Trái tim người lính vốn đã đầy chất thơ, chất anh hùng ca của thời đại. Đỗ Minh Dương là một nhà thơ xuất thân từ đời lính, rời khỏi quân ngũ đã bao năm, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn giữ cho mình một tinh thần rất lính, một hồn thơ trong trẻo tình đời.
Trái tim người lính vốn đã đầy chất thơ, chất anh hùng ca của thời đại. Đỗ Minh Dương là một nhà thơ xuất thân từ đời lính, rời khỏi quân ngũ đã bao năm, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn giữ cho mình một tinh thần rất lính, một hồn thơ trong trẻo tình đời.
* Thơ từ trái tim người lính
Quả thật, viết về người lính là một mảng đề tài lớn trong sáng tác của nhà thơ Đỗ Minh Dương. Ông luôn dành sự đồng cảm, thấu hiểu cho những người lính dù đó là đồng đội năm xưa, hay những người lính ông gặp ngoài đời. Chính vì vậy mà ông có thể chia sẻ tâm tình của người anh hùng trong những giây phút lắng đọng nhất:
Khói nhang phủ trắng mái đầu
Mắt nhòa di ảnh nhìn đau nhói lòng!
Ngỡ như Tiểu đội Đặc công
Vừa đốt tàu giặc trên sông Lòng Tàu
Trở về hội ngộ cùng nhau
Chuyện nhà, chuyện bạn... xiết bao nỗi niềm!
(Lời cúng tri ân đồng đội)
Nhà thơ Đỗ Minh Dương muốn nói thay tiếng lòng của Anh hùng lực lượng vũ trang - đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Trung đoàn Đặc công rừng Sác. Khi còn sống, đại tá Lê Bá Ước đã lập bàn thờ đồng đội tại nhà riêng và hằng năm đều tổ chức cúng giỗ. Người anh hùng ấy giờ cũng đã trở về cùng đồng đội, hòa mình vào sóng nước sông Lòng Tàu; và nhà thơ Đỗ Minh Dương dường như vẫn còn đau đáu tấc lòng về những cuộc “hội ngộ” ấy. Bài thơ như có một sự trao truyền về tinh thần, gợi lại sự bất tử của người lính đối với non sông, nhưng vẫn đầy tiếc thương cho những cuộc trở về chỉ diễn ra trong mơ ước, trong tâm tưởng.
Bài thơ Lời cúng tri ân đồng đội chính là một trong chùm thơ 3 bài đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác Đồng Nai trên đường hội nhập và phát triển do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức. Nhà thơ Đỗ Minh Dương bước sang tuổi 73 với niềm vui nhận giải thưởng cao, và vừa xuất bản tập thơ thứ 12 - Lau trắng phất phơ. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là sự lắng đọng, chắt lọc bao cảm xúc, suy tư của một người lính, khó mà cảm nhận, đong đếm được.
Không chỉ sáng tác, nhà thơ Đỗ Minh Dương còn bày tỏ quan điểm của mình về đề tài thơ chiến tranh cách mạng từ sau năm 1975 đến nay trong một bài viết mới (in trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 40). Nhà thơ viết về sự lần lượt ra đi của những người lính bằng đánh giá: “Điều đó làm chúng ta bùi ngùi, nuối tiếc, nhưng làm sao có thể níu kéo, giữ lại một “thế hệ vàng” đang trôi đi và chìm dần vào dòng sông vô định của thời gian...”.
Chính từ nhận thức ấy mà ông đã khơi được mạch cảm xúc rất sâu sắc về người lính, song vẫn không quên tự nhủ mình: “Muốn có thơ hay về đề tài cách mạng, ngoài tài năng thơ ra, nhà thơ rất cần có trình độ chính trị sâu sắc, giàu vốn sống thực tiễn cách mạng và đặc biệt là phải thật nhạy cảm trong phát hiện chủ đề, chọn lựa hình tượng, cân nhắc ngôn từ để sáng tác được những bài thơ hay, có thể “làm tổ” trong lòng người đọc...”.
