Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ Việt ở xứ Hàn vượt khó thời Covid-19

06:05, 14/05/2021

Chị Phạm Hồng Hoa, một cô dâu Việt có mái ấm gia đình hạnh phúc bên chồng và con gái ở tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) thông báo tin không vui về việc có 9 lao động Việt Nam làm vườn trồng cải thảo ở khu vực Pyeongchang, tỉnh Gangwon xác nhận bị nhiễm Covid-19 trong những ngày đầu tháng 5-2021.

Chị Phạm Hồng Hoa, một cô dâu Việt có mái ấm gia đình hạnh phúc bên chồng và con gái ở tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) thông báo tin không vui về việc có 9 lao động Việt Nam làm vườn trồng cải thảo ở khu vực Pyeongchang, tỉnh Gangwon xác nhận bị nhiễm Covid-19 trong những ngày đầu tháng 5-2021.

Chị Phạm Hồng Hoa đăng ảnh gia đình mình trên mạng với khuôn ảnh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam
Chị Phạm Hồng Hoa đăng ảnh gia đình mình trên mạng với khuôn ảnh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam

Chị Hoa cho biết trang tin Finance Today dẫn nguồn từ cơ quan y tế tỉnh Gangwon cho biết có 13 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 9 người là các lao động thời vụ mang quốc tịch Việt Nam (độ tuổi ngoài 40), 2 trường hợp còn lại là dân địa phương. “Đây là những trường hợp hiếm hoi được loan báo có liên quan đến cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc không may bị nhiễm virus trong đại dịch Covid-19 ở nước này” - chị Hoa cho hay.

* Vì sao lại bùng dịch?

 Khi trao đổi với Đồng Nai cuối tuần về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở xứ sở Kim Chi, chị Hồng Hoa thừa nhận Hàn Quốc đã bùng lên các đợt dịch mới trong nửa đầu năm 2021 sau nhiều giai đoạn “tạm bình yên” trong năm 2020. Những ngày trung tuần tháng 5 này, Hàn Quốc trung bình mỗi ngày vẫn phát hiện vài trăm ca nhiễm virus mới (tổng số ca mắc Covid-19 từ trước đến nay xấp xỉ 130 ngàn ca, gần 2 ngàn bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng).

“Sở dĩ Hàn Quốc lại bùng lên đợt Covid-19 mới vì vào mùa xuân trăm hoa khoe sắc, mọi người có thói quen ùa ra ngoài đón tiết trời ấm áp sau mùa đông lạnh giá, cũng như một thời gian dài bị hạn chế ra đường bởi nhiều đợt giãn cách xã hội. Mọi người đi lại, thăm nhau nhiều hơn trong dịp hoa đào nở, rồi vui lễ… nên nguy cơ nhiễm virus tăng lên” - chị Hoa lý giải.

Đáng nói là gần đây, những người không may nhiễm Covid-19 xuất hiện ở nhiều ổ dịch tại thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi, tỉnh Jeonnam, tỉnh Chungcheongnam, thậm chí cả đảo Jeju… Người nhiễm do bị lây ở nhiều nơi chốn sinh hoạt khác nhau: từ các trung tâm học thêm, nhà giữ trẻ, nhân viên sân bay, vận động viên thể thao… Đại dịch bùng phát từ Ấn Độ cũng là một mối lo ngại (một số ít người Hàn từ Ấn Độ hồi hương khi xét nghiệm thì phát hiện nhiễm virus).

* Vượt khó thời Covid

* Xin chị cho biết cuộc sống, việc làm của mình bị ảnh hưởng như thế nào trong thời Covid-19?

- Năm 2020, gia đình tôi sống cảnh “ly tán” khi chồng ở Hàn Quốc, vợ con ở Việt Nam. Còn tại Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ mà tôi có thể bán rau hữu cơ và các mặt hàng sấy khô online để có thu nhập và cho con gái tôi là bé Hạt Dẻ đi học tiếng Việt.

Đúng Ngày Valentine 14-2-2021, tôi và bé Hạt Dẻ bay sang lại Hàn Quốc đoàn tụ. Hai mẹ con xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định. Dù thu nhập hiện tại không được như trước khi dịch bệnh xảy ra, nhưng chúng tôi cũng không quá buồn phiền vì khó khăn là tình hình chung.

Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình môt cách nhẫn nại, cần cù. Tôi cố gắng làm tốt công việc để giữ nguồn thu nhập lo cho con ăn học. Ngoài bán hàng mỹ phẩm, hồng sâm qua mạng, mới đây tôi vừa xin được thêm một công việc rất thú vị nữa là làm tư vấn viên của CLB Sách Woonjin (Woonjin Book Club).

* Chị có thể chia sẻ rõ hơn công việc mới mẻ này trong thời Covid-19?

- CLB Sách Woonjin thuộc mảng giáo dục của tập đoàn cùng tên, nay mở rộng thị trường hướng đến các gia đình đa văn hóa (những gia đình có chồng là người Hàn lấy vợ nước ngoài) với mục tiêu cộng đồng là rút ngắn khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa con gia đình đa văn hóa và gia đình bản xứ.

