Những "ngọn lửa" STEM robotics đang dần được nhen nhóm trong các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, để hoạt động STEM này phát triển, lan tỏa thì vẫn cần có nhiều "chất xúc tác" hơn nữa.
Những “ngọn lửa” STEM robotics đang dần được nhen nhóm trong các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, để hoạt động STEM này phát triển, lan tỏa thì vẫn cần có nhiều “chất xúc tác” hơn nữa.
Ảnh trên: Học sinh tham gia giao lưu các CLB robotics tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Biên Hòa (tháng 4-2021) |
Ra đời được 1 năm nay, những CLB STEM robotics còn khá mới mẻ nhưng đã thực sự tạo được sức hút với những học trò đam mê lĩnh vực robotics.
* Những CLB robotics đầu tiên
Mới đây, tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Thanh Bình) đã diễn ra buổi giao lưu giữa CLB STEM robotics Biên Hòa với chủ đề Chung tay đánh bay Covid. Chương trình giao lưu có sự tham dự của 12 đội tuyển của 8 trường tiểu học, 6 đội tuyển của 2 trường THCS và 1 trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Đây là các CLB robotics đầu tiên trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Thông qua các nội dung hoạt động trong CLB robotics, học sinh có thể phát triển được tư duy logic và dần làm chủ công nghệ robot. Cụ thể như qua việc lắp ráp bộ dụng cụ Lego để tạo thành mô hình robot, học sinh được trau dồi kiến thức vật lý; thông qua việc lập trình cho robot, học sinh phát triển được tư duy toán học, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, học sinh còn phát triển được các kỹ năng khác như: thuyết trình, làm việc nhóm… |
Đầu năm học 2020-2021, Trường tiểu học An Hảo (P.An Bình) tổ chức hoạt động ngoại khóa kỹ sư tài năng cho các học sinh tham gia. Theo đó, trường mua thiết bị, mời giáo viên có kinh nghiệm từ TP.HCM về hướng dẫn cho học sinh tham gia trải nghiệm STEM robotics trong 2 tháng (mỗi tuần một buổi).
Ngoài học sinh của trường, lớp học ngoại khóa này còn có sự tham gia của học sinh một số trường trên địa bàn TP.Biên Hòa. Sau 2 tháng trải nghiệm, Trường tiểu học An Hảo đã tổ chức ngày hội STEM robotics với sự tham gia của nhiều CLB từ các trường tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Đào, giáo viên phụ trách CLB Robotics Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (P.Bình Đa) chia sẻ: “Trường chúng tôi có 8 học sinh tham gia khóa học này, thành lập được 2 đội tuyển để thi đấu trong ngày hội STEM. Học sinh tham gia hoạt động này đều rất hào hứng. Nội dung trải nghiệm robotics cũng không khó với học sinh tiểu học. Các em chủ yếu làm quen với việc lắp ráp mô hình, điều khiển robot, một số em có thể viết được các câu lệnh lập trình cho robot”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền, phụ huynh em Vũ Nguyễn Thiên Bảo (lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: “Bé nhà mình có đam mê lập trình Java từ trước nên khi biết thông tin về CLB robotics mình cho con tham gia ngay. Con luôn trông chờ tới chủ nhật để được tham gia lớp học robotics. Hôm trước tổ chức giao lưu các CLB robotics ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, mình thấy cũng có nhiều phụ huynh quan tâm, hỏi thăm để con họ tham gia”.
* Mong muốn lan tỏa
Là người đưa hoạt động STEM robotics vào trường học, cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hảo chia sẻ: “Tôi xem trên truyền hình, đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và được biết học sinh một số tỉnh, thành đã được tiếp cận với robotics từ 10 năm nay nhưng học sinh của mình vẫn chưa được tiếp cận. Vì vậy, tôi muốn thử triển khai hoạt động này và đã có nhiều trường đồng hành. Cho học sinh trải nghiệm rồi mới thấy, các con làm được nhiều hơn là mình nghĩ”.
Robotics là một trong các hoạt động của giáo dục STEM đang được ngành Giáo dục khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, vì chi phí cho hoạt động này khá cao nên hiện nay các CLB robotics vẫn chủ yếu phát triển bên ngoài trường học, có thu phí. Một số trường đại học cũng mở các CLB robotics thu hút học sinh phổ thông tham gia. |
Từ thành công bước đầu đó, Trường tiểu học An Hảo dự định sẽ tiếp tục triển khai trong dịp hè hoặc vào đầu năm học tới.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền cũng có cùng mong muốn lan tỏa hoạt động của các CLB robotics để ngày càng nhiều học sinh tham gia. Chị Hiền cho hay: “STEM robotics ở Biên Hòa vẫn còn mới mẻ quá. Mong sao có nhiều sân chơi bổ ích cho các con tham gia”. Cũng theo chị Hiền, hiện nay, vẫn còn rất nhiều phụ huynh quá chú trọng ép con học các môn văn hóa mà bỏ quên các hoạt động nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng sống.
Thầy Nguyễn Viết Trung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những chủ nhiệm CLB robotics ở TP.Biên Hòa. Thầy Trung thừa nhận, hoạt động của các CLB robotics còn non trẻ, bản thân giáo viên phụ trách các CLB này cũng phải “vừa đi vừa dò đường”. Theo đó, giáo viên phải bắt tay vào làm trước rồi mới hướng dẫn lại cho học sinh được.
Về nội dung, STEM robotics chia thành nhiều mức độ, từ cơ bản đến nâng cao: nhận biết (các thiết bị, linh kiện, mạch…); lắp ráp theo mẫu có sẵn, lắp theo ý tưởng bản thân; cài đặt ứng dụng để điều khiển; lập trình cảm biến (chạy theo vạch)… Học sinh phải trải nghiệm tuần tự từng module và thông qua quá trình đó để tự hình thành kiến thức, kinh nghiệm.
Theo thầy Trung, để phát triển các CLB robotics trong nhà trường thì cần phải tiến hành xã hội hóa bởi chi phí đầu tư cho các bộ thiết bị robotics là khá lớn. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, việc phát triển CLB robotics trong trường học còn có những khó khăn như: phụ huynh vẫn chủ yếu tập trung vào các môn phục vụ thi cử sau này mà chưa chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa; phải đầu tư nhiều về thời gian (tuy là hoạt động ngoại khóa nhưng đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc); cần kết nối được đội ngũ giáo viên tâm huyết, đam mê lĩnh vực robotics…
Hải Yến