Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào như: sắt, thép, xi măng, thức ăn gia súc… đều lần lượt tăng giá. Đặc biệt, giá xăng dầu liên tục ở mức cao, có thời điểm lập kỷ lục trong vòng 1 năm qua. Điều này gây ra áp lực rất lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp…
Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào như: sắt, thép, xi măng, thức ăn gia súc… đều lần lượt tăng giá. Đặc biệt, giá xăng dầu liên tục ở mức cao, có thời điểm lập kỷ lục trong vòng 1 năm qua. Điều này gây ra áp lực rất lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp…
Giá bán lẻ xăng tiếp tục tăng trong đợt điều chỉnh giá gần nhất vào cuối tháng 4-2021. Ảnh: Lam Phương |
* Giá nhiều mặt hàng tăng cao
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, có 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm đồ uống có chỉ số giá tăng 0,09%; nhóm may mặc, mũ, giày dép tăng 0,27%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%. Đặc biệt, nhóm giao thông có chỉ số tăng cao nhất trong tháng 3 với mức tăng 0,93% so với tháng trước, chủ yếu do tác động của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu bởi ảnh hưởng từ giá dầu thế giới làm cho chỉ số nhóm nhiên liệu trong tháng 4 tăng 1,86% so với tháng trước… So với thời điểm cuối tháng 12-2020, có 8/11 nhóm mặt hàng có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 7,86%.
Mới đây nhất, trong kỳ điều chỉnh giá bán lẻ ngày 27-4 của Liên bộ Tài chính - Công thương, xăng E5 RON92 tăng 182 đồng/lít, lên mức tối đa 17.988 đồng/lít; xăng RON95 tăng 191 đồng/lít, có giá không cao hơn 19.161 đồng/lít. Như vậy, xăng E5 RON92 và xăng RON95 có lần tăng trở lại ngay sau khi giảm nhẹ trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ vào giữa tháng 4-2021.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng tăng trong đợt điều chỉnh này. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng thêm 187 đồng/lít, lên mức 14.328 đồng/lít; dầu hỏa tăng 432 đồng/lít, lên mức 13.259 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 336 đồng/kg, lên mức tối đa 14.023 đồng/kg.
Theo nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng thô bị giảm mạnh. Ngoài ra, giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và chủ đầu tư đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giá “hạ nhiệt”…
Ông Huỳnh Sang, chủ Cửa hàng Vật liệu xây dựng Minh Sang (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, giai đoạn hiện nay là mùa cao điểm xây dựng, giá các mặt hàng phục vụ xây dựng bắt đầu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá các loại vật liệu xây dựng thô như: sắt, thép, xi măng, gạch, cát… đều tăng liên tục từ 15-20%, trong đó giá sắt, thép tăng mạnh đến hơn 30%.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt - Vinatrends cho biết, tình hình giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, nhà thầu, đặc biệt là đối với các công trình, dự án xây dựng đã ký hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh giá. Trong thời gian qua, chỉ riêng việc giá thép tăng 30-40% so với những tháng cuối năm 2020 đã kéo theo tình trạng doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải chịu lỗ.
Không chỉ doanh nghiệp, nhà thầu lo lắng mà cả những người dân đang xây dựng nhà cũng lao đao vì giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, làm đội lên rất nhiều chi phí so với dự toán ban đầu. Còn những khách hàng có ý định xây dựng đã cân nhắc, tạm ngưng khiến doanh thu các doanh nghiệp xây dựng giảm…
Khảo sát trên thị trường, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng từ 2-3 lần, có loại tăng 6-7 lần so với trước đó. Điều này kéo theo giá thành các loại sản phẩm chăn nuôi tăng hơn nhiều so với trước.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn gia súc ở TP.Biên Hòa cho biết, giá nguyên liệu đầu vào nhập từ các thị trường như: Argentina, Brasil, Hoa Kỳ, Ấn Độ… tăng từ 30-40% so với thời điểm tháng 10-2020. Giá nguyên liệu tăng cao khiến cho giá sản phẩm đầu ra tăng theo tùy vào loại thức ăn của từng vật nuôi. Tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, mức tăng đối với mỗi bao thức ăn thành phẩm loại 25kg vào khoảng 40-50 ngàn đồng/bao
* Tác động không nhỏ tới đời sống người dân, doanh nghiệp
Theo nhiều chuyên gia về chăn nuôi, những rủi ro về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã kéo theo giá thành chăn nuôi tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Chăn nuôi. Không những thế, nhiều hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ sẽ dè dặt tái đàn hơn khi chi phí quá cao.
Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Người dân tham khảo các loại vật liệu xây dựng tại một cửa hàng ở P.Bửu Long, TP.Biên Hòa |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm 70% giá thành sản xuất. Thời gian qua, giá cám tăng khoảng 30% so với tháng 10-2020, trong khi giá heo không những không tăng mà lại có chiều hướng giảm trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây. Điều này gây ra nhiều áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi.
Giá nhiều loại nhiên liệu liên tục tăng trong thời gian qua cùng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã khiến không ít doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh…, nhất là đối với các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) cho biết, hoạt động vận tải hành khách của HTX đang gặp nhiều khó khăn khi lượng khách liên tục trồi sụt vì dịch Covid-19. Riêng đối với dịch vụ xe buýt, xe hợp đồng, HTX đang phải bù lỗ khoảng 20% khi giá xăng dầu tăng, có thời điểm HTX buộc phải cân đối, tính toán phương án giãn cách thời gian hoạt động giữa các chuyến một cách phù hợp để hạn chế mức lỗ.
Bên cạnh đó, vật giá liên tục biến động đã tạo sức ép cho tất cả người dân, từ người tiêu dùng đến người kinh doanh. Trong đó, gánh nặng về giá trong giỏ hàng của người tiêu dùng cũng ngày một lớn hơn.
Bà Tuyết Mai, một người nội trợ ở P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa cho biết, giá nhiều mặt hàng “leo thang” đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là những gia đình có thu nhập thấp. “Nguồn thu nhập không thay đổi trong khi giá hàng hóa, xăng, gas, điện, nước... đều tăng nên mức chi tiêu cho cuộc sống ngày càng nhiều hơn. Giờ mỗi lần đi chợ hay siêu thị, tôi phải cân nhắc, thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những thứ thật cần thiết đủ dùng cho cả nhà” - bà Mai chia sẻ.
Mặt khác, ông Phạm Ðình Khiêm, phụ trách quản lý chợ Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, do tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương tại chợ. Hiện sức mua tại nhiều sạp hàng giảm gần 30-40% so với thời điểm đầu năm nay.
Hoàng Hải