Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã đóng góp nhiều công sức trong việc kết nối cộng đồng nhằm bảo vệ thiên nhiên, hướng đến giáo dục môi trường.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã đóng góp nhiều công sức trong việc kết nối cộng đồng nhằm bảo vệ thiên nhiên, hướng đến giáo dục môi trường.
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền |
Trong những ngày đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tháng 6-2020, chị Huyền cùng các cộng sự hoạt động phát động chiến dịch Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo, huy động tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân đóng góp vào quỹ trồng rừng để tiếp tục trồng hàng chục ngàn cây gỗ quý tại nhiều địa phương.
Góp một cây là góp rừng
* Thời gian này, chị và các cộng sự trong nhóm đang thực hiện các chương trình trồng rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Chị có thể cho biết công việc này được bắt đầu như thế nào?
- Nhận thấy trồng rừng là một giải pháp hiệu quả, khẩn thiết nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng tôi bắt đầu các dự án trồng rừng từ giữa năm 2019 và phát động chương trình Góp một cây là góp rừng vào tháng 1-2020.
Chị ĐỖ THỊ THANH HUYỀN có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là giáo dục truyền thông môi trường tại Việt Nam; làm việc và tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam như: WWF, Plan, WAR, GIZ... Chị đã có gần 20 ấn phẩm về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn biển tại Việt Nam. |
Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều người vào tháng 3-2020 khi xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong khu vực. Do vậy, việc trồng rừng sẽ góp phần chống xâm nhập mặn và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, tạo nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, từ đó bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và cuộc sống của người dân.
Sau khi được sự chấp thuận từ địa phương, trong năm 2020, chúng tôi đã phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để chuyển hóa thành rừng cho 50ha bãi bồi vùng lõi Vườn quốc gia mũi Cà Mau. Loài cây được trồng là cây mắm trắng và mắm đen (Avicennia alba sp.) Đây là những loài cây tiên phong của các khu rừng ngập mặn.
Kết quả này đạt được nhờ ủng hộ từ hơn 6,5 ngàn đơn vị, cá nhân trong cộng đồng với 185 ngàn cây mắm được trồng trong 50ha nói trên. Thông qua Gaia, mỗi người có thể góp một cây là góp rừng, tham gia trồng và giám sát rừng cộng đồng, ai cũng có thể cập nhật thông tin khu rừng trồng hằng năm.
* Ngoài Cà Mau, việc trồng rừng của trung tâm cũng như các đối tác, tình nguyện viên đã có những kết quả đáng kể gì ở các địa phương khác?
- Chúng tôi tập trung vào các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên vì đây là những khu rừng đầu nguồn, có chức năng sinh thái rất quan trọng, nơi dự trữ những nguồn gen quan trọng, nhưng các giá trị đa dạng sinh học thì lại đang bị tổn thất ở nhiều nơi.
Sau Cà Mau, chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều dự án trồng cây, trồng rừng khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa… Trong tháng 7 vừa qua, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chúng tôi đã phối hợp trồng xong 2 ngàn cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4ha, góp phần làm giàu thêm cho chất lượng rừng.
* Chị vừa nhắc đến trồng rừng ở Đồng Nai, vì sao nơi đây được lựa chọn?
- Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, rừng Đồng Nai còn là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam.
Chuẩn bị cây gỗ để trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai |
Chúng tôi tâm niệm việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động thực vật hoang dã và do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá thế giới thì có lẽ phục hồi thiên nhiên cũng là một trong những giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo.
Muốn phục hồi thiên nhiên, không chỉ trồng rừng mà còn cần các giải pháp dài hạn, tổng thể. Hãy ngừng việc ăn uống, săn bắt, khai thác loài nguy cấp, tạo lại sinh cảnh cho loài, thực thi pháp luật, bổ sung chính sách quản lý rừng một cách tốt hơn. Tôi, bạn hãy cùng đồng hành với nhau, chúng ta có thể góp phần thay đổi tình hình theo hướng tốt hơn. Góp một cây là góp rừng và cũng góp phần bảo vệ cuộc sống con người, thiên nhiên hoang dã.
