Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Việt và dấu ấn sông nước

10:03, 26/03/2021

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng ngàn con sông lớn nhỏ, phân bố rộng khắp trên cả nước, lại có đường bờ biển dài hơn 3.260km, nên từ xa xưa, giao thông đường thủy, kỹ thuật đóng tàu thuyền của người Việt đã phát triển. Do đó, nếu như người dân xứ du mục gắn bó với vó ngựa và cao nguyên thì đời sống người dân Việt Nam lại mang đậm hình ảnh của con thuyền và sông nước.

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng ngàn con sông lớn nhỏ, phân bố rộng khắp trên cả nước, lại có đường bờ biển dài hơn 3.260km, nên từ xa xưa, giao thông đường thủy, kỹ thuật đóng tàu thuyền của người Việt đã phát triển. Do đó, nếu như người dân xứ du mục gắn bó với vó ngựa và cao nguyên thì đời sống người dân Việt Nam lại mang đậm hình ảnh của con thuyền và sông nước.

Môi trường sông nước - một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam Trong ảnh: Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh
Môi trường sông nước - một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong ảnh: Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Gắn bó với con thuyền và sông nước từ thế hệ này sang thế hệ khác nên hình ảnh đó từ chỗ gần gũi quen thuộc khi đi vào mọi sinh hoạt, đời sống hằng ngày, đã dần dần ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, để rồi trở thành một dấu ấn rất riêng, đặc sắc trong văn hóa của người Việt.

* Bề dày văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các đô thị Việt Nam trong lịch sử đều là những nơi có cảng sông, cảng biển. Chẳng hạn: Hà Nội trên sông Hồng, Thanh Hóa trên sông Mã, Thừa Thiên - Huế trên sông Hương, Đà Nẵng trên sông Hàn, TP.Biên Hòa trên sông Đồng Nai, TP.HCM trên sông Sài Gòn, Cần Thơ trên sông Hậu...

Nếu như khi xưa, miền Trung có Hội An thì ở xứ Trấn Biên có Nông Nại đại phố đều là những thương cảng sầm uất, trên bến dưới thuyền, là nơi gặp gỡ của các tàu thương mại quốc tế một thời. Còn ngày nay, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu… đều có những cảng biển.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thêm, trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam nhiều lần có nhắc đến chi tiết: Trong số những họa tiết xuất hiện trên các trống đồng thời Đông Sơn, nổi bật có họa tiết hình chim và thuyền - biểu tượng của vùng sông nước. Từ thời Đông Sơn, người Việt đã đóng những con thuyền có hình dáng đa dạng, sức chở lớn, có loại bọc đồng, vượt biển đi tới các nước Đông Nam Á. Nhiều tài liệu lịch sử của nước ngoài ghi chép lại về kỹ thuật đóng thuyền biển phát triển của ông cha ta.

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã ghi chép về cảnh trên bến dưới thuyền rất sinh động như sau: “Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất thuận lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt…”.

Phương tiện đi lại và chuyên chở trên sông của người Việt từ xưa đã rất phong phú như: thuyền, xuồng, bè, phà, tàu, ghe… Trong thuyền thì cũng có rất nhiều chủng loại như: thuyền thúng, thuyền mành, thuyền chài, thuyền cóc, thuyền độc mộc, thuyền tam bản, thuyền rồng… Và đặc biệt, ghe thuyền được xem như con người và có linh hồn nên nhiều địa phương có phong tục vẽ mắt thuyền, giúp thuyền tránh gặp thủy quái làm hại, giúp ngư dân tìm được nhiều thủy sản, giúp cho bạn hàng may mắn tìm được nhiều bến bờ đem lại tài lộc…

Sự gắn bó của người Việt với đời sống sông nước không chỉ thể hiện trong việc đi lại, mà cả trong việc ở. Những người sống bằng nghề sông nước thường lấy ngay chiếc thuyền, chiếc bè nuôi thủy sản, phương tiện làm ăn ấy để làm nhà ở. Rồi nhiều nhà thuyền, nhà bè cùng quần tụ và lập nên những làng nổi, làng chài, xóm chài trên sông. Như ở Đồng Nai, hình ảnh làng nổi ở La Ngà vẫn là một hình ảnh thân quen, gần gũi… với bao người.

