Học online hoặc học qua kênh truyền hình được xem là phương pháp đào tạo thích hợp nhất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Học online hoặc học qua kênh truyền hình được xem là phương pháp đào tạo thích hợp nhất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tuy nhiên, để có thể dạy và học online tốt trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc học còn nhiều khó khăn, hạn chế như: thiếu máy tính, thiết bị học tập, sách giáo khoa (SGK), đường truyền mạng yếu… cần sự nỗ lực chung tay vượt khó không chỉ của giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác.
Học sinh của một trường THPT ở TP.Biên Hòa học online. Ảnh: Kim Liễu |
* Nhiều thách thức cho năm học mới
Do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc chuẩn bị đồ dùng học tập cho con của nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Đến nay, dù đã bắt đầu năm học mới gần 1 tuần nhưng vẫn còn trường hợp học sinh chưa được trang bị đầy đủ SGK, đồ dùng học tập. Thậm chí không ít em gia đình không có máy tính, điện thoại thông minh nên phải mượn của người thân, người quen…
Chị Nguyễn Thị Minh (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, đến giờ chị vẫn chưa mua được SGK lớp 7 cho con. Trước khi khai giảng một tuần, giáo viên chủ nhiệm có hướng dẫn đặt sách qua số điện thoại của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai nhưng chị liên hệ nhiều lần không được. Sau đó, nhà trường tổng hợp danh sách để mua giùm nhưng đến giờ vẫn chưa có.
“Nhà tôi ở “vùng xanh” mà mua sách đã khó, chắc những học sinh ở vùng phong tỏa, cách ly y tế sẽ khó khăn hơn” - bà Minh cho hay.
Không chỉ SGK, các thiết bị hỗ trợ học online như: máy tính bàn, laptop, webcam… muốn mua cũng không dễ bởi hầu hết các điểm bán các mặt hàng này đều đóng cửa. Một số phụ huynh cho biết, các mặt hàng này mua online cũng không dễ, nhiều chỗ rao bán nhưng khi đặt hàng thì họ báo hết hàng hoặc chào bán loại thiết bị có cấu hình cao, kéo theo giá cũng đắt hơn, nhiều mặt hàng mua trên mạng chất lượng không đảm bảo…
Chủ một công ty chuyên bán các thiết bị công nghệ thông tin ở TP.Biên Hòa cho biết, nguồn hàng chủ yếu lấy từ TP.HCM và nhập từ nước ngoài. Nhưng do giãn cách, ảnh hưởng dịch bệnh nguồn cung bị đứt gãy. Giá bán các thiết bị công nghệ cũng tăng từ 20-30% so với trước dịch vì nhu cầu tăng, nguồn cung hiếm.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh phản ảnh một trong những trở ngại khi học trực tuyến hiện nay là đường truyền mạng internet “chập chờn”. Tình trạng “rớt” mạng liên tục xảy ra trong các tiết học.
* Khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt
Theo nhận định của nhiều giáo viên, phụ huynh, khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến đa phần đến từ phía phụ huynh, học sinh, trong đó chủ yếu là do không có thiết bị để học, không có đường truyền internet hoặc đường truyền yếu.
“Trong bối cảnh xã hội hiện nay, phương án dạy học trực tuyến có thể kéo dài. Kể cả khi hết dịch bệnh, cách học này cũng được xem là xu hướng phát triển song song với hình thức học trực tiếp ở nhà trường. Do vậy, không chỉ các trường học mà cả phụ huynh cũng cần có sự chủ động, khắc phục khó khăn để thích ứng” - bà Nguyễn Thị Thúy Loan (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Hiện nay, để khắc phục việc thiếu SGK, nhiều giáo viên đã hỗ trợ học sinh bằng cách tải file sách online hoặc scan bài học từ SGK bằng phần mềm điện thoại thông minh rồi gửi cho học sinh. Sở GD-ĐT cũng tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 (bậc tiểu học), lớp 6 (bậc THCS) và lớp 10 (bậc THPT). Hình thức này có hạn chế là giáo viên và học sinh không thể tương tác trực tiếp như dạy học online nhưng giải quyết được vấn đề thiếu máy tính và giúp việc học của các em không bị gián đoạn do dịch bệnh.
Do không mua được máy tính cho con nên phương án dùng chung thiết bị được nhiều gia đình áp dụng. Anh Nguyễn Hoàng Chinh (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) cho biết, hơn 2 tuần nay anh chuyển sang làm việc buổi tối để nhường máy cho con học online. Đồng thời, anh cũng nâng gói cước internet tốc độ cao hơn, kiểm tra thiết bị phát Wi-Fi. Trong thời gian con học, gia đình anh cũng hạn chế sử dụng các thiết bị truy cập mạng cùng lúc để giảm tải cho đường truyền, việc học của con không bị ảnh hưởng.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, trong điều kiện hiện nay, gia đình cũng muốn tìm đủ cách xoay xở, tạo điều kiện hết mức có thể cho con học tập. Để có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập trong thời điểm dịch bệnh là điều không dễ dàng, nhất là đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.
Mới đây, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho việc học online, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn trong vùng dịch, không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên…
Riêng tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi thư kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn trên địa bàn.
Nhiều ý kiến hy vọng rằng, với hàng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ việc học online đã, đang và sắp được triển khai sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập bước đầu để giúp học sinh thích nghi hơn với việc học online trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Kim Liễu
Chị TRẦN THỊ HUYÊN HUYÊN (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa):
Xây dựng chương trình học online phù hợp
Hiện tại, thời khóa biểu học online của học sinh rất giống với thời gian biểu học bình thường, theo tôi là chưa phù hợp. Mỗi tiết học online nên giảm xuống còn 35 phút/tiết, thay vì học 45 phút/tiết như học trực tiếp.
Học online cũng có nhiều lợi thế, thông qua ứng dụng từ phần mềm giáo viên có thể tương tác với học sinh rất dễ dàng. Nhưng do tiết học kéo dài, buộc các em tập trung xuyên suốt vào màn hình máy tính, điện thoại, laptop suốt 4-5 tiết rất mỏi mắt, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả tiếp thu bài thì ngành Giáo dục xây dựng chương trình học cho phù hợp, không thể áp dụng cùng một khuôn với dạy trực tiếp mà nên xây dựng chương trình học tinh giản sao cho gọn nhẹ, trọng tâm, thiết thực, sinh động hơn.
Ông ĐỒNG ĐẠI THÀNH (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Hướng dẫn kỹ năng an toàn khi học trực tuyến cho trẻ
Vừa rồi, một học sinh 10 tuổi ở TP.Hà Nội tử vong do dùng kéo chọc vào ổ điện khi đang học trực tuyến. Sự việc thương tâm này nhắc nhở người lớn quan tâm hơn đến việc giữ an toàn cho trẻ khi học trực tuyến. Nên phổ cập kiến thức, kỹ năng an toàn cho học sinh, nhất là các cháu nhỏ. Trong đó, có các kiến thức cơ bản về điện; hướng dẫn cách sử dụng máy tính, laptop, điện thoại sao cho an toàn…
Song song đó, vấn đề an toàn trên môi trường mạng cũng cần quan tâm, bởi hiện nay việc quản lý các lớp học online khá đơn giản, đối tượng xấu có thể xâm nhập và đưa những đường link có nội dung độc, virus, hình ảnh, phát ngôn phản cảm… gây ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, phụ huynh, giáo viên nên dành thời gian hướng dẫn về các nguy cơ, trang bị kiến thức về những rủi ro phát sinh trên môi trường ảo cho các em.
Gia An (ghi)