Từ TP.Seattle (Mỹ), tiến sĩ (TS) - dược sĩ gốc Việt Nguyễn Nữ Phương Thảo (quản lý nhà thuốc Safeway) cho biết ngành Y tế Mỹ đã vượt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm hơn dự kiến và đang hướng đến "tốc độ kỷ lục thế giới": 200 triệu liều vaccine trong 100 ngày.
“Tôi hy vọng chiến dịch tiêm vaccine diện rộng sẽ hạn chế được sự lây lan của Covid-19” - TS dược Phương Thảo nói. |
Từ TP.Seattle (Mỹ), tiến sĩ (TS) - dược sĩ gốc Việt Nguyễn Nữ Phương Thảo (quản lý nhà thuốc Safeway) cho biết ngành Y tế Mỹ đã vượt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm hơn dự kiến và đang hướng đến “tốc độ kỷ lục thế giới”: 200 triệu liều vaccine trong 100 ngày.
Rời nhà thuốc lúc 21 giờ đêm 7-4 (tức trưa 8-4, giờ Việt Nam) sau một ngày làm việc thật dài, TS Nguyễn Nữ Phương Thảo - người đã trực tiếp tiêm ngừa trên 1 ngàn liều vaccine (bao gồm Pfizer, Moderna và J&J) trong vòng 70 ngày qua cho người dân Mỹ ở TP.Seattle chia sẻ nhiều điều hữu ích rất đáng để tham khảo xung quanh vấn đề tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 mà mọi quốc gia trên toàn thế giới đã và đang tiến hành, trong đó có Việt Nam. Chị nói:
- Với thực tế từ nước Mỹ, tôi nghĩ Mỹ đang làm rất tốt và hiệu quả trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng trong thời gian ngắn kỷ lục. Đa số các bang tiêm vaccine theo thứ tự từ nhóm người có nguy cơ cao (như nhóm người từ 60-65 tuổi trở lên). Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cũng thuộc nhóm ưu tiên đã được chích vaccine.
Nơi tiêm vaccine cũng mở rộng, không chỉ ở phòng mạch bác sĩ mà còn ở nhà thuốc, nơi mà hầu hết dược sĩ đã được huấn luyện kỹ càng kỹ năng chích ngừa, tư vấn và theo dõi bệnh nhân sau khi tiêm ngừa. Đấy cũng là một trong những kỹ năng đặc biệt của dược sĩ ở một số nước như Mỹ và Canada mà tôi thấy rất cần thiết trong chiến dịch tiêm vaccine diện rộng.
Ngoài ra, những tụ điểm công cộng như các công ty, trường học hay sân bay cũng được bố trí phòng mạch để mọi người được tiếp cận với vaccine nhanh chóng hơn.
Thời gian qua, chị đã trực tiếp tham gia hoạt động tiêm vaccine ngừa cho cộng đồng như thế nào?
- Tôi quản lý một nhà thuốc hiện tiêm chủng trung bình khoảng 200 liều vaccine Covid-19 (Pfizer và Moderna) mỗi tuần. Ngoài thời gian làm việc ở nhà thuốc, tôi thường đăng ký tăng ca ở một số phòng mạch tiêm Covid-19 (Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson) trong cộng đồng như công ty, trường học và sân bay. Một phòng mạch mỗi ngày tiêm khoảng 100-500 liều.
Tôi cũng có tự theo dõi số lượng vaccine tôi tiêm được như một niềm vui nho nhỏ và đã đạt được con số 1 ngàn liều vaccine trong vòng hơn 2 tháng. Tôi cũng khá nhẹ lòng là tới thời điểm hiện tại, chưa một người nào bị sốc phản vệ hay ngất xỉu - điều mà nhiều nhân viên y tế như tôi lo lắng nhất.
Vài chuyện vui buồn của chị trong thời gian tiêm vaccine ngừa Covid-19?
- Tiêm vaccine ngừa Covid-19 lúc này là thời điểm vui và nhiều cảm xúc nhất của tôi với vai trò là dược sĩ từ trước đến giờ. Điều thú vị là đa số mọi người đến chích ngừa đều vui vẻ và thậm chí họ còn hào hứng như trẩy hội (cười). Có lẽ vì ai ai cũng muốn mình an toàn và cùng chiến thắng đại dịch Covid-19.
Có người xin được chụp hình kỷ niệm khi tôi tiêm vaccine cho họ. Có cụ ông, cụ bà gần cả trăm tuổi đến tâm sự với tôi là từ tháng 3-2020 (thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ) đến giờ… không dám bước chân ra ngoài đường. Mãi cho tới hôm đi chích ngừa mới là lần ra khỏi nhà của các cụ. Các cụ mong lắm ngày được ôm lại con cháu thật chặt mà không sợ gì nữa.
Bản thân tôi những ngày qua cũng có dịp liên tục ra sân bay nhưng không phải lên máy bay để đi du lịch mà là để thực hiện công việc chích ngừa. Đây là một trải nghiệm mới khó quên. Và dĩ nhiên khi ra sân bay, một người đam mê du lịch như tôi rất mong ngày thế giới mở cửa lại hoàn toàn để được đi đó đi đây trở lại.
Chiến dịch tiêm ngừa ở Mỹ có điều gì cần cải thiện không?
- Tất nhiên, cũng vẫn có vài bất cập trong chiến dịch, đó là hầu hết lịch hẹn tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều phải đăng ký trước thông qua website. Đây cũng chính là điểm yếu của nhóm người cao tuổi vì đa phần không thông thạo internet, trong khi họ lại là nhóm người cần tiêm vaccine nhất. Nhiều địa phương tập hợp tình nguyện viên giúp người già đặt hẹn online nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Một hạn chế khác là nhiều lúc người đặt hẹn lại không đến chích hay không đủ yêu cầu của nhóm ưu tiên (người già, người mắc bệnh nan y, nhân viên y tế...), khiến cho các liều vaccine thường bị dư vào cuối ngày. Và nếu nhân viên y tế không tìm được người chích thay thế trước khi vaccine hết hạn, vaccine sẽ bị bỏ đi rất uổng. Đây cũng là một điều khiến tôi cảm thấy rất tiếc và mong có được một hệ thống danh sách người muốn chích vaccine dự bị tốt hơn.
Làm trong ngành Y - nơi tuyến đầu chống Covid-19 và thuộc nhóm dễ nguy cơ lây nhiễm nhất, chị có khiến người thân trong gia đình lo lắng?
- Chồng tôi quả là có lo lắng cho tôi thời gian đầu dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng sau khi biết tôi rất kỹ tính anh ấy cũng yên tâm hơn. Các nhân viên y tế như tôi rất cẩn thận trong việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với bệnh nhân và nhà thuốc cũng được tẩy trùng hằng ngày.
Lưu giữ làm kỷ niệm lọ vaccine ngừa Covid-19 |
Tính đến thời điểm hiện giờ, tôi và các nhân viên vẫn chưa ai mắc Covid-19 cả, dù môi trường làm việc có nguy cơ rất cao.
Đôi khi, trong tiêu cực như dịch bệnh lại có điều tích cực. Đó là việc vì Covid-19 nên công ty của chồng tôi ở San Francisco cho anh ấy được làm việc từ xa, WFH (work from home - làm việc tại nhà). Nhờ đó, chúng tôi được đoàn tụ với nhau tại Seattle sớm hơn dự kiến và điều này trở thành kỷ niệm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng trong thời Covid-19.
Câu chuyện chị vừa kể cũng tương đồng với lời mà mọi người hay an ủi, động viên nhau trong thời Covid-19 đó là “trong nguy có cơ”. Chúng ta có thể nhìn về các mặt tích cực nào sau thời đại dịch?
- Nếu nhìn về mặt tích cực, dịch bệnh giúp con người học được cách ứng phó và phòng chống đại dịch tốt hơn, đặc biệt hữu ích trong tương lai nếu có một đại dịch khác nguy hiểm và lây lan hơn cả Covid-19.
Con người cũng đã học được cách sản xuất và phân phối vaccine “thần tốc” chỉ trong vòng 1 năm. Đây chính là một bước tiến vĩ đại của nhân loại.
Một năm trôi qua cũng là lúc con người có dịp (hoặc buộc phải) sống chậm lại. Họ nhìn lại toàn cảnh cuộc sống của mình, nhận ra điều gì quan trọng mà mình cần dành thời gian nhiều hơn. Từ đó trân trọng hơn những điều vốn được cho là quá đỗi bình thường trước thời Covid-19.
Là người trong ngành, chị có những dự báo gì trong tương lai gần?
- Tôi không chuyên về nghiên cứu dịch tễ nên không dám đưa ra dự báo gì cho tương lai gần của đại dịch. Tuy nhiên, tôi rất lạc quan về tình hình của nước Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung.
Tôi hy vọng chiến dịch tiêm vaccine diện rộng sẽ hạn chế được sự lây lan của dịch Covid-19, giảm thiểu số lượng người có triệu chứng nặng hay tử vong, đồng thời ngăn chặn sự hình thành của biến chủng mới và nguy hiểm hơn của virus.
Xin cảm ơn chị!
TS Nguyễn Nữ Phương Thảo là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), sang Mỹ du học từ năm 2008. Chị Phương Thảo tốt nghiệp bằng TS Dược (Doctor of Pharmacy, PharmD) tại Trường đại học Washington thuộc TP.Seattle, bang Washington. Hiện chị là thành viên Ban khoa học của nhóm Ruy Băng Tím - tổ chức quy tụ các sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo sư và chuyên gia sức khỏe người Việt khắp nơi trên thế giới chuyên cung cấp kiến thức ung thư dành cho người Việt. Chị Phương Thảo là đồng tác giả các sách về bệnh ung thư, trong đó cuốn Ung thư: Tin đồn và sự thật do Saigon Books vừa ấn hành trung tuần tháng 4-2021. |
Trung Nghĩa (thực hiện)