Tuy nhiên, thơ Đỗ Minh Dương không chỉ có hoài niệm, ông cũng rất thành công trong những đề tài đương đại, đời thường và cả với thơ tình. Bài thơ Nhân chứng của thiên nhiên là một nét phác thảo mạnh mẽ cho tinh thần đổi mới:
Mỗi bình minh mặt trời qua đây
Bao đổi thay ngỡ ngàng tia nắng mới
Rạo rực mây bay, bồi hồi gió thổi
Núi đội trời làm nhân chứng của thiên nhiên...
Hay bài thơ Hương sắc trăm miền kết nối các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc:
Hồn quê dân dã truyền đời
nên chi ai cũng thích lời dân ca
Hội mùa ta hát cùng ta
mà nghe lời thuở ông cha vọng về!
* Mùa quả chín
Đỗ Minh Dương cũng là một minh chứng cho “quy luật” riêng của thơ ca, mà đời người nghệ sĩ không phải ai cũng với chạm được. Người nông dân gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch cây trái là chuyện thường tình, song qua cảm nhận của nhà thơ, mùa quả chín là những mùa mang đầy tình yêu và khát vọng:
Mùa quả này chưa qua
Đã lại mong mùa khác
Cơn mưa vừa chợt giấc
Quả ngọt ngon hiện mình...
(Mùa quả chín)
Một chữ “mong” đã thể hiện triết lý sống rất chân thực của ông, vì không chỉ đơn thuần là mong muốn, là mơ ước, mà thành quả gặt hái được cần rất nhiều thời gian, công sức: “Mồ hôi hòa nước mắt - Thấm nhuần trong đất đai”; cần có niềm tin, sự kiên trì, và cả sự khiêm tốn, độ lượng để có thể cháy đỏ từ bên trong, chín ngọt ngon từ chính trái tim mình. Chín đến như vậy, nhưng bề mặt (hay là tín hiệu về bản thân ông) cũng chỉ là một màu trắng đơn sơ như tựa đề tập thơ mới nhất của ông. Có thể đây là một trong những lời tự tình hay nhất của thế hệ nhà thơ - người lính như ông:
Trai làng đi bảy về ba
Hồn lên mây trắng biết là về đâu?
Người về gặp lại bờ lau
Bâng khuâng tóc trắng trên đầu phất phơ!
(Lau trắng phất phơ )
- Thơ Đỗ Minh Dương là thế, ông không cưỡng lại thời gian, không quá tiếc nuối tuổi thanh xuân mà chấp nhận hòa nhập vào dòng chảy cuộc đời một cách nhẹ nhàng, tự nguyện. Nhưng với sự nhạy cảm của một tâm hồn thơ và niềm tin vào những điều thiêng liêng, ông đã chạm vào sự viên mãn và bất tử bằng một tâm thế bao dung như lời mẹ dặn dò: “Con ơi, hãy hướng lòng mình ra ánh sáng” (Tự tha), bằng cảm nhận của một vị khách cô đơn:
Đường xuân xuôi ngược bộ hành
Người đi xuống biển, riêng anh lên rừng
Cao nguyên đồi núi trập trùng
Trời đang nắng, bỗng mịt mùng mưa bay...
(Khách độc hành)
- Tập thơ Lau trắng phất phơ không dày, song 53 bài thơ mới của nhà thơ Đỗ Minh Dương là niềm tự ngộ bắt người đọc phải chìm lắng, phải kiếm tìm. Thơ ông trở nên ngắn gọn, cô đọng đến mức không thể ngắn gọn hơn, và trong cái nhẹ tênh, trong veo của ngôn từ, là một “chất siêu bền” tích lũy được từ hành trang đời lính của ông:
Hồn cốt của các anh đã hóa vào nền móng
Như một chất siêu bền gắn kết nước non ta
Như điểm khởi đầu cho đổi thay cuộc sống
Cho những công trình vươn cao vươn xa...
(Như một chất siêu bền)
Mai Sơn