"Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất vào lúc 19 giờ ngày 1-4, lúc đó tôi đang hát ở sân khấu 126
(TP.HCM). Mọi thứ đều rối bời vì đúng Ngày quốc tế Nói dối "Cá tháng Tư". Tôi tức tốc chạy thẳng đến nhà riêng của nhạc sĩ trên đường Phạm Ngọc Thạch để xác nhận thực hư. Gia đình anh Sơn và tất cả mọi người đều bàng hoàng, thảng thốt và đau lòng".
“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất vào lúc 19 giờ ngày 1-4, lúc đó tôi đang hát ở sân khấu 126
(TP.HCM). Mọi thứ đều rối bời vì đúng Ngày quốc tế Nói dối “Cá tháng Tư”. Tôi tức tốc chạy thẳng đến nhà riêng của nhạc sĩ trên đường Phạm Ngọc Thạch để xác nhận thực hư. Gia đình anh Sơn và tất cả mọi người đều bàng hoàng, thảng thốt và đau lòng”.
Tròn 20 năm trôi qua kể từ khi người nhạc sĩ tài hoa được muôn người yêu mến rời xa cõi tạm, ca sĩ Quang Dũng vẫn nhớ như in thời khắc hay tin buồn ở đêm 1-4-2001. Trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần trước ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm nay, ca sĩ Quang Dũng hoài niệm: “Suốt những ngày diễn ra tang lễ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng trong hẻm nhỏ, rất nhiều nghệ sĩ và Quang Dũng hát lại những nhạc phẩm bên linh cữu của ông cho đến khi di quan an táng. Đó là những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời nghệ thuật của tôi”.
* Kỷ niệm Biển nghìn thu ở lại…
Ca sĩ Quang Dũng có một kỷ niệm đặc biệt, và cũng là một đặc ân lớn lao đó là khi sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tin cậy ký tặng ca khúc Biển nghìn thu ở lại cho Quang Dũng hát, mặc dù bấy giờ Dũng chỉ mới là một ca sĩ trẻ măng “chân ướt chân ráo” từ miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp và hầu như chưa có tên tuổi gì trong làng ca nhạc “đầy sao” tại TP.HCM khi đó.
Như cánh vạc bay, Thương một người, Mưa hồng, Em hãy ngủ đi, Rồi như đá ngây ngô, Tiến thoái lưỡng nan… là những nhạc phẩm bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ca sĩ Quang Dũng ghi âm mới để phát hành trong album đĩa than (vinyl) Thương một người vào đúng ngày 1-4-2021 nhằm kỷ niệm ngày giỗ 20 năm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Tôi hợp tác với nhạc sĩ Thanh Phương ở Hà Nội để thực hiện đĩa than Thương một người. Đây là album mà tôi tâm đắc nhất, được hoàn thành sau 5 năm ấp ủ. Các ca khúc được hòa âm theo thể blue jazz hoàn toàn mới, bên cạnh một số bài kết hợp với nhạc cụ dân tộc. Cũng tròn 20 năm rồi tôi mới thực hiện lại một album nhạc Trịnh Công Sơn” - Quang Dũng cho hay. |
Chính trong năm 2001, Quang Dũng đã chọn Biển nghìn thu ở lại làm ca khúc chủ đề cho album riêng đầu tay của mình. Bài hát này sau đó trở thành một trong những ca khúc mà Quang Dũng trình bày thành công nhất trong sự nghiệp, được khán giả yêu mến nhất với giai điệu thổn thức, giọng hát trữ tình góp phần đưa những ca từ tuyệt mỹ của người nhạc sĩ họ Trịnh đi vào lòng khán giả: “Biển là em, ngọt đắng trùng khơi. Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi…”.
“Cơ duyên với ca khúc Biển nghìn thu ở lại rất tình cờ. Thời ấy, mỗi buổi trưa tôi đều qua nhà anh Sơn để tập nhạc. Tôi cũng có dịp gặp gỡ nhiều bạn hữu của anh Sơn như các nhạc sĩ trong nhóm Những Người Bạn gồm: Thanh Tùng, Bảo Phúc, Từ Huy… hay nhà văn Nguyễn Quang Sáng... tại Hội quán Nhạc sĩ trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1, TP.HCM). Đích thân anh Sơn đề tặng và ưu ái tập cho Dũng hát bài Biển nghìn thu ở lại” - Quang Dũng nhớ lại trong niềm xúc động.
“Âm nhạc là cầu nối vô hình để mỗi trái tim cùng hòa nhịp và tự hào về một nhà văn hóa lớn mang tên Trịnh Công Sơn. Trân trọng và yêu quý vô cùng!” - ca sĩ Quang Dũng nói. |
Người ca sĩ gốc Quy Nhơn cũng tiết lộ “tính cách anh Sơn không bao giờ đánh giá bất cứ điều gì với ca sĩ, ông chỉ đưa ra những lời khuyên chân tình thôi”. Quang Dũng nói: “Ví dụ, ông đã dạy tôi về cách nhấn nhá và thể hiện tình cảm qua tác phẩm. Không riêng gì bài Biển nghìn thu ở lại mà tất cả các tác phẩm khác của anh, anh đều tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và thật sự đã giúp ích cho một ca sĩ như tôi rất nhiều”.