* Ăn sâu vào tâm khảm

Hình ảnh con thuyền và sông nước đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống người Việt. Biểu hiện rõ nét là hầu hết các mặt sinh hoạt đời sống của con người đều lấy con thuyền, sông nước làm chuẩn mực và đối tượng so sánh. Điều này không chỉ xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ của dân gian mà ngay cả đến ngày nay, trong xã hội hiện đại, người Việt khi sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày đều sử dụng từ ngữ mang dấu ấn sông nước một cách hết sức tự nhiên và gần gũi.

Cụ thể, trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ có nhiều câu mang hình ảnh sông nước như: nói về nghị lực, ý chí, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có câu: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, Chết trong còn hơn sống đục… Nói về sự vô tư, thiếu chuẩn bị thì có Nước đến chân mới nhảy. Nói về kinh nghiệm làm ăn thì: Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau; Bồi ở, lở đi; Bắc cầu mà noi, không ai bắt cầu mà lội… Nói về tính tiết kiệm, ông cha ta có cầu: Buôn tàu, buôn bè, không bằng ăn dè hà tiện. Nói về phụ nữ khi sinh nở khó khăn, cha ông ta có câu: Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển, mồ côi một mình. Nói về nhân tình thế thái, thành ngữ tục ngữ lại có câu: Dò sông dò biển dễ dò/ Đố ai lấy thước mà đo lòng người; Sông sâu còn có người dò, Lòng người nham hiểm ai đo cho tường… Nói về tình yêu đôi lứa trong ca dao, tục ngữ thì ông cha ta cũng mượn nhiều hình ảnh của sông nước để thể hiện: Thuyền về có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/ Thuyền theo lái, Gái theo chồng; Thuyền anh mắc cạn lên đây, Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền

Còn ngày nay, người Việt vẫn dùng phổ biến các từ ngữ mang dấu ấn sông nước: ánh mắt đắm đuối, chìm đắm trong suy tư, bơi giữa dòng đời, nói năng trôi chảy, ngâm hồ sơ, làn sóng Covid-19, giá cả bèo bọt, lặn ngụp giữa thời gian…

Ngay cả khi đi trên đường bộ, người Việt vẫn giữ thói quen nghĩ và nói theo cách đi đường thủy, chẳng hạn khi nhờ ai chở giúp một đoạn đường, người ta hay dùng từ quá giang (qua sông), các xe khách liên tỉnh thường được gọi là xe đò… Hay như ngày Tết ông Táo, các gia đình đều sắm sửa vật phẩm cùng cá chép để ông Táo cưỡi lên chầu Trời. Rồi đến khi về với thế giới bên kia, người Việt cũng quan niệm đó là một vùng sông nước nên mới gọi là: chín suối, suối vàng…, thế nên mới tiễn đưa bằng xe hình thuyền.

Hóa ra bấy lâu nay, trong suy nghĩ và ứng xử của mỗi người chắc chắn đều đã biết đến hoặc sử dụng những từ ngữ, phong tục nêu trên… Hiểu được ý nghĩa sâu xa, gốc rễ của hiện tượng này là như thêm một lần tìm về cội nguồn của văn hóa dân tộc, thêm một phương thức hữu hiệu để nối mạch nguồn truyền thống với thế hệ cha ông.

Một số sông, suối thuộc địa phận Đồng Nai

Theo ấn phẩm Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai của 2 tác giả Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi, Đồng Nai là tỉnh có nguồn nước ngầm và nước mặt phong phú thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt và đặc biệt có ý nghĩa về thủy điện. Con sông lớn và quan trọng nhất tỉnh là sông Đồng Nai, bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên, phía Nam dãy Trường Sơn, độ cao các đỉnh núi đầu nguồn đạt trên 2 ngàn mét. Sông Đồng Nai có lượng nước phong phú, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho TP.HCM, TP.Biên Hòa.

Sông La Ngà là phụ lưu lớn nhất bên tả ngạn sông Đồng Nai. Đây là con sông dồi dào về nguồn nước, phong phú về cảnh đẹp, lưu vực của nó là vùng kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển.

Lâm Viên

Tin xem nhiều