Tôi là người quảng bá sách và cổ vũ văn hóa đọc, giúp giới thiệu sách hay đến các phụ huynh, cũng như đồng hành cùng họ trong quá trình chơi và đọc sách cùng con trẻ, giúp cha mẹ chọn sách phù hợp với chương trình học ở trường cho con đọc thêm. Để làm tốt việc này, tôi phải đọc ít nhất 2 quyển sách/ngày - quả thật vừa hợp niềm yêu thích đọc sách của tôi lẫn hợp thời gian hạn chế đi lại vì Covid-19.

* Trẻ em Hàn quốc như con của chị đi học trong thời Covid-19 ra sao, thưa chị?

- Các cháu gặp khó khăn là phải đeo khẩu trang suốt giờ học. Ba mẹ thì cũng có phần “phập phồng lo lắng”. Bù lại, các cháu được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Mỗi buổi sáng, người mẹ như tôi phải cập nhật tình trạng sức khỏe của con vào phần mềm theo dõi sức khỏe học sinh của Bộ Giáo dục Hàn Quốc qua điện thoại.

* Vẫn phải vui sống

* Về phía gia đình bên chồng của chị thì sao?

- Cuộc sống vẫn phải diễn ra thôi (cười). Mọi người Hàn đeo khẩu trang để tiếp tục làm việc và duy trì cuộc sống. Anh Yoo chồng tôi thì may mắn vẫn có việc làm trong nhà máy chế tạo xe hơi với đức tính siêng năng, chịu khó. Dù thu nhập có giảm nhưng cũng được chính phủ hỗ trợ “gói khắc phục ảnh hưởng từ Covid-19” nên đỡ được phần nào hay phần đó.

Thời gian này chồng tôi cũng chịu khó đưa đón con đến lớp học tiếng Việt và anh ấy cũng tham gia học luôn. Vừa chăm sóc, gắn bó với bé Hạt Dẻ, vừa học thêm được ngôn ngữ tiếng Việt. Anh Yoo an ủi với tôi là “Covid-19 là vấn nạn của toàn cầu, ai cũng gặp khó cần vượt qua”. Anh ấy “rất mong cả gia đình được tiêm vaccine ngừa Covid-19 rồi cùng sang lại Việt Nam thăm mẹ vợ tuổi đã cao”.

* Chị có dự đoán hay mong đợi gì trong nửa cuối năm 2021?

- Hàn Quốc đã và đang tiến hành việc tiêm vaccine, khởi đầu cho đối tượng ưu tiên và người cao tuổi. Hy vọng rằng, sau khi toàn dân được tiêm vaccine thì sẽ đẩy lùi hoàn toàn được Covid-19. Khi đó mọi người sẽ thoải mái tâm lý khi sinh hoạt đời thường, đi làm, đưa con đi học… Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi nhất, vào mùa thu tới Hàn Quốc có thể mở cửa trở lại đón du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp xứ sở này trong tiết trời thu lãng mạn và quyến rũ.

* Xin cảm ơn chị!

Cộng đồng người Việt nhiều nỗ lực

Bên trong lớp học tiếng Việt tại Trung tâm Đa văn hóa TP.Dangjin, tỉnh Chungcheongnam thời Covid-19. Ảnh: Hồng Hoa
Bên trong lớp học tiếng Việt tại Trung tâm Đa văn hóa TP.Dangjin, tỉnh Chungcheongnam thời Covid-19. Ảnh: Hồng Hoa

Chị Phạm Hồng Hoa cho biết: “Cuộc sống của cộng đồng người Việt, các cô dâu Việt ở Hàn Quốc nhìn chung vẫn diễn ra bình thường, hầu như không ai rơi vào khó khăn đến bế tắc trong thời gian qua. Nhờ vốn sẵn thói quen chi tiêu cơ bản, biết dành dụm tiết kiệm “phòng thân”, biết chọn mua lương thực và nhu yếu phẩm giá cả hợp lý nhất, cộng với phần trợ cấp thêm từ chính phủ thì đa phần mọi người gốc Việt ở Hàn không gặp túng thiếu ngặt nghèo, dù cũng chưa thể gọi là dư giả.

Đặc biệt nhiều phụ nữ Việt sang Hàn Quốc lao động rất siêng năng chăm chỉ, không đầu hàng thử thách. Họ chỉ gặp thiệt thòi là kinh tế sa sút dẫn đến thu nhập ít lại, suất ăn trưa tại một số công xưởng tư nhân được biết là “chưa đủ về lượng và chất” cho chị em.

Nhiều “cô dâu Việt” năng động, biết tự kinh doanh và vẫn buôn bán bình thường. Nhiều chị em trong thời gian Covid-19 chịu khó làm việc trong lĩnh vực văn hóa phục vụ cộng đồng người đồng hương như: chị Phan Thị Phí mở lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em từ mầm non đến bậc tiểu học, chị Lê Thị Kim Dung phụ trách phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng gia đình Hàn - Việt ở Woonjin Book Club…”.

Long Khánh (thực hiện)

Tin xem nhiều