Giáo dục môi trường là con đường lâu dài
* Để có nguồn lực cho trồng rừng, chị và Gaia đã thành lập quỹ và vận động doanh nghiệp (DN), người dân đóng góp. Giải pháp này về lâu dài có hiệu quả ra sao?
- Chúng tôi kêu gọi mọi người, nhất là DN đóng góp vào quỹ trồng rừng và thực tế cho thấy cách làm này đang tạo ra hiệu quả cho cộng đồng.
Không chỉ góp tiền mặt để mua cây giống trồng rừng mà nhiều DN cùng phối hợp khi cho nhân viên của mình tham gia trải nghiệm việc trồng rừng. Như thế mọi người cảm thấy có trách nhiệm hơn, sử dụng tiền của chính mình để tham gia vào công việc tập thể, vừa có thể cảm nhận, lắng nghe được nhiều câu chuyện về rừng và thế là động lực cũng vì thế mà tăng lên.
Bây giờ, Gaia đã có mạng lưới phát triển sau vài năm hoạt động và cũng đã có thể vận động quỹ quốc tế nhưng mục tiêu sâu xa là vẫn làm sao để cộng đồng tham gia được ngày càng nhiều càng tốt. Khi một bộ phận người dân, DN nhận thức được trách nhiệm của mình thì sẽ có tác động đến toàn bộ cộng đồng.
Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia được chị Đỗ Thị Thanh Huyền sáng lập từ năm 2016 để thực hiện các chương trình trồng rừng khôi phục hệ sinh thái, tổ chức các hoạt động trại, trải nghiệm thiên nhiên cho nhiều DN, trường học, giới trẻ, các gia đình, nâng cao năng lực giáo dục môi trường. Gaia đã làm việc với hơn 100 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, sinh thái trong nâng cao năng lực giáo dục môi trường... |
* Việc “giáo dục môi trường” như mục tiêu mà Gaia hướng tới không phải là điều dễ dàng?
- Hẳn nhiên là vậy, trồng rừng chỉ là mới một phần trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên cho thế hệ sau. Nhiều năm tham gia lĩnh vực này, bản thân tôi đã thực hiện nhiều các dự án, chương trình giáo dục truyền cảm hứng yêu thiên nhiên cho mọi người, thiết kế các khóa học bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trong các trường học…
Bảo vệ thiên nhiên là vấn đề toàn cầu hiện nay, các quốc gia lớn nhỏ đều rất quan tâm. Nhưng để bắt đầu thì lại phải tự thân chính cộng đồng bản địa, vì thế việc giáo dục dựa trên môi trường địa phương cùng những chính sách của chính quyền là rất quan trọng. Do vậy, một trong những phương châm của Gaia là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.
Điều may mắn là cho tới hiện nay, dù là tổ chức nhỏ, nhân sự ít nhưng Gaia có được hỗ trợ quý báu của mạng lưới hơn 200 tình nguyện viên tại các địa phương, đa số đều là những người có chuyên môn khác nhau đang làm việc khác nhau ngoài xã hội. Cùng với nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu của mình. Ở ngoài kia còn rất nhiều việc phải làm.
* Nhà nước có vai trò như thế nào đối với vấn đề này?
- Địa phương nào cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường nói chung, trồng rừng nói riêng, nhưng thực tế nếu chỉ từ nguồn lực của Nhà nước không thì chưa đủ. Suốt thời gian dài rừng bị tàn phá và việc phục hồi hiện đang rất khó khăn. Nhu cầu trồng rừng vẫn còn rất lớn, mọi người cùng làm sẽ nhanh hơn.
Nhà nước đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ rừng quốc gia, nhưng tôi nghĩ đây cũng là việc chung của tất cả mọi người. Vai trò của Nhà nước ở đây là làm đúng và nghiêm minh trong quản lý, thực thi pháp luật về bảo vệ rừng. Các tổ chức, DN và cộng đồng dân cư có trách nhiệm chung trong bảo vệ môi trường bởi nó cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta mà trồng rừng tự nhiên là công việc ai cũng có thể làm được.
* Xin cảm ơn chị!
Vương Thế (thực hiện)