Từ ngày 20-9, Đồng Nai bắt đầu thực hiện kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng dịch trong tình hình mới. Hơn 100 xã, phường "vùng xanh" đã được nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp (DN) sau một thời gian tạm dừng sản xuất đã "lên dây cót" để quay trở lại hoạt động…
Từ ngày 20-9, Đồng Nai bắt đầu thực hiện kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng dịch trong tình hình mới. Hơn 100 xã, phường “vùng xanh” đã được nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp (DN) sau một thời gian tạm dừng sản xuất đã “lên dây cót” để quay trở lại hoạt động…
Khám sàng lọc cho người có biểu hiện bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai |
Tuy nhiên, trong những ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 vẫn tiếp tục ở mức cao, ghi nhận một số ca nhiễm ngoài cộng đồng với nhiều nguồn lây khác nhau, trong đó có những ca chưa điều tra được nguồn lây. Do vậy, phòng dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu tối thượng thời điểm này.
* Chủ động phòng dịch trong tình huống xấu hơn
Toàn tỉnh hiện có hơn 42,5 ngàn ca mắc Covid-19. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng mới đây đã ký ban hành phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi trên địa bàn tỉnh có 50 ngàn ca mắc Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh và một số biện pháp khác để siết chặt quản lý việc thực hiện giãn cách. Đề xuất Chủ tịch nước hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu cần thiết) và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đối với tình trạng khẩn cấp theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp của Quốc hội. Đồng thời thông báo mức cảnh báo mức cao nhất đối với cộng đồng.
Đối với công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, trong thời gian tới, ngoài những người từ 18 tuổi trở lên thuộc diện tiêm chủng, UBND tỉnh sẽ mở rộng thêm đối tượng tiêm vaccine là trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sau khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế. |
Về công tác chuyên môn, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, ngành sẽ tiếp tục chủ trì triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, các ổ dịch có số ca mắc lớn, lây lan nhanh như cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, nhà trọ… để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, các khu vực đông người. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính trong cộng đồng, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát dịch trên phạm vi rộng.
Tổ chức cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú trên phạm vi toàn tỉnh. Chuyển dần công năng của các cơ sở cách ly tập trung F1 thành cơ sở cách ly theo dõi, điều trị F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ do huyện, thành phố quản lý. Chỉ giữ lại một số cơ sở để cách ly các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào địa bàn được kiểm soát chặt chẽ hơn. Kiểm dịch và xử lý y tế đối với người, phương tiện ra vào tỉnh và các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao trong tỉnh. Giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu cảng để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập hoặc xuất cảnh. Trực đường dây nóng 24/24 giờ, huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, lực lượng vũ trang tham gia chống dịch. Tăng cường hoạt động của các đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh; thiết lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, trong tổng số hơn 42,5 ngàn bệnh nhân mắc Covid-19, hiện có khoảng hơn 21 ngàn bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại các tầng của tháp điều trị. Trong trường hợp số ca nhiễm Covid-19 trong tỉnh lên mức 50 ngàn ca, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ gặp phải nhiều áp lực nhưng ngành Y tế sẽ nỗ lực để hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
“Theo thống kê của tỉnh, số ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm tỷ lệ 1,8%, số ca mức độ vừa chiếm 14,6%, số ca mức độ nhẹ và không triệu chứng chiếm 83,6%. Như vậy, với 50 ngàn ca bệnh Covid-19, ước tính sẽ có khoảng 900 ca bệnh nặng và nguy kịch điều trị ở tầng 3; hơn 7,3 ngàn bệnh nhân mức độ vừa điều trị ở tầng 2; 41,8 ngàn bệnh nhân mức độ nhẹ và không triệu chứng điều trị ở tầng 1. Những F0 có kết quả xét nghiệm RT-PCR với tải lượng virus thấp dưới 30 sẽ cho cách ly điều trị tại nhà có kiểm soát” - TS-BS Phan Huy Anh Vũ chia sẻ.
* Triển khai thêm giường điều trị
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, đến thời điểm này, các huyện, thành phố đã triển khai 38 khu cách ly theo dõi y tế đối với F0 không triệu chứng với tổng số 14 ngàn giường. Các khu cách ly này sẽ được bổ sung cán bộ y tế, thuốc, vật tư, thiết bị y tế, oxy… và sắp xếp lại để tổ chức thành các khu điều trị F0 không có triệu chứng (là những F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà) và mức độ nhẹ.
Từ ngày 22 đến 29-9, Đồng Nai thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với 100% người dân tại khu phố/ấp có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và nguy cơ cao (vùng cam). Mỗi người dân được lấy mẫu 6 lần. Lần 1, 2, 3 từ ngày 22 đến 24-9, lần 4, 5, 6 từ ngày 27 đến 29-9. Mục đích nhằm sớm phát hiện ca F0 để đưa đi cách ly, điều trị, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. |
Mới đây, khu cách ly F0 tại trang trại Hồng Gấm thuộc H.Xuân Lộc với quy mô 3 ngàn giường bệnh đã được đưa vào sử dụng, nâng tổng số giường điều trị F0 của tầng 1 lên 17 ngàn giường, đảm bảo đủ số giường theo kế hoạch.