* “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”!
Đĩa than Thương một người của ca sĩ Quang Dũng ra mắt dịp ngày giỗ Trịnh Công Sơn 1-4-2021 |
Quang Dũng bày tỏ niềm kính trọng với cố nhạc sĩ, đồng thời cũng là một ân nhân của mình: “Đối với tôi, Trịnh Công Sơn là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam! Sau 20 năm rời xa cõi tạm, ông vẫn để lại một kho tàng văn hóa quý báu cho đời sau. Với công chúng, âm nhạc Trịnh Công Sơn là sự vỗ về của yêu thương sẻ chia, cho dù có hạnh phúc hay đau thương.
Sự gần gũi trong con người và triết lý văn minh của cố nhạc sĩ luôn khiến cho mọi người yêu quý ông với đong đầy những yêu thương, trân quý. Âm nhạc của ông hiện diện không chỉ trên sàn diễn, các album, bản ghi âm mà lan tỏa qua từng góc phố, từng ngôi nhà. Tất cả cho chúng ta thấy rằng, nhạc Trịnh có đời sống êm đềm mà mãnh liệt, như một dòng chảy lan tỏa từ quá khứ đến hiện tại hôm nay và cả mai sau!”.
Là ca sĩ đã thể hiện rất nhiều những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn phục vụ công chúng qua 2 thập niên ca hát, Quang Dũng chia sẻ: “20 năm với bao nhiêu là công trình văn hóa mang tên, gắn bó với Trịnh Công Sơn, bao nhiêu chương trình, đêm nhạc của Trịnh Công Sơn thu hút bao tầng lớp thế hệ công chúng. Điều đó cho thấy rằng sự gắn kết, gìn giữ “kho tàng” nhạc phẩm của cố nhạc sĩ để lại cho cuộc đời là điều mà ai cũng vinh hạnh hết lòng chung tay”.
“Hẳn đó cũng là minh chứng cho những lời ca và triết lý sâu xa được Trịnh Công Sơn viết ra luôn có ích cho đời, cho người. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!” - Quang Dũng tâm huyết nói.
Trung Nghĩa
Ca sĩ Đức Tuấn: Nhạc Trịnh như hình bóng người tình 1. Đức Tuấn vẫn nhớ như in tâm trạng ngày 1-4-2001 khi nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, làm triệu triệu trái tim thương tiếc. Cái tên Trịnh Công Sơn đã quá quen thuộc với người yêu nhạc cũng như cuộc sống hằng ngày nên gần như ông “không thể mất được” trong tâm khảm mỗi người. Tới tận bây giờ, hằng năm đứng thắp hương tưởng niệm trước bàn thờ của nhạc sĩ, Tuấn vẫn cố nghĩ rằng đây chỉ là một “lời nói dối tháng tư”, và rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn sống mãi! 2. Tôi chưa bao giờ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc ông còn sống, nhưng điều an ủi là tất cả gia đình của cố nhạc sĩ họ Trịnh đều dành sự yêu thương đến Tuấn như người em trong nhà. Họ chia sẻ tất cả những kỷ niệm, những mong muốn lúc sinh thời của nhạc sĩ để Tuấn lắng nghe, thấu hiểu, cảm nhận và hát hay hơn các bài hát của “Anh Sơn”. 3. Cho đến giờ, tôi cũng chưa thể lý giải tại sao mình lại thích nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh “như cánh vạc bay”, như một hình bóng “người tình” lớn dần cùng Tuấn theo năm tháng, gần gũi thân thuộc, đôi khi cũng không cần tìm hiểu, chỉ “thương thôi” một cách vô điều kiện. Nên Tuấn cũng không chủ tâm lựa chọn bài để hát, mà để cứ đúng một thời điểm nào đó, thích hát bài nào của Trịnh thì hát thôi, vì bài nào cũng hay mà... 4. Gần đây, tôi ghi âm 3 bài hát Ta thấy gì đêm nay, Đóa hoa vô thường và Dã Tràng ca của Trịnh Công Sơn với các bản hòa âm mới để phát lên kênh YouTube cho mọi người cùng thưởng thức. Riêng với bài Dã Tràng ca cho đến nay là bản ghi âm chuyên nghiệp duy nhất. Ngày giỗ 20 năm của “Anh Sơn” năm 2021 này, Tuấn sẽ sắp xếp để có mặt trong tất cả những đêm nhạc kỷ niệm chính thức được gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức, như là một cách thành kính tưởng nhớ và tri ân người nhạc sĩ tài hoa. T.N (ghi) |