sách và yêu thích đọc sách đã là một niềm vui lớn?
- Thực tế là ngược lại, nghề sách đang là công việc “kiếm cơm” của tôi. Tôi thấy đăng sách tràn lan, không mục đích rất khó để kêu gọi độc giả. Tôi chủ yếu đăng một tông màu các sách văn hóa, chính trị, lịch sử và sách cho gia đình. Tôi nghĩ đó là sách có giá trị không mặt này thì mặt khác, sách tôi thấy không có ích cho đa số độc giả thì tôi bỏ qua. Tôi có cảm giác nhờ đó mà được độc giả tin tưởng, dù không mua sách của tôi họ cũng coi như đọc báo, một kênh thông tin lọc bớt các sách tạp nham. Nên theo thời gian, tôi cũng có nhiều độc giả quan tâm mua sách, ngày càng nhiều người mua sách của tôi hơn. Cuối cùng thì độc giả vẫn là quan trọng nhất chứ! Tôi rất lý trí chứ cũng không hề “theo cảm xúc” với nghề bán sách của mình.
Để làm một “gã bán sách rong” như anh tự nhận chắc cũng không dễ, nhất là việc điểm sách cho hay, cho trúng, khơi dậy được sự thích thú của độc giả cũng tốn không ít thời gian?
Bộ sách Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo do Nguyễn Tuấn Bình (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) sưu tầm và giới thiệu |
- Chắc chắn là vậy. Tôi thấy cần nhất là bỏ thời gian công sức nghiên cứu sản phẩm mình đăng bán. Không nhiều người bán sách thật sự biết họ đang đăng nội dung gì, giá trị tác phẩm ra sao. Tôi luôn muốn mình sách nào cũng biết qua một chút, nắm những vấn đề cốt lõi để gửi tới độc giả nội dung chính. Sách mới ra quá nhiều, tôi cũng gắng vận dụng kinh nghiệm để cập nhật liên tục các tác phẩm ra hàng ngày, và chỉ đưa các ý kiến khách quan về tác phẩm có giá trị.
Với một giảng viên 15 năm trên giảng đường cũng như từng quản lý doanh nghiệp, công việc ít liên quan đến sách, hẳn là anh dành rất nhiều tình yêu, đam mê mới đi theo lĩnh vực này?
- Có lẽ vẫn cứ là “nghề chọn người”, bản thân tôi 5 năm trước không hề nghĩ rằng một ngày mình thành “gã bán sách rong”. Những năm tháng rong ruổi đi làm cầu đường, lên bục giảng cũng thao thao bất tuyệt về ngành cầu đường, cứ rỗi rãi trong chuyến xe đi khảo sát, dưới gầm cầu tôi thường mang theo những cuốn sách. Và như giọt mưa thấm qua tầng lớp cát, thấm xuống dưới thành mạch nước ngầm, giờ tôi mê quá và cũng thấy chuẩn bị đủ cả về kinh tế và kiến thức. Tôi quyết định gác nghề được đào tạo bao năm, để thành người giới thiệu sách tới bạn đọc.
NGUYỄN TUẤN BÌNH sở hữu trang Bình Bán Book với hàng chục ngàn lượt like trên mạng xã hội Facebook. Tiêu chí của trang Bình Bán Book là một tờ điểm tin sách, gạn lọc và giới thiệu sách tốt (tùy lứa tuổi, độc giả, khẩu vị, thể loại…). Những cuốn sách do anh lựa chọn bán phải phù hợp và hữu ích, xuất phát từ hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. |
Sẽ thực hiện những cuốn sách mang thương hiệu của mình
Tháng 5 vừa qua, anh đã cho xuất bản Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo, một nhân vật trí thức lớn của Việt Nam, anh chia sẻ đôi điều về công việc mà mình dành không ít thời gian, tâm huyết này?
- Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ một ngày mình làm sách. Nhưng từ nhỏ tôi đã được đọc Đắc nhân tâm rồi Quẳng gánh lo đi và vui sống của Nguyễn Hiến Lê. Nó giúp tôi - chàng thanh niên thuở ngồi ghế giảng đường thêm nhiều nghị lực thời còn ngơ ngẩn. Sau này, đọc nhiều sách của cụ tôi phục và gắng noi theo. Do một dịp tình cờ, tôi được đọc một số bài báo của cụ viết trên tờ Bách Khoa trong miền Nam xưa, từ đó tôi có ý muốn sưu tầm lại. Khi đã đủ kha khá, tôi trình bày nguyện vọng với chị Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM và được chị ủng hộ. Tôi đã dành 6 tháng khảo cứu tư liệu, sắp xếp lại bài báo, viết bài tổng luận để giới thiệu bạn đọc. Nay sách ra đời, tôi thấy vui lắm và nghĩ rằng cái gì cũng là do chữ “duyên”.
Anh có cảm nhận văn hóa đọc sách bây giờ đang ngày càng trở nên “thiếu thốn” hơn khi mà người ta dành sự quan tâm nhiều cho các loại hình khác? Làm sao để có thể khơi gợi sự yêu thích, thói quen đọc sách của độc giả?
- Chắc chắn văn hóa đọc đang đi lên. Tôi cảm nhận rõ qua sức bán của bản thân, các con số tổng kết số lượng bán hàng từ các đơn vị làm sách tôi làm việc như: Nhã Nam, Đông A... Vậy vấn đề không phải là cuộc cạnh tranh với các loại hình giải trí, mà là chất lượng tác phẩm mang đến độc giả. Trong thời đại này, chỉ khi nhìn nhận sách vở là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, đáp ứng cả mặt nội dung và hình thức, các đơn vị xuất bản phải chịu khó đi vào những lĩnh vực mới, khó, hàm lượng kiến thức cao thì mới thu hút được độc giả.
“Sách vở bình yên và hợp với tôi. Nếu như chưa có ai “điểm sách cho độc giả” thì tôi làm. Trước hết vì đam mê sau là tạo nên dấu ấn trong vai của một “gã bán sách rong”. |
Sắp tới anh có những dự định gì trong “nghề bán sách rong” của mình?
- Tôi vẫn là tay mơ trong lĩnh vực rất mới này, tôi vào làng sách chắc không quá ba bốn năm. Tôi thấy mình may mắn ở vào thời điểm mà bạn đọc đang thay đổi thói quen mua sắm. Công nghệ tác động rất mạnh tới thương mại điện tử và mạng xã hội, thay thế cách mua sách truyền thống bằng những cú click và màn chat. Nó vẫn còn phát triển mạnh nữa, vì vậy tôi sẽ tập trung chính vào hướng thương mại điện tử.
Thêm nữa, tôi cũng có hứng thú về làm sách. Cơ chế đang giúp cho các đơn vị tư nhân dễ dàng liên kết xuất bản và thể hiện cá tính hơn. Bán sách người nhiều rồi, sắp tới sẽ là các sản phẩm sách của Bình Book.
Bản thân tôi cũng... tham lam, nhiều khi tôi muốn bán sách chỉ như thế này thôi, để tôi còn thời gian ngồi viết lách, biên soạn và dịch thuật. Tôi đã có đủ bản thảo để năm 2022 cho ra mắt bạn đọc 3,4 tác phẩm. Tôi đắm đuối món sách vở quá chăng? (cười)
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vương Thế (thực hiện)