Ở tầng 2, hiện có 10 bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, Bệnh viện Phổi Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đang tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mức độ vừa với tổng số 6.111 giường.
Khi tỉnh có 50 ngàn ca bệnh Covid-19, tỉnh cần phải triển khai thêm 2.074 giường ở tầng 2 của tháp điều trị. Bao gồm các trung tâm y tế: H.Trảng Bom 80 giường, Xuân Lộc 100 giường, Cẩm Mỹ 76 giường, Tân Phú 60 giường, Nhơn Trạch 60 giường, Vĩnh Cửu 92 giường; Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 300 giường; Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh 340 giường; Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán 148 giường; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai 256 giường; Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai 20 giường; Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai 68 giường; Bệnh viện Tâm Hồng Phước 22 giường; Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai 30 giường; Bệnh viện Âu Cơ 22 giường; Bệnh viện Đồng Nai-2 320 giường; Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark 80 giường.
Ở tầng 3 của tháp điều trị, ngoài 320 giường đã triển khai ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tỉnh sẽ triển khai thêm 660 giường hồi sức tích cực Covid-19 tại bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh.
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, bệnh viện vừa đưa vào sử dụng thêm 75 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với trang thiết bị, máy móc khá đầy đủ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án để đáp ứng với tất cả các tình huống dù là xấu nhất, đảm bảo cơ số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Chúng tôi hy vọng sẽ không phải hoạt động nhiều ở khu vực này, mong sao có càng ít bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị càng tốt” - TS-BS Phạm Văn Dũng tâm sự.
* Tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Những ngày gần đây, trong tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 có lịch sử đi khám, chữa bệnh, cấp cứu tại một số bệnh viện trong tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark. Không ít trường hợp sau khi đi về từ bệnh viện bị nhiễm bệnh đã lây cho nhiều người khác trong gia đình dẫn đến ổ dịch.
Xét nghiệm Covid-19 diện rộng cho người dân trong vùng nguy cơ |
Về vấn đề này, trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh gần đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp phân luồng, sàng lọc tại các bệnh viện để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Đối với những trường hợp sản phụ đi sinh về bị nhiễm Covid-19, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và điều kiện của gia đình có thể cho cách ly, điều trị tại nhà để chăm sóc cả mẹ và em bé, đảm bảo không để lây nhiễm chéo.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với các địa phương trong tỉnh, hằng ngày cung cấp danh sách bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện xuất viện để các địa phương quản lý. Với tất cả người đi về từ các bệnh viện, các địa phương tiến hành quản lý như người về từ “vùng đỏ”, thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày, khi nào đảm bảo các yêu cầu cần thiết mới được phép tiếp xúc, sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng và bố trí phòng khám riêng đối với người có triệu chứng của bệnh đường hô hấp, người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, đảm bảo không đi ngang qua các phòng khám khác và khu vực đông người. Sử dụng test nhanh để sàng lọc, nếu test nhanh dương tính thì đưa vào khu vực cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Nếu kết quả PCR dương tính thì phân loại F0 và chuyển đến tầng điều trị tương ứng hoặc đưa vào khoa, bộ phận điều trị Covid-19 của cơ sở y tế. Đồng thời thông báo đến trung tâm y tế huyện, thành phố để tiến hành điều tra dịch tễ, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định.
Các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan, không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, phải thường xuyên đánh giá mức độ an toàn trên bản đồ an toàn chống dịch.
Hạnh Dung
Phó thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM:
Đồng Nai cố gắng kiểm soát dịch bệnh để trở lại trạng thái “bình thường mới”
Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do chưa tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên nên việc nới lỏng giãn cách xã hội phải thực hiện thận trọng, từng bước một, đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn. Việc giãn cách xã hội là cực chẳng đã mới phải làm nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Tỉnh Đồng Nai cần tranh thủ thời gian đang tiếp tục giãn cách để phân loại các vùng nguy cơ và có biện pháp kiểm soát cho từng vùng, cố gắng giữ thật chặt “vùng xanh”, nếu có ca bệnh thì khoanh vùng, cách ly, xử lý, điều trị gọn, sớm đưa người dân trở về trạng thái “bình thường mới”, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội…
Ông LÊ NHẬT TRƯỜNG, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom):
Công ty chưa hoạt động trở lại
Chị TRƯƠNG THỊ NĂM (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):
Mong sao các con sớm được đến trường
2 vợ chồng tôi đã phải tạm ngưng việc làm gần 3 tháng nay do dịch bệnh, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được tính theo mức lương cơ bản. Vừa qua khi nghe thông tin tỉnh nới lỏng giãn cách ở những “vùng xanh”, gia đình tôi rất mừng. Tuy nhiên, khu vực nơi tôi sinh sống đang thuộc “vùng cam” nên vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để có thể đi làm trở lại, các con được đến trường, không phải học online như gần 2 tuần nay.
An Yên (ghi)