Báo Đồng Nai điện tử
En

Người "giữ lửa" đàn nhị

08:06, 11/06/2021

Thông thạo đàn nhị và có vốn hiểu biết sâu sắc về các loại nhạc cụ, thầy giáo Lê Ðại Dương, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Ðồng Nai đã và đang nỗ lực truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò trong và ngoài tỉnh.

Thông thạo đàn nhị và có vốn hiểu biết sâu sắc về các loại nhạc cụ, thầy giáo Lê Ðại Dương, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Ðồng Nai đã và đang nỗ lực truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò trong và ngoài tỉnh.

Thầy giáo Lê Đại Dương (bìa phải) tại lễ trao giải cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2020. Ảnh: Trường trung cấp VHNT Đồng Nai
Thầy giáo Lê Đại Dương (bìa phải) tại lễ trao giải cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2020. Ảnh: Trường trung cấp VHNT Đồng Nai

Với mong muốn người trẻ hôm nay sẽ tiếp tục gìn giữ, tiếp nối mạch nguồn âm nhạc dân tộc, thầy Dương đã tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra nhiều bài, bản nhạc mới, đưa đàn nhị phù hợp với đời sống đương đại.

* Say mê với đàn nhị...

Thầy giáo Lê Ðại Dương chia sẻ, anh may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, cha anh rất am hiểu và chơi thông thạo bộ môn đàn nhị. Có lẽ vậy, từ lúc còn rất nhỏ, anh đã học được nhiều ngón đàn từ cha.

Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên phải đến khi tốt nghiệp THPT, anh mới bắt đầu học tập đàn nhị một cách chuyên nghiệp tại Nhạc viện TP.HCM, chuyên ngành đàn nhị. Sau đó, anh lại tiếp tục học lên chương trình cao học.

­ Thầy giáo Lê Đại Dương sinh năm 1987, quê Thanh Hóa. Hơn 10 năm đến với nghệ thuật, Lê Đại Dương đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước với kỹ thuật diễn tấu cao. Anh đoạt các huy chương bạc tại cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2014 và 2020; tham gia đệm đàn cho các tài năng trẻ toàn quốc giành huy chương vàng...

“Thời sinh viên, ngoài học trên lớp tôi thường xuyên tham gia các buổi diễn của nhà trường và của các đội nhóm. Ngoài đàn nhị, tôi tập luyện và biểu diễn  thêm đàn bầu, sáo trúc... Mặc dù biết sử dụng nhiều nhạc cụ nhưng mỗi khi kéo đàn nhị, tôi mới thấy đó là tiếng lòng của chính mình. Tâm trạng vui hay buồn đều có thể bộc lộ qua tiếng đàn nhị. Khi chơi, người và đàn nhị hòa làm một” - thầy giáo Lê Ðại Dương nói.

Theo anh, học và dạy đàn nhị không quá khó. Nhưng để trở thành người chơi đàn giỏi và đi biểu diễn được nhiều nơi, ngoài năng khiếu thì điều quan trọng vẫn là đam mê. Chính đam mê giúp anh gắn bó với công việc giảng dạy tại Trường trung cấp VHNT Ðồng Nai 8 năm qua để truyền cảm hứng, tình yêu nhạc cụ đến với những người yêu nghệ thuật. Ðây cũng là khoảng thời gian quý giá để anh phát triển khả năng và mở rộng thể loại cho đàn nhị vốn tưởng chừng chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ của nhạc dân tộc.

Cũng bởi am hiểu đàn nhị và nhiều loại hình âm nhạc khác, thầy giáo Lê Ðại Dương cho rằng, đàn nhị không hòa âm như guitar hay organ. Thanh âm của đàn nhị được ví như như giọng nói, mỗi lần vang lên là kể một câu chuyện, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhiều người nhìn vào đàn nhị họ thường hay nghĩ ngay đến việc đàn sử dụng để chơi nhạc đám, trong khi chưa thấy đàn nhị có thể chơi nhiều loại nhạc khác nhau.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và chơi các bài bản nhạc mới, nhạc indie... bằng đàn nhị. Ðiều đáng mừng là các tác phẩm đều đạt đến độ chuẩn nhất định, giúp người nghe có thể cảm nhận được sự hấp dẫn, tình cảm toát lên từ tiếng lòng của người nghệ sĩ chứ không hề tẻ nhạt. Ðàn nhị cũng có thể sử dụng và chơi được nhiều loại hình âm nhạc khác nhau như: Tuồng, chèo, cải lương, ca huế, nhạc trẻ hay bolero” - thầy giáo Lê Ðại Dương cho hay.

* Ðưa đàn nhị đến gần với cộng đồng

Nhiều lần có cơ hội đi giao lưu ở nước ngoài, anh cảm nhận được tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho con người, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc bởi nó mang hồn cốt của dân tộc. Theo anh, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều người trẻ chưa quan tâm đến lĩnh vực này. Ðây cũng là lý do khiến anh gắn bó và tâm huyết lâu dài với bộ môn nghệ thuật này.

Bằng cách theo đuổi âm nhạc truyền thống thông qua tư duy đương đại, thầy giáo Lê Ðại Dương đã và đang giảng dạy, biểu diễn nhiều tác phẩm mới trên chất liệu và nhạc cụ truyền thống. Tùy theo lứa tuổi, anh lựa chọn cách dạy, cách diễn phù hợp nhằm lôi cuốn mọi người quan tâm, theo dõi.

“Khi đi biểu diễn ở vùng đồng bào dân tộc hay diễn cho người trẻ xem, tôi thường chọn nhạc trẻ và những bài nhạc của Sơn Tùng M-TP, dùng đàn nhị để thể hiện lại. Khi đi biểu diễn phục vụ các đối tượng người lớn tuổi, cựu chiến binh... tôi thường sử dụng các bài dân ca đã được phối khí lại cho đàn nhị. Tôi chỉ mong qua mỗi tiết dạy trên lớp, qua mỗi chương trình nghệ thuật sẽ dần lan tỏa được cái hay, cái đẹp của đàn nhị nói riêng, kho tàng âm nhạc Việt Nam nói chung đến với cộng đồng” - thầy giáo Lê Ðại Dương bộc bạch.

Nhắc đến thầy giáo Lê Ðại Dương, Quyền Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Ðồng Nai Phùng Ngọc Long nhận xét: “Thầy Dương là một trong những giáo viên giỏi của trường, không chỉ giỏi đàn nhị mà còn có thể biểu diễn rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Ðam mê và tâm huyết với nghệ thuật, thầy Dương đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, đoạt được khá nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, hội diễn toàn quốc. Ngoài ra, thầy Dương cũng là gương mặt tiêu biểu đại diện cho nhà trường đi biểu diễn trong các sự kiện lớn của tỉnh. Nhà trường đánh giá cao tài năng cũng như những cống hiến của thầy”.

Ly Na

Tin xem nhiều