Chỉ khoảng trên dưới 400 cây số từ Cà Mau đến Đồng Nai, vậy mà tôi chưa một lần có dịp đến, dù họ hàng xa của tôi có đến mấy mươi năm sinh sống và làm ăn đất này, miệt Long Khánh.
Chỉ khoảng trên dưới 400 cây số từ Cà Mau đến Đồng Nai, vậy mà tôi chưa một lần có dịp đến, dù họ hàng xa của tôi có đến mấy mươi năm sinh sống và làm ăn đất này, miệt Long Khánh.
Nửa đầu tháng 6-2018, tôi xách ba lô “nhảy” xe đò lên Đồng Nai dự trại sáng tác văn học do Tạp chí Văn nghệ Quân đội kết hợp với địa phương tổ chức. Tính đến thời điểm này, đây là lần tôi đi Đồng Nai duy nhất, do tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nên cứ lần lữa hoài mà vẫn chưa trở lại như đã hẹn.
Vấn đề giao thông đi lại trước thời điểm xuất hiện dịch ở các tỉnh, thành đều rất thuận lợi, như từ Cà Mau đến TP.Biên Hòa hay các huyện, thị khác ở Đồng Nai đều đi một chặng, không phải sang xe hay qua nhiều lượt xe khách khác nhau, cho nên cảm giác Đồng Nai quá xa là không có, như từ Cà Mau đi Sài Gòn vậy, chỉ thêm cảm giác chờ chút nữa là đã đến.
Tôi đi xe đêm, xuất phát tại Cà Mau, tầm 4 giờ sáng tôi đã đến Bến xe Đồng Nai tại TP.Biên Hòa. Tôi gọi taxi cứ theo địa chỉ nhà khách 71 theo thư mời của Tạp chí Văn nghệ Quân đội là dễ dàng nhất. Vì đến 14 giờ hôm đó, trại sáng tác mới khai mạc, tôi cứ đinh ninh mình là người “nhập trại” sớm nhất, hóa ra tôi chỉ về nhì, người đến dự trại sớm nhất là nhà văn Hữu Phương - tác giả kịch bản phim Đời cát nổi tiếng một thời.
Dù chỉ mới đến Đồng Nai lần đầu nhưng trong tôi “đi như trở về”; bởi ở đây có Chiến khu Đ - nơi mà mấy mươi năm trước, cha tôi đã cùng đồng đội từng băng rừng lội suối, đầu đội sương đêm chiến đấu với kẻ thù góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Đối với cá nhân tôi, sự xúc động lớn hơn rất nhiều, bởi trong ngày cả trại được tổ chức đưa đi thăm Chiến khu Đ thì tôi phải lặng lẽ trở về Cà Mau để cùng với gia đình tổ chức lễ cúng 49 ngày cho cha tôi, vì trước đó không lâu, ông đã ra đi đúng ngày 30-4 lịch sử...
Lần dự trại ở Đồng Nai này, so với những lần tôi dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trước đó, là rất khác, lần này 25 trại viên là các nhà văn, nhà thơ được tập hợp từ khắp mọi miền, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Chỉ có 15 ngày, từ sơ giao cho đến quen, chưa kịp quá thân, đã đến ngày chia tay trong bùi ngùi...
Đồng Nai đọng mãi trong tôi là xứ Trấn Biên, là dòng La Ngà lịch sử, là cù lao Phố, là xứ bưởi Tân Triều, là thác Giang Điền, là những sắc tím của hoa đậu biếc, là những buổi tối cùng nhau phà phê bên dòng sông Phố thơ mộng... Bao nhiêu cảm xúc với văn chương bỗng tràn về:
...
Lần đầu đưa em về cù lao Phố
Tháng Sáu dang tay ôm trọn nụ cười hồng
Cù lao Phố hay em thơm nồng nhịp thở?
Mai xa rồi...
Chiều tím lục bình lãng mạn ven sông
Con đường nhỏ xõa tóc tràn mắt phố
Giang Điền ơi!
Thác đổ xiêu bóng em gầy
Chân ai bước nghe rưng buồn cơn mưa nhớ
Gội giùm anh môi tình lỡ đang say.
...
Đất và người Đồng Nai nồng hậu, đượm tình; làm cho tôi và nhiều anh chị em nhà văn, nhà thơ khác quyến luyến khi sắp rời xa. Bên chén trà, chung rượu, cứ mãi hẹn nhau ở lần hội ngộ.
Mới hay bên những khu công nghiệp, những công trình vững chắc thì long mạch văn chương nơi này vẫn luôn âm ỉ chảy.
Nhắc thêm, không ai được quyền quên lịch sử. Từ cuối thế kỷ thứ XVII, Nguyễn Hữu Cảnh được xem như người đi mở cõi trời Nam, bắt đầu từ Đồng Nai, Gia Định.
Tôi nợ nơi đây lần trở lại, như thêm chút duyên nữa với xứ Trấn Biên này!
Cà Mau, tháng 6-2021.
Huỳnh Thúy Kiều