Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó quản giá hàng hóa trong thời dịch

09:09, 17/09/2021

Trước thực tế nhiều chợ truyền thống vẫn đóng cửa phòng dịch, tần suất người dân được đi mua sắm ít hơn, phải mua thực phẩm nhiều hơn trong đợt giãn cách xã hội, không ít chủ kinh doanh đã lợi dụng điều này để tăng giá các mặt hàng nhằm kiếm lợi.

Trước thực tế nhiều chợ truyền thống vẫn đóng cửa phòng dịch, tần suất người dân được đi mua sắm ít hơn, phải mua thực phẩm nhiều hơn trong đợt giãn cách xã hội, không ít chủ kinh doanh đã lợi dụng điều này để tăng giá các mặt hàng nhằm kiếm lợi.

Người dân mua hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá P.Tam Phước, TP.Biên Hòa
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá P.Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Mặc dù các ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và bình ổn giá thị trường nhưng tình trạng biến động giá hàng hóa vẫn xảy ra.

* Mỗi nơi một giá

Thời gian gần đây, tình trạng thiếu hàng cục bộ, găm hàng, đẩy giá gần như không còn. Người dân cũng ít tích trữ thực phẩm như trước. Thế nhưng, do nhiều yếu tố từ phía người bán lẫn người mua, tình trạng mỗi nơi một giá, mỗi ngày một giá đối với các mặt hàng thiết yếu vẫn xảy ra.

Hơn 2 tháng qua, mỗi lần đi chợ chị Lê Thị Hải (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) mua hàng với mức giá khác nhau. Không chỉ các mặt hàng dễ biến động giá cả như: rau xanh, thịt cá, mà nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác là: mì gói, bánh kẹo, gia vị, cũng liên tục thay đổi giá.

Chị Hải chia sẻ: “Tôi thấy cùng một mặt hàng nhưng mỗi nơi bán một giá, cùng một điểm bán nhưng mỗi lần mua một giá khác nhau. Tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời đại loại tầm này có hàng mà mua là may rồi”.

Người bán hàng trên chợ online Dân Long Bình thực hiện công khai giá bán
Người bán hàng trên chợ online Dân Long Bình thực hiện công khai giá bán

Theo chị Hải, trước đây, mỗi khi đi chợ chị ít để ý giá. Đợt dịch, nhu cầu lương thực thực phẩm dùng tại nhà tăng, giá cả các mặt hàng biến động liên tục tăng buộc chị phải quan tâm và so sánh để lựa chọn nơi bán hàng uy tín, giá rẻ.

Anh Lê Văn Tuấn, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết vợ chồng anh Tuấn là công nhân, trước đây cả 2 chỉ mất tiền ăn sáng, còn bữa trưa và tối ăn thì dùng bữa tại công ty. Thời gian này cả 2 thất nghiệp, thu nhập giảm 2/3 trong khi chi phí sinh hoạt gấp 2-3 lần nên mọi chi tiêu phải tính toán rất kỹ. “Chúng tôi đã tằn tiện dữ lắm nhưng vẫn phải dùng đến tiền tiết kiệm. Nhiều khoản phải chi và món nào cũng nhích giá” - anh Tuấn nói thêm.

Chị Lê Thị Thủy (P.Tam Phước) cho biết, những ngày giãn cách chị chọn mua thực phẩm trên mạng là chính. Mỗi lần mua hàng chị phải dạo qua dạo lại 3-5 “chợ” để xem chỗ nào bán rẻ, miễn phí giao hàng.

Theo chị Thủy, việc mua hàng trực tuyến thuận lợi là dễ dàng so sánh giá, không phải ra ngoài nhưng bất tiện là không kiểm tra được chất lượng. Trường hợp người bán độn thêm hàng xấu hơn, cân thiếu 100-200gr phải chấp nhận.

