Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên: 'Tôi muốn mạnh dạn thử nghiệm, sáng tạo cái mới trong văn chương'

03:04, 09/04/2021

Cuối năm 2020, cuốn Truyện Kiều tự kể do NXB Kim Đồng ấn hành bằng thể loại artbook đã chiếm được sự chú ý của công chúng yêu mến Truyện Kiều. Điều ngạc nhiên là tác giả chắp bút của Truyện Kiều tự kể là cô gái thế hệ 9x Cao Nguyệt Nguyên. Cùng với 12 họa sĩ, cô gái trẻ này đã hóa thân để từng nhân vật của Truyện Kiều xuôi dòng thời gian về hiện tại để kể về mình qua lăng kính của con người ngày nay.

Cuối năm 2020, cuốn Truyện Kiều tự kể do NXB Kim Đồng ấn hành bằng thể loại artbook đã chiếm được sự chú ý của công chúng yêu mến Truyện Kiều. Điều ngạc nhiên là tác giả chắp bút của Truyện Kiều tự kể là cô gái thế hệ 9x Cao Nguyệt Nguyên. Cùng với 12 họa sĩ, cô gái trẻ này đã hóa thân để từng nhân vật của Truyện Kiều xuôi dòng thời gian về hiện tại để kể về mình qua lăng kính của con người ngày nay.

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau những tác phẩm về thân phận của người phụ nữ và các tập truyện dành cho thiếu nhi thì với Truyện Kiều tự kể, tác giả Cao Nguyệt Nguyên đang mạnh dạn dấn thân, tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo cái mới trên địa hạt văn chương, nghệ thuật.

* Văn chương vốn dĩ nhọc nhằn

* Là người trẻ, sáng tác văn học đến với Cao Nguyệt ra sao? Theo đuổi văn chương thời nay chắc cũng sẽ rất gập ghềnh?

- Tôi nghĩ văn chương đến với mình là cái duyên. Trước đây tôi không nghĩ sau này mình sẽ viết văn vì tôi không tin mình có khả năng đó. Văn chương là nghề vô cùng nhọc nhằn, phải trường sức, phải không được lười. Thời nào cũng thế thôi, văn chương chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Đã chọn và yêu thì sẽ yêu đến cùng, sẽ dồn tâm sức cho nó. Tôi nghĩ vậy.

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên tên thật là Bùi Thị Thu Hà, sinh năm 1990 tại Quảng Yên, Quảng Ninh, tốt nghiệp Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chị đã xuất bản tập truyện ngắn Trăng màu hổ phách; 2 cuốn sách cho thiếu nhi gồm bộ truyện tranh giáo dục Chuột Chi Hô lên thành phố; truyện dài Alê hấp - Ké Xanh; truyện dài Nguyện của đêm. Chị được tặng Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014.

* Thế giới sách, tác phẩm đã xuất bản của Cao Nguyệt Nguyên đề cập phần nhiều đến phụ nữ và trẻ em. Đây phải chăng là những thân phận mà chúng ta cần dành nhiều sự quan tâm hơn?

- Tôi là phụ nữ, nên tôi hiểu sâu sắc họ, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, vui buồn nhưng tựu trung lại muôn đời họ khổ.

Họ là những phận người nhỏ bé, yếu đuối cần được bảo vệ, che chở.  Viết về họ cũng là viết lên một phần tiếng nói của mình trong đó, có khi là nỗi đau, nỗi ám ảnh và cả khát khao hạnh phúc. Tôi muốn viết, viết nhiều hơn nữa và khắc họa sâu sắc hơn mỗi nhân vật của mình để người đọc cảm thông và chia sẻ.

* Nguyệt Nguyên có thời gian đã tham gia các trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ quân đội, trong đó có lần được tổ chức ở Đồng Nai. Với chị, những trại sáng tác ấy giúp chị “trưởng thành” hơn ra sao?

- Những trại sáng tác đối với những cây bút trẻ chúng tôi giống như những lần “rèn bút” . Chúng tôi được đi, được trải nghiệm cả về vốn sống và hiểu biết thêm về phong tục vùng miền. Tất nhiên, trại sáng tác luôn là chuyến đi mang áp lực chữ nghĩa nhưng chúng tôi luôn rất hào hứng và sẵn sàng lên đường.

Trại sáng tác Đồng Nai là kỷ niệm không thể nào quên được với tôi. Đó là một miền đất tuyệt đẹp và những con người nơi đây cũng vô cùng dễ thương, gần gũi. Hôm tổng kết trại Văn học Đồng Nai, tôi đã khóc. Khóc vì phải xa vùng đất này và xa những người mới gặp nhưng đã như thân thiết từ lâu vậy.

* Không ngại tìm tòi thử nghiệm cái mới

* Mới đây nhất, Cao Nguyệt Nguyên đã cùng với các cộng sự vẽ lại chân dung các nhân vật trong Truyện Kiều và để các nhân vật tự kể. Cuốn sách nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thông điệp mà mọi người đưa ra phía sau sự “cách tân” này là gì?

- Truyện Kiều vốn dĩ là một tác phẩm rất nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Với Truyện Kiều tự kể, chúng tôi muốn để nhân vật nói về mình dưới ở một phương diện hoàn toàn khác. Mỗi nhân vật được thoát khỏi những khuôn hình ước lệ trước kia để bước ra thế giới thực, được nói lên suy nghĩ rất đời và rất người. Nhân vật cũng có những mặt tốt - xấu, cũng so bì hơn - thiệt…

Là tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều, với Truyện Kiều tự kể, chúng tôi cũng muốn “Sáng tạo, thử nghiệm và đổi mới!” Chúng tôi, những người làm nên cuốn sách Truyện Kiều tự kể đa phần là những tác giả trẻ ở thế hệ 9X. Cuốn sách là góc nhìn mới mẻ, những thử nghiệm táo bạo và gai góc.

Bìa sách Truyện Kiều tự kể
Bìa sách Truyện Kiều tự kể

* Việc làm mới cho Truyện Kiều ở một định dạng khác cũng là góp phần để lưu giữ tác phẩm này trong lòng công chúng. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi sự so sánh. Cao Nguyệt Nguyên mang tâm thế ra sao để đón nhận sự bình xét, khen - chê của mọi người?

- Đó là điều cần thiết với một cuốn sách khi nó ra đời, và thật vui nếu nó được độc giả bình xét khen chê. Khi thực hiện cuốn sách, tôi không quan tâm nhiều đến việc khen chê. Điều tôi lo lắng và cố gắng đó là làm sao viết thật tốt, hiểu và nắm rõ từng cá tính nhân vật để họ bộc bạch và tự nói ra tâm sự của mình. Nếu khi viết một cuốn sách mà bản thân người viết bị phân tâm và cuốn vào những suy nghĩ sẽ ra sao nếu mọi người khen chê thì tôi nghĩ cuốn sách ấy không hay được. Việc của người viết là dốc cạn mình để viết, còn việc khen chê là việc của người khác.

* Không chỉ viết văn, được biết chị còn làm biên kịch phim, cả truyền hình lẫn phim hoạt hình, đồng thời làm biên tập sách. Năng lượng tích cực nào để chị dấn thân như vậy trong khi tuổi trẻ hiện nay có nhiều điều phải quan tâm?

- Tôi luôn thích những trải nghiệm. Biên kịch phim hay biên tập sách đều có những điều hay giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ tuổi trẻ, đặc biệt là những người trẻ cầm bút không chỉ riêng tôi đâu, còn nhiều người giỏi, họ viết kịch bản phim, làm một lúc nhiều việc liên quan đến chữ nghĩa và làm một cách nghiêm túc, có thành quả. Quan trọng là bạn muốn thử sức mình hay không thôi.

* Như chị nói, thế giới nghệ thuật luôn rộng mở. Thế giới ấy sẵn sàng dung nạp tất cả những khám phá, tìm tòi và thử nghiệm cái mới. Phải chăng, chúng ta sẽ còn có thể đón nhận Cao Nguyệt Nguyên với những thử nghiệm, vai trò mới trong tương lai?

- Tương lai là con đường dài, đặc biệt là những người cầm bút. Nuôi dưỡng tình yêu văn chương và trường sức thì bạn có thể đi được đường dài. Con đường phía trước ra sao tôi chưa biết, nhưng tôi sẽ luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi và thử nghiệm cái mới.

* Xin cảm ơn chị!

Truyện Kiều tự kể được tác giả Cao Nguyệt Nguyên cùng với 12 họa sĩ chuyển thể thành văn xuôi từ 3.254 câu thơ của Truyện Kiều. Tác giả đã ngược dòng thời gian, bước vào thế giới nhân vật để hóa thân và cất lên tiếng nói, có bản ngã và cá tính đặc trưng. Từng nhân vật của Truyện Kiều lần lượt bước ra khỏi trang sách, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, thể chất; cho một hạng người hay những nét tính cách trong xã hội.

Đào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều