Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động thất nghiệp cần một "điểm tựa" vững vàng

08:09, 24/09/2021

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh thất nghiệp do doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc giảm lao động.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh thất nghiệp do doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc giảm lao động.

Lao động thất nghiệp dành phần lớn thời gian cho các con tại các khu nhà trọ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: L.MAI
Lao động thất nghiệp dành phần lớn thời gian cho các con tại các khu nhà trọ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: L.MAI

Nhiều lao động đang gặp khó khăn trong cuộc sống và mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để tìm được công việc mới, đảm bảo thu nhập.

* NLĐ chật vật với cuộc sống

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong 8 tháng năm 2021, có trên 32 ngàn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó lao động phổ thông làm việc ở các DN chiếm phần lớn. Nguyên nhân thất nghiệp do DN phá sản, giải thể, thay đổi cơ cấu, NLĐ hết hạn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, bị kỷ luật, sa thải…

Theo đánh giá của Cục Việc làm Bộ LĐ-TBXH, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm. Đáng quan ngại hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng nhanh chóng. Trong tổng số 12,8 triệu NLĐ bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 557 ngàn người bị mất việc. Bộ LĐ-TBXH đề xuất với Chính phủ dành 3-5 ngàn tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.

Chị Trần Thị Hạnh (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây chị làm việc tại DN gỗ ở P.Tam Phước với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Từ đầu tháng 5, công ty gặp khó khăn về hàng hóa nên đã giảm bớt lao động, chị là một trong những lao động bị nghỉ việc trong đợt đó. Sau khi nghỉ việc, do dịch bệnh nên chị không xin được việc làm mới.

“Khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ giúp gia đình tôi xoay xở được gần 2 tháng trong khi tiền tích lũy cũng cạn dần. Nếu không có chính quyền địa phương hỗ trợ thêm thực phẩm, có lẽ gia đình không trụ lại được. Chỉ mong dịch bệnh được khống chế sớm để có việc làm, thu nhập ổn định trang trải cuộc sống xa quê” - chị Hạnh bày tỏ.

Anh Trần Văn Hậu, làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Dona Quế Bằng (H.Vĩnh Cửu) cũng nghỉ việc từ tháng 6 do dịch bệnh Covid-19. Do anh Hậu mới vào làm việc ở công ty đầu năm 2021 nên chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Anh Hậu cho biết, trong suốt hơn 2 tháng ở trong phòng trọ tại xã Thạnh Phú, do địa bàn bị cách ly y tế nên cuộc sống anh gặp nhiều khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân và chủ nhà trọ giảm giá thuê trọ nên phần nào giúp anh giảm bớt được áp lực về chi phí sinh hoạt thời gian qua. Anh Hậu chỉ mong sớm xin được công việc mới để cuộc sống dần ổn định.

* Cần giải pháp hỗ trợ NLĐ

Nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chị NGUYỄN THỊ LAN, đang ở trọ tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Tôi cũng như anh chị em công nhân khác chỉ mong được sớm đi làm trở lại. Đi làm mới có thu nhập, cuộc sống ổn định. 2 tháng qua, thật sự cuộc sống của tôi khó khăn vô cùng”.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp không chỉ giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn có thêm nhiều sự lựa chọn hơn khi muốn chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trong những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp không được diễn ra.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, có 475 lao động thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 409 lao động tìm được việc làm mới với những ngành nghề như: lái xe, sửa chữa xe máy, may mặc, tin học, điện công nghiệp… Trong những tháng gần đây, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề buộc phải dừng lại để thực hiện phòng, chống dịch nên NLĐ không được tham gia học nghề. Trong khi về lâu dài, việc hỗ trợ đào tạo nghề sẽ giúp NLĐ có tay nghề vững để dễ dàng tìm được công việc mới.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và lao động thất nghiệp kết nối thông tin tuyển dụng lao động nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới sau giãn cách xã hội, trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến vào cuối tháng 9 tại văn phòng trung tâm. Hình thức tuyển dụng bằng cách kết nối phỏng vấn trực tuyến giữa nhà tuyển dụng và ứng viên tìm việc làm. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí để giúp NLĐ thất nghiệp tìm kiếm được việc làm mới, ổn định cuộc sống. Đối tượng tham gia là NLĐ có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm mới, DN có nhu cầu sử dụng lao động. Trung tâm hỗ trợ đăng ký thông tin hằng ngày qua điện thoại để NLĐ nhanh chóng tìm được việc làm.

Người lao động chắt chiu từng bữa ăn hằng ngày, mong sớm kiểm soát dịch bệnh để trở lại với công việc
Người lao động chắt chiu từng bữa ăn hằng ngày, mong sớm kiểm soát dịch bệnh để trở lại với công việc

“Vào thời điểm này những năm trước, thị trường lao động khá sôi động. Nhưng năm nay, các DN đều lo phòng dịch nên việc tuyển dụng rất hạn chế. Để giúp NLĐ thất nghiệp tìm được việc làm, trung tâm sẽ hỗ trợ hết sức có thể bằng cách tuyển dụng trực tuyến. Trung tâm sẽ cung cấp user, password, địa chỉ phỏng vấn trực tuyến kết nối nhà tuyển dụng với ứng viên thông qua ứng dụng MobiFone. Đây cũng là cách kết nối hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay để NLĐ sớm việc làm, vượt qua khăn để ổn định cuộc sống” - bà Trâm chia sẻ.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của công tác chống dịch. Do vậy, cần có một cuộc khảo sát trên diện rộng về tình hình NLĐ mất việc cũng như nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của NLĐ để hoàn thiện chính sách hỗ trợ phù hợp. Điều cốt lõi là phải dự báo kịp thời về tình hình lao động, việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đó làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung - cầu phù hợp trong tình hình mới.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Cách làm cv online Vieclam24h Tìm việc làm nhanh ở VietnamWorks