“Mặc dù đã tham khảo rất kỹ nhưng nhiều khi tôi cũng mua “hớ”. Mua ở chỗ này xong mới thấy chỗ khác bán rẻ hơn tới. Lại có lần tôi mua của người này, nhưng người bán khác giao hàng đến. Sau đó tôi mới biết thì ra có việc người bán “cướp” khách hàng của nhau. Tôi không để lại số điện thoại, địa chỉ trên mạng khi đặt hàng nữa mà chuyển sang nhắn tin” - chị Thủy chia sẻ.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng ghi nhận có biến động giá cả hàng hóa thiết yếu trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Điều này dễ hiểu bởi chi phí giá thành sản xuất như: nguyên liệu, nhân công, phân phối, vận chuyển tăng đã tác động đến mặt bằng giá. Việc nhập khẩu các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm đông lạnh khó khăn hơn trước.

* Nỗ lực bình ổn giá cho người dân

Điểm bán hàng bình ổn giá KP.Long Đức 1, P.Tam Phước mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến. Ở đây có đầy đủ các loại rau củ quả, sống thịt các loại, thủy hải sản. Tất cả mặt hàng các mặt hàng đều được niêm yết giá công khai. Người mua, người bán tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, mở cửa phục vụ đúng giờ.

Bà Trần Thị Thảo, chủ điểm bán hàng này cho biết, hàng hóa được nhập từ nhiều nơi nhưng bà cố gắng liện hệ với các đầu mối để có giá tốt nhất cho người dân. Hiện giá các mặt hàng được giữ ổn định. Chẳng hạn: cá diêu hồng 75 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi heo 150 ngàn đồng/kg, bầu bí 23 ngàn đồng/kg, cà chua 20 ngàn đồng đồng/kg, trứng gà 30 ngàn đồng/chục…

Anh Lê Văn Tuấn (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) mua thực phẩm ở điểm bán hàng bình ổn giá của phường
Anh Lê Văn Tuấn (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) mua thực phẩm ở điểm bán hàng bình ổn giá của phường

Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh cho biết, thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, có xảy ra tình trạng thiếu hàng trong thời gian ngắn, nhích giá do vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Nhưng vài ngày sau, hệ thống Bách hóa Xanh đã hoạt động ổn định trở lại, nguồn cung ứng dồi dào, giá cả ổn định. Tại các điểm bán cố định lẫn kênh bán hàng trực tuyến, Bách hóa Xanh thực hiện niêm yết giá công khai, cam kết bán hàng bình ổn giá.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, để kiểm soát và duy trì giá cả các mặt hàng, từ đầu tháng 7, đơn vị triển khai nhiều giải pháp như: Yêu cầu các đội QLTT kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa; lập đường dây nóng (0251.3822242) và duy trì trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân liên quan các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá; buộc các đội QLTT cập nhật và báo cáo giá thị trường 2 lần/ngày (9 giờ và 15 giờ) để kịp thời nắm bắt diễn biến thị trường…

Ông Trần Quang Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục QLTT Đồng Nai cho rằng, hiện có rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng bình ổn giá của địa phương, cá nhân, các đoàn thể tham gia bán hàng bình ổn giá, nguồn cung dồi dào nên thị trường hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định, được kiểm soát. Tuy nhiên, với các giao dịch mua bán giữa cá nhân với cá nhân trên nhóm, chợ online việc quản lý hàng hóa, giá cả vô cùng khó khăn, người mua dễ gặp rủi ro.

Ông Khải khuyến cáo người dân mua hàng ở các điểm bán công khai, có đăng ký với cơ quan chức năng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu đánh giá của người mua trước, thông tin người bán. Không nên mua ở những fanpage, nhóm không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, không công khai giá bán.

“Đồng Nai hiện có hơn 270 điểm bán hàng thiết yếu bình ổn giá; gần 230 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống Bách hóa Xanh, Vinmart+, Co.opFood, Porkshop đang hoạt động. Các cửa hàng, điểm bán đảm bảo nguồn cung, cam kết bình ổn giá. Các đội QLTT duy trì kiểm tra, trực đường dây nóng thường xuyên. Người tiêu dùng phát hiện các cửa hàng, điểm bán hàng nào bán cao hơn với giá niêm yết hoặc chênh lệch nhiều so với giá thị trường gọi điện vào số đường dây nóng của Cục QLTT hoặc Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh” - ông Khải thông tin.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích