Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán lẻ truyền thống 'tìm đường' vượt khó

10:03, 20/03/2021

Trong bối cảnh các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi không ngừng mở rộng kênh bán hàng, hệ thống cửa hàng, đại lý... thì các mô hình bán lẻ, truyền thống gặp không ít khó khăn để cạnh tranh, tồn tại.

Trong bối cảnh các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi không ngừng mở rộng kênh bán hàng, hệ thống cửa hàng, đại lý... thì các mô hình bán lẻ, truyền thống gặp không ít khó khăn để cạnh tranh, tồn tại.

Một sạp tạp hóa ở chợ Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Quân
Một sạp tạp hóa ở chợ Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Quân

[links()]* Cửa hàng, sạp nhỏ “xoay trở” cạnh tranh

Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 148 chợ đang hoạt động, góp phần giải quyết an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh (trong đó hơn 18 ngàn hộ kinh doanh ổn định, thường xuyên). Ngoài ra, còn có hơn 65,9 ngàn cửa hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp… đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, đối với các kênh bán lẻ hiện đại, toàn tỉnh hiện có 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị và khoảng 200 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Vinmart+ và Co.opFood đang hoạt động.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng mở rộng khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại các chợ, cửa hàng, sạp bán lẻ truyền thống giảm so với trước đây. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, đồ may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất.

Trên thực tế, các chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện vẫn là kênh mua bán được phần lớn người dân ở khu vực nông thôn, khu vực đông công nhân, người lao động lựa chọn. Do đó, các mô hình bán lẻ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… để phù hợp với xu hướng mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng, cũng như thích nghi với những biến động của thị trường, tình hình dịch Covid-19 vốn dĩ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường…

Ông Phạm Ðình Khiêm, phụ trách quản lý chợ Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, trong thời gian qua, sức mua nhiều mặt hàng như nông sản, thực phẩm tại các sạp truyền thống tại chợ chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của kênh bán lẻ mới, hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều. Ðiều này đòi hỏi các tiểu thương cần nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm, niêm yết giá…

Bà Lê Thị Hòa, chủ một tạp hóa chuyên bán các loại bánh kẹo ở chợ Biên Hòa chia sẻ, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua khiến cho sức mua chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết vừa qua lượng hàng, sức mua giảm khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Các mô hình bán lẻ truyền thống thường hoạt động theo khung giờ cố định, còn các cửa hàng tiện lợi có lợi thế về thời gian linh hoạt hơn. Khi mức sống của người tiêu dùng ngày càng cao, tâm lý thích những trải nghiệm mua sắm mới, thì các cửa hàng, mô hình kinh doanh nhỏ lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

ThS Bùi Thị Xuân Hương, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương), giảng viên khóa tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh do Sở Công thương tổ chức vào đầu tháng 12-2020 phân tích, nhiều mặt hàng bày bán tại chợ không đa dạng bằng các siêu thị, cũng như một số chợ, cửa hàng nhỏ còn thiếu nguồn cung hàng hóa ổn định.

Hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là hình thức mua trực tiếp hoặc mua gián tiếp; không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, một số nơi chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh. Những điều này khiến cho nhiều mô hình chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ gặp những khó khăn, sức mua giảm khi vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại.

Người dân chọn mua các sản phẩm giày dép tại một sạp kinh doanh trong chợ Long Khánh (TP.Long Khánh)
Người dân chọn mua các sản phẩm giày dép tại một sạp kinh doanh trong chợ Long Khánh (TP.Long Khánh)

Mô hình bán lẻ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi như: chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng…

Ðơn cử, trong lĩnh vực điện tử, điện máy, các trung tâm, cửa hàng nhỏ, quy mô gia đình khó có lợi thế về thương hiệu, nguồn hàng, thường xuyên có những chương trình khuyến mại, giảm giá... so với các hệ thống siêu thị, trung tâm lớn. Do đó, để tồn tại, các cửa hàng, trung tâm nhỏ phải nỗ lực để giữ được các “mối quen”, đảm bảo các chế độ hậu mãi, hình thức thỏa thuận mua bán, giá cả linh hoạt, rõ ràng…

Bà Lý Minh Ngọc, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Thu Thanh - Minh Ngọc (đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trung tâm luôn chủ động cam kết giá bán cạnh tranh, hợp lý đối với từng dòng sản phẩm. Ngoài ra, trung tâm cũng đảm bảo các chế độ hậu mãi, bảo hành, cũng như miễn phí giao hàng trong vòng bán kính khoảng 20km đối với nhiều loại sản phẩm.

* Tìm cách thích ứng với tình hình mới

Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua.

Nhiều tiểu thương kinh doanh các sản phẩm thời trang như quần áo, vải vóc, giày dép… tại các chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình kinh doanh khá phập phồng, nhiều sạp thường xuyên trong tình trạng “ế khách”. Lượng khách đến mua sắm giảm từ 30-50%, thậm chí có sạp lên đến 70% so với trước khi có dịch Covid-19 đã khiến các chủ cửa hàng thua lỗ. Ðiều này buộc các tiểu thương phải tìm cách thích ứng nếu không sẽ “giậm chân tại chỗ”.

Chị Thu Thúy, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tình hình kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh nên buộc tôi phải tìm cách học hỏi rồi đầu tư thiết bị để bán online nhằm cải thiện doanh thu và chờ đợi những tín hiệu tích cực của thị trường, chứ nếu chỉ bán trực tiếp hiện nay thì rất khó cầm cự”.

Tương tự, đối với các sạp bán hàng thực phẩm, nông sản, nhiều tiểu thương cũng không còn bỡ ngỡ trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, những biến động của thị trường. Chị Diễm Thúy, chủ một sạp bán thịt heo ở chợ Bảo Hòa (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) chia sẻ, sạp chủ động niêm yết giá rõ ràng, luôn giữ thái độ phục vụ niềm nở để giữ khách hàng, đồng thời, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động cân đối nguồn thịt nhập về một cách phù hợp.

Hải Quân

Tin xem nhiều