Báo Đồng Nai điện tử
En

Vô địch Australian Open 2021: Novak Djokovic sẽ là tay vợt vĩ đại nhất?

03:02, 26/02/2021

"Vẫn nhích dù không được thích" - đó là ví von dành cho tay vợt người Serbia Novak Djokovic sau khi anh đạt được kỳ tích lần thứ 9 vô địch Giải quần vợt Úc mở rộng (Australian Open) 2021, qua đó "nhích" danh hiệu Grand Slam đoạt được trong sự nghiệp lên con số 18.

“Vẫn nhích dù không được thích” - đó là ví von dành cho tay vợt người Serbia Novak Djokovic sau khi anh đạt được kỳ tích lần thứ 9 vô địch Giải quần vợt Úc mở rộng (Australian Open) 2021, qua đó “nhích” danh hiệu Grand Slam đoạt được trong sự nghiệp lên con số 18.

Novak Djokovic vô địch lần thứ 9 tại Australian Open 2021. Ảnh: Reuters
Novak Djokovic vô địch lần thứ 9 tại Australian Open 2021. Ảnh: Reuters

“Bất khả chiến bại”, “Vị vua không thể bàn cãi” là lời khen ngợi của giới truyền thông quốc tế đối với Novak Djokovic khi anh hạ tay vợt Nga Daniil Medvedev để đăng quang tại giải Grand Slam đầu tiên trong năm của tay vợt người Serbia.

* “Độc cô cầu bại” tại Melbourne

Trang tin ATPtour cũng đưa ra thông số thống kê rằng “không có tay vợt nào khác có thể ở đẳng cấp của Djokovic ở Australian Open: thắng 82 trong số 90 trận đã đấu (tỷ lệ 91%), bao gồm toàn bộ 9 trận chung kết”. Djokovic thì nói: “Tôi rất mãn nguyện, hạnh phúc và vui mừng khi được cầm trên tay chiếc cúp này một lần nữa”.

Melbourne chính là nơi mang đến danh hiệu Grand Slam đầu đời cho Djokovic. Năm 2008, khi chỉ mới 20 tuổi, Djokovic đánh bại tay vợt da màu người Pháp Jo-Wilfried Tsonga để giành danh hiệu lớn đầu tiên của mình tại Australian Open. 13 năm sau, Djokovic đăng quang khi đã trở thành một người chồng và người cha của hai đứa con. Cách ăn mừng chiến thắng của anh cũng thay đổi, thay vì nhảy nhót “tới bến” tại vũ trường, hộp đêm… như xưa, Djokovic giờ giản dị hơn khi “chỉ ăn mừng ấm áp với gia đình, bạn bè và những người thân thiết nhất của tôi”.

“Mỗi người trong chúng ta đều có một cá tính riêng biệt, bao gồm tất cả những điều nhỏ nhặt truyền sức mạnh, truyền cảm hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục tiến bước qua bao tháng năm. Tôi không phải là ngoại lệ. Để trở thành người giỏi nhất trong môn quần vợt, tôi đã phải học hỏi rất nhiều kiến thức khác nhau ở các lĩnh vực và áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày của mình” - Novak Djokovic chia sẻ.

Daniil Medvedev là tay vợt giỏi bậc nhất trong nhóm các tay vợt thế hệ sau “Big Three” (nhóm ba tay vợt giàu thành tích nhất hiện nay gồm Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic, đoạt tổng cộng 58 danh hiệu Grand Slam: Federer và Nadal mỗi người 20 danh hiệu và Djokovic có 18 danh hiệu). Vậy mà trong trận chung kết đơn nam Australian Open 2021 đụng Djokovic, Medvedev hoàn toàn lép vế, yếu ớt, chẳng có cơ may nào đáng kể và thua dễ dàng chỉ trong ba set với thời gian chóng vánh (1 giờ 53 phút).

Novak Djokovic, 33 tuổi, đã trở thành tay vợt lão luyện khi hoàn thiện mình theo thời gian. Nếu như Roger Federer hào hoa phong nhã, lịch thiệp như một “quý ông” trên sân quần vợt cùng lối đánh hoàn hảo, Rafael Nadal dũng mãnh giàu sức mạnh, thì Novak Djokovic có sự kiên trì, tinh quái, bền chắc.

Không chỉ là tay vợt có cú trả giao bóng hay nhất lịch sử, Djokovic còn là người biết tự thúc đẩy trạng thái thể lực lẫn tinh thần lên cường độ cao khó đối thủ nào theo kịp. Lối chơi biến hóa, chiến thuật “nhì nhằn”, chất lượng ổn định ở các cú đánh và nhiều ngón nghề đầy kinh nghiệm khiến “Nole” rất khó bị bắt bài, rất khó bị đánh bại nếu như anh đạt phong độ đỉnh cao.

* “Không được thích” thì đã sao?

Chiếc cúp Australia Open 2021 là danh hiệu lớn (Big titles - gồm Grand Slam, huy chương vàng đơn Olympic, ATP Finals và Master 1000) thứ 59 trong sự nghiệp tay vợt Serbia. Cụ thể, anh vô địch ATP Finals 5 lần, đoạt 36 Master 1000 và 18 danh hiệu Grand Slam. Nadal có 56 danh hiệu lớn, còn con số này của Federer là 54.

Tính trong “Big 3”, Djokovic nhiều danh hiệu nhất và cũng có tỷ lệ chiến thắng cao nhất (59/194 - nghĩa là cứ chơi 3,3 trận thì giành 1 danh hiệu lớn). Ngày 8-3 tới, Djokovic cũng sẽ trở thành tay vợt sở hữu số tuần dẫn đầu bảng xếp hạng ATP nhiều nhất trong lịch sử quần vợt thế giới (311 tuần, vượt qua thành tích cũ của Roger Federer là 310 tuần).

Lẽ ra với sự chinh phục được rất nhiều cột mốc và danh hiệu đáng nể trong làng tennis như vậy, Djokovic được đông đảo người hâm mộ toàn cầu yêu mến là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng không hẳn là như thế. Hầu hết khán giả tennis khi nhắc đến tay vợt yêu thích nhất thường nghĩ ngay đến Roger Federer hay Rafael Nadal hơn là Djokovic. Có thể ví von rằng nếu đóng trong một bộ phim thì Federer và Nadal sẽ là người hùng cứu thế giới còn Djokovic vào vai… phản diện!

Djokovic tại Melbourne ngày 22-2-2021. Ảnh: Reuters
Djokovic tại Melbourne ngày 22-2-2021. Ảnh: Reuters

Chưa kể giới truyền thông không phải tất cả đều ủng hộ Nole, cho dù phải thừa nhận tài năng xuất sắc của anh. Ngay ở Australian Open 2021, truyền thông đã đưa tin theo hướng tiêu cực về Djokovic - từ chuyện “đòi hỏi” này nọ trong thời gian cách ly để phòng, chống Covid-19 cho đến nghi ngờ vết thương vùng cơ bụng của anh là “tiểu xảo” nhằm đánh lạc hướng các đối thủ. Nhưng bất chấp khó khăn trong lẫn ngoài sân Rod Laver Arena, Djokovic vẫn quyết chí thi đấu với tinh thần thép.

* Bài học về sự kiên cường

Vết thương của Novak Djokovic tại Australian Open đã được thừa nhận là sự thật chứ không phải “chiêu trò” của anh. “Theo những gì bác sĩ nói thì không quá tệ, nhưng tôi sẽ phải nghỉ một thời gian để chữa lành. Vết rách (cơ) đã lớn hơn. Nó dài 25 mm so với lúc đầu chỉ rách 17mm” - Djokovic nói sau khi đăng quang.

Vì vậy, tay vợt 18 lần vô địch Grand Slam vẫn học được bài học kinh nghiệm lớn nhất từ giải đấu ở Melbourne chính là “sự kiên cường và khả năng đối phó với chấn thương giữa chừng trong một giải đấu. Đó là điều thực sự mà tôi chưa thực sự trải qua ở mức độ đó trước đây”. Djokovic nói thêm: “Tôi chắc chắn đã được kiểm tra rất nhiều, về tinh thần và thể chất, và phải xoay xở từng ngày một. [Tôi] hiểu rằng nếu mọi việc được thực hiện một cách thực sự đúng đắn, thì bất kể bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, bạn vẫn có thể tìm ra lối thoát và đi hết con đường”.

Tay vợt Serbia chỉ còn kém kỷ lục 20 Grand Slam mà Roger Federer và Rafael Nadal nắm giữ thêm 2 lần đăng quang nữa. Và việc phá kỷ lục của hai tay vợt huyền thoại này chắc chắn được xem như một mục tiêu chính ở giai đoạn cuối sự nghiệp thể thao của Nole. “Sắp tới tôi sẽ chỉ chú trọng tranh tài tại các giải Grand Slam” - Djokovic không giấu giếm ý định sẽ giảm tần suất thi đấu của mình để “tập trung vào chất lượng” chính là các giải Grand Slam, nhằm xác lập kỷ lục mới về số lần vô địch giải đấu quan trọng nhất và chỉ tổ chức 4 giải mỗi năm này.

* Cuộc đua năm 2021

Như vậy Djokovic cũng đi theo bước đường của Federer: né gánh nặng tuổi tác bằng cách “thông minh” hơn khi chọn lọc lịch trình thi đấu phù hợp và dồn sức “đúng thời điểm”. Sau chức vô địch Australian Open 2021, Nole sẽ là ứng cử viên số một cho chức vô địch Mỹ mở rộng (US Open, diễn ra từ ngày 30-8 đến 12-9) vì thi đấu trên mặt sân cứng.

Trước đó, Wimbledon diễn ra tại London mùa hè tới (từ ngày 28-6 đến 11-7) cũng là cơ hội đăng quang cho Djokovic khi anh từng 5 lần vô địch. Còn tại Roland Garros (Giải Pháp mở rộng, diễn ra tại Paris từ ngày 17-5 đến 6-6), nơi Djokovic chỉ 1 lần đăng quang sau 5 lần lọt vào trận chung kết, thành tích của anh sẽ được nâng cao nếu vượt qua “ông vua đất nện” Nadal.

Cuộc đua trở thành biểu tượng thống trị vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt (cũng là một phần lịch sử thể thao thế giới) giữa “Big Three” vẫn rất gay cấn và hấp dẫn. “Cho tới khi giải nghệ, tôi muốn giành nhiều Grand Slam nhất có thể” - Djokovic thổ lộ tham vọng của mình. Có ít nhất một người tin chắc “Novak Djokovic sẽ là tay vợt xuất sắc nhất trong lịch sử quần vợt nam chỉ trong vòng một năm, hay một năm rưỡi tới”. Đó chính là cha anh - ông Srdjan Djokovic (60 tuổi) - trong phát biểu ngày 24-2 với tờ báo Serbia Kurir.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều