Ngày nay, trong hành trình du lịch của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, không thể thiếu đến những địa điểm nổi tiếng, ấn tượng, đặc trưng của vùng đất đó để check-in. Xu hướng check-in khi đi du lịch càng góp phần giúp người đi du lịch trở nên "thời thượng", "đẳng cấp" hơn thông qua sự phát triển và lan tỏa của mạng xã hội.
Ngày nay, trong hành trình du lịch của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, không thể thiếu đến những địa điểm nổi tiếng, ấn tượng, đặc trưng của vùng đất đó để check-in. Xu hướng check-in khi đi du lịch càng góp phần giúp người đi du lịch trở nên “thời thượng”, “đẳng cấp” hơn thông qua sự phát triển và lan tỏa của mạng xã hội.
Sao biển chết khô ở Phú Quốc khiến dư luận bức xúc. Ảnh nhỏ: Bức ảnh sống ảo được khoe trên mạng xã hội. Ảnh: VTV.VN |
Việc xác định địa điểm đã check-in với những bức hình ấn tượng trên cộng đồng mạng xã hội đã mang lại lợi ích, góp phần nhanh chóng thúc đẩy quảng bá cho ngành Du lịch địa phương nhưng đồng thời cũng để lại những hậu quả đi kèm. Đây thực sự là vấn đề đáng bàn dưới góc nhìn của văn hóa.
* Nhiều trường hợp check-in “sống ảo” gây bức xúc dư luận
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam VTV có phát bản tin Sao biển Phú Quốc chết khô vì du khách “sống ảo”. Theo bản tin, trên các diễn đàn du lịch xôn xao bức ảnh du khách chụp lại hình sao biển - loài sinh vật biển vốn là biểu trưng ở Rạch Vẹm - Phú Quốc bị chết khô vì bị du khách đưa lên bờ để chụp ảnh check-in.
Bản tin cũng cho hay: “Việc bắt sao biển lên bờ đã trở thành “thói quen” của một số du khách. Trên các trang mạng, nhiều tài khoản liên tục chia sẻ những tấm hình check-in của cả những người nổi tiếng dùng sao biển làm công cụ sống ảo mà không biết rằng chỉ cần rời khỏi mặt nước tầm vài chục giây, sao biển sẽ chết ngay”.
Mặt trái của việc trở thành các địa điểm check-in nổi tiếng có thể kể đến đó là: môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng, nếu không nói là bị hủy hoại như trường hợp sao biển ở Phú Quốc, mất tài nguyên đá cuội ở một số bãi biển, vệ sinh môi trường bị đe dọa do rác thải bừa bãi, không gian chung ồn ào, huyên náo, mất an ninh trật tự. Riêng các khu du lịch tâm linh đôi khi còn xảy ra tình trạng khách du lịch ăn mặc phản cảm. |
Còn nhớ cách đây vài năm, dư luận xã hội cũng giận dữ, bức xúc khi một nữ du khách vì muốn có bức ảnh “sống ảo” với mùa hoa mai anh đào đã thẳng tay bẻ cành mai anh đào đang nở rộ trong khuôn viên hồ Tuyền Lâm ở TP.ĐàLạt.
Vốn là thành phố du lịch nên Đà Lạt có nhiều địa điểm check-in nổi tiếng nhưng đến nay, cơ quan chức năng và một số chủ cơ sở cũng đã cho đóng cửa một số địa điểm như: Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - ngôi trường được check-in nhiều trên mạng xã hội, hay như bức tường màu vàng huyền thoại của tiệm bánh Cối xay gió...
Trên các phương tiện thông tin, công cụ tìm kiếm, không khó để tìm các thông tin hoa bị giẫm đạp, bẻ cành, giày xéo tan hoang ở các “thánh địa sống ảo” như: vườn hoa cúc họa mi, hoa hướng dương, hoa cẩm tú cầu, đường hoa tết...
* Ứng xử ích kỷ của một bộ phận du khách
Các địa điểm check-in nếu có độ “hot” nhất định sẽ mang lại niềm vui, sự tự hào và nguồn lợi về kinh tế cho ngành Du lịch. Do đó, các cơ sở du lịch thường bỏ nhiều kinh phí, công sức để đầu tư, nâng cấp, làm mới các hạng mục. Vườn hoa, các tiểu cảnh và không gian check-in không phải tự dưng mà có. Đó là sự đầu tư, chăm chút, vun vén của nhiều người suốt cả quá trình để mời gọi du khách đến với địa điểm của mình.
Nhưng một khi, các cơ quan chức năng, chủ cơ sở du lịch nói không với khách du lịch ở một số địa điểm, thì cần phải xem cách ứng xử, lối sống của một bộ phận du khách. Bàn về tính cách người Việt, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, trong ấn phẩm Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có nêu nhận định: Tính tự trị là một trong hai đặc trưng gốc rễ, nguồn gốc sản sinh ra hàng loạt những ưu điểm và nhược điểm trong tính cách người Việt Nam. Khởi đầu là sự khác biệt của cộng đồng này so với cộng đồng khác, nên tạo nên tính tự trị, tinh thần tự lập, tự phải lo liệu mọi việc. Do đó, người Việt Nam có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, dần dần tạo nên nếp sống tự cấp tự túc: mỗi làng, mỗi nhà cố gắng tự đáp ứng mọi nhu cầu cho đời sống của làng, của nhà mình.
Mặt khác, cũng chính vì nhấn mạnh vào sự khác biệt - cơ sở của tính tự trị - mà người Việt Nam còn có thói xấu là óc tư hữu, ích kỷ. Tục ngữ có những câu nói về thói xấu này như: Bè của ai người nấy chống, Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ, Thân trâu trâu lo, Thân bò bò liệu... Óc tư hữu, ích kỷ, đề cao cái tôi cá nhân, muốn được thụ hưởng này từ xa xưa đã luôn bị chính ông bà ta phê phán qua ca dao, tục ngữ: Của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn; Của người thì bồ tát, của mình thì buộc lạt...
* Giáo dục nhân cách thông qua những chuẩn mực
Trong xã hội phát triển ngày nay, hình ảnh lũy tre làng gắn liền với tính tự trị của người dân đã không còn nhiều như trước, nhưng óc tư hữu, sự ích kỷ ở đâu đó vẫn còn xuất hiện trong lối sống của một bộ phận người dân. Nhóm người này vì muốn đề cao cái tôi cá nhân, muốn được thỏa mãn, được thụ hưởng, được “sống ảo”, hơn là việc thể hiện trách nhiệm với tập thể, cộng đồng. Họ thích nhận lợi ích hơn là cho đi và xây dựng các giá trị.
Những năm gần đây, xuất hiện các “phượt thủ” dọn dẹp vệ sinh trên núi Chứa Chan, H.Xuân Lộc. Ảnh tư liệu: Hải Đình |
Bên cạnh đó, theo anh Dương Bá Thông, Trưởng phòng Phương pháp - công tác Đội Nhà thiếu nhi Đồng Nai, những hành động thiếu ý thức bảo vệ môi trường ở những địa điểm check-in, thiếu văn minh ở những nơi du lịch tâm linh (ăn mặc phản cảm, nói năng ồn ào...) của một bộ phận thanh thiếu niên có thể là hành động bộc phát nhất thời mà không có sự nhắc nhở của gia đình hoặc cộng đồng.
Do đó, để thay đổi lối sống này, cần phải đẩy mạnh việc giáo dục nhân cách thông qua những quy tắc, chuẩn mực. Và quan trọng hơn cả, theo anh Dương Bá Thông, giáo dục thế hệ trẻ chỉ phát huy được tác dụng khi và chỉ khi những ứng xử văn minh được nêu gương ngay từ trong mỗi gia đình đến từng lớp học và cả cộng đồng.
Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lan tỏa những điều tích cực, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ trên cộng đồng mạng đã kêu gọi du lịch xanh, du lịch văn minh với các thông điệp ý nghĩa và hành động thiết thực như: “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Tiêu biểu cho nếp check-in văn minh, tiến bộ này là hành động của một số “phượt thủ” khi tham quan khám phá vẻ đẹp của rừng núi ở Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) đã ý thức không xả rác bừa bãi và bỏ công nhặt rác ở khu di tích. Việc làm tích cực này không chỉ giúp bảo vệ mỹ quan cho khu di tích mà còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của người dân từ các con suối chảy xuống.
Lâm Viên