Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững

10:04, 03/04/2021

Năm nay, chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) là "Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới".

Năm nay, chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) là “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.

Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

[links()]Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đó vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

* Những trào lưu kinh doanh “xanh”

Những năm gần đây, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quán cà phê có nhiều ý tưởng, chương trình để thúc đẩy tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường như: dần chuyển sang sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay cho ly nhựa, túi ny-lông thông thường; sử dụng các loại ống hút tre, ống hút cỏ bàng thay cho ống hút nhựa…

Theo ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của hệ thống Siêu thị BigC, trong những năm qua, hệ thống Siêu thị BigC trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng luôn tích cực chống rác thải nhựa bằng nhiều hành động thiết thực như: triển khai kinh doanh túi sử dụng nhiều lần không lợi nhuận, thí điểm sử dụng túi ny-lông phân hủy sinh học làm từ bột bắp và khoai tây; không còn kinh doanh ống hút nhựa… BigC cũng hỗ trợ cung cấp thùng giấy các-tông đựng hàng hóa miễn phí cho khách hàng. Ngoài ra, BigC áp dụng kinh doanh các sản phẩm rau bọc lá chuối thân thiện môi trường đối với các sản phẩm rau (cần tây, măng tây xanh, rau ngò, rau húng, rau diếp cá, rau răm, rau thơm, thì là, ngò rí)…

Trước vấn nạn về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; có xu hướng lựa chọn hàng hóa, sản phẩm đạt chuẩn an toàn như: sản phẩm VietGAP, hữu cơ (organic). Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều người tiêu dùng tiếp cận và hiểu được giá trị của sản phẩm sạch, vẫn còn có nhiều “nút thắt” như: thói quen, giá cả, thời gian... khiến khách hàng chỉ xem sản phẩm sạch là sự lựa chọn và mua khi nào tiện.

Tương tự, ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc của Lotte Mart Đồng Nai cho biết, Lotte Mart Đồng Nai vẫn còn triển khai một khu vực bố trí các loại túi đựng thức ăn tự hủy, các loại hộp, khay làm bằng bã mía thân thiện với môi trường để đựng thực phẩm…

Chị Nguyễn Ngọc Bảo Trân, đại diện quán La Casa Café (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) cho hay: “Ngay từ khi mới mở quán, La Casa đã chú trọng tới yếu tố tiêu dùng xanh như: sử dụng ly thủy tinh, bình thủy tinh, sử dụng các loại ống hút giấy, ống hút cỏ bàng, ly giấy để đựng đồ uống nóng… Điều này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra điểm nhấn riêng cho quán. Nhìn chung, phần lớn khách hàng của quán đều đón nhận và ủng hộ việc này”.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho biết, kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững thể hiện thông qua các trào lưu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế. Đồng thời, còn được thể hiện ở việc chú trọng về chất lượng, tiện ích của sản phẩm, hướng đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nêu cao nhận thức về tính an toàn, hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, tiết kiệm...

* Thay đổi thói quen tiêu dùng: Nhiều “nút thắt” cần gỡ bỏ

Dù các trào lưu tiêu dùng xanh, xu hướng tiêu dùng bền vững xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhưng trên thực tế, việc phổ biến rộng các mô hình này là không dễ dàng.

 Quán La Casa Café (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) sử dụng ống hút cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa
Quán La Casa Café (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) sử dụng ống hút cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa

Chị Ngọc Ánh, chủ một quán ăn uống ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, hầu hết các hàng quán đều phải sử dụng những vật dụng nhựa đựng thực phẩm, nước uống để bán buôn hằng ngày. “Hiện tại, nếu các quán ăn không có đồ nhựa, túi
ny-lông thì cũng chẳng biết phải đựng vào thứ gì để bán cho khách mang đi. Dù biết rằng các vật dụng này có hại cho sức khỏe và môi trường nhưng khó có vật dụng khác thay thế được bởi chúng rất thuận tiện, dễ mua mà giá thành lại rẻ” - chị Ngọc Ánh chia sẻ.

Nhiều người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ đã quen với việc sử dụng ly, ống hút dùng một lần không chỉ khi đi ăn uống trực tiếp tại các hàng quán mà còn thông qua các hình thức giao hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi. Hầu hết các loại thực phẩm khi được giao đến đều sử dụng đồ nhựa dùng một lần vì tính năng nhẹ, tiện vận chuyển.

Chị Kim Phượng, nhân viên văn phòng ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Do công việc bận rộn hoặc khi có hẹn với các đối tác, bạn bè ở quán cà phê nên tôi phải dùng các loại túi, hộp ở những cửa hàng này. Tuy nhiên, nhận thức được các sản phẩm này có hại nên tôi luôn cố gắng hạn chế dùng mà thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như: dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, ống hút tre - cỏ bàng thay ống hút nhựa, túi cói - túi giấy thay cho túi ny-lông”.

Theo nhiều ý kiến của người tiêu dùng, dù có nhận thức về việc dùng các loại thực phẩm, nông sản sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe nhưng việc đi mua loại thực phẩm, nông sản sạch này cho bữa ăn gia đình hằng ngày còn nhiều bất cập, nhiều nơi chưa minh bạch về các tiêu chí về nông sản sạch, an toàn để người tiêu dùng có thể nắm bắt thông tin, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, giá các loại thịt, rau củ quả sạch nhìn chung cao hơn nhiều.

Bà Ngọc Nhan (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi mong các nhà phân phối bán lẻ sẽ phát triển thêm kênh phân phối hiện đại, đưa nhiều sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sạch phải liên kết với nhau nhằm giảm chi phí, khuyến khích đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn chia sẻ thêm, dù triển khai nhiều chương trình khuyến khích, tuyên truyền về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Hơn thế nữa, dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, nhiều người vẫn còn ưu tiên về giá sản phẩm nên có phần e dè với các sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường vốn thường có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống…

Các loại bao bì thân thiện với môi trường gặp bất lợi trong cạnh tranh do giá thường cao hơn so với các bao bì nhựa, túi ny-lông. Điều này khiến cho không ít hộ kinh doanh, doanh nghiệp phải đắn đo, tính toán khi muốn triển khai phát triển các sản phẩm, loại hình dịch vụ theo hướng xanh, tiết kiệm…

Hải Hà

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích