Trong thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân gây áp lực tinh thần, xúc phạm, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế khiến dư luận bất bình. Sự tổn thương tâm lý cũng như thương tích thể chất đã khiến không ít người làm công tác y tế lo lắng, áp lực.
Trong thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân gây áp lực tinh thần, xúc phạm, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế khiến dư luận bất bình. Sự tổn thương tâm lý cũng như thương tích thể chất đã khiến không ít người làm công tác y tế lo lắng, áp lực.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lúc nào cũng đông, nhiều bệnh nặng, nguy kịch nên đội ngũ nhân viên y tế của khoa rất áp lực |
Ngành y tế đã từng đề xuất cần có một cơ chế riêng để bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế. Trong đó, hành vi hành xử thô bạo với bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ xem là tội gây rối trật tự nơi công cộng và chỉ bị xử phạt hành chính, mà nên được xét xử như tội danh chống người thi hành công vụ, nếu cần có thể truy tố hình sự. Có như thế mới răn đe được những kẻ côn đồ và bảo vệ đội ngũ thầy thuốc để họ tận tâm, tận lực cứu người.
Nghề nhiều áp lực...
Theo tâm sự của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nghề y vốn đã áp lực, nhưng còn áp lực hơn khi tình trạng người nhà bệnh nhân tấn công, gây thương tích cho bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, khi lựa chọn nghề y, đội ngũ y, bác sĩ đã “gánh” trên vai trách nhiệm nặng nề là cứu người. Thế nhưng, gánh nặng đang trở nên nặng hơn khi nhiều nhân viên y tế nơm nớp lo sợ bị người nhà, bệnh nhân tấn công.
Trong năm 2020, TAND TP.Biên Hòa mở 2 phiên tòa xét xử 2 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Phiên xét xử vào tháng 4-2020, TAND TP.Biên Hòa tuyên bị cáo Nguyễn Phước Vũ (ngụ H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) 14 tháng tù giam về tội gây rối trật tự nơi công cộng. Trước đó, vào tháng 1-2020, Vũ chăm sóc cha điều trị tại bệnh viện và đã tấn công, gây thương tích cho BS Huỳnh Tấn Phúc, Phó trưởng khoa Nội thần kinh - chỉ vì bác sĩ này nhiều lần nhắc Vũ phải choàng áo và thay dép khi vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhằm chống nhiễm khuẩn cho người bệnh.
Vào tháng 5-2020, TAND TP.Biên Hòa cũng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Lâm (33 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) 10 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Ngày 26-6-2019, Lâm dùng tay đấm vào mặt bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Nguyễn Lan Hương dẫn đễn đông người tập trung gây ồn ào, mất trật tự, làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện
Đến giờ BS Hương vẫn còn sợ sau lần bị hành hung ấy. Chị cho biết, họ xem nhân viên y tế như là nơi trút giận khi đánh bác sĩ chỉ vì một chuyện không đáng. Tất nhiên, kẻ côn đồ phải trả giá cho hành động sai trái, nhưng sự tổn thương về thể chất, tinh thần của bác sĩ thì khó có thể bù đắp.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng từng xảy ra vụ việc bác sĩ Khoa Cấp cứu bị người nhà bệnh nhân cầm dao khống chế, gây sức ép buộc phải cứu người nhà của họ và dọa giết nếu để người nhà của họ chết. Trong tình huống “căng như dây đàn” ấy, bác sĩ khó có thể bình tĩnh, tập trung cao độ để cứu bệnh nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh.
Nói về áp lực khi làm việc ở Khoa Cấp cứu, BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tâm sự: “Các bác sĩ và nhân viên y tế ở khoa cũng từng bị người nhà bệnh nhân xúc phạm, nhẹ là chửi mắng, nặng là gây áp lực và hành hung. Chúng tôi hiểu trong tình huống người nhà bị bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa, người thân thường lo lắng, hoảng hốt, rối trí và... rất dễ bức xúc. Nhưng họ cần hiểu rằng, bằng con mắt chuyên môn, bác sĩ biết tình trạng bệnh nhân đó nặng hay nhẹ, người nào cần ưu tiên cấp cứu trước. Công việc đã căng thẳng, nếu người nhà gây thêm áp lực, bác sĩ sẽ không thể làm điều tốt nhất cho người nhà của họ được”.
Cần có cơ chế bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế
Theo thống kê từ một số bệnh viện trong tỉnh, nhân viên y tế ở các khu vực trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh và nhà xác thường bị “tấn công” nhiều hơn các khoa khác. Đối tượng tấn công bác sĩ có khi là người nhà bệnh nhân, người bệnh say xỉn hoặc người bệnh nghiện ma túy lên cơn “ngáo đá”... Nguyên nhân việc tấn công bác sĩ là do bức xúc vì một chuyện gì đó, không hiểu quy trình chuyên môn, ưu tiên trong cấp cứu, dẫn đến có hành vi thô bạo.
TS-BS, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, qua nhiều vụ việc, bệnh viện cũng đã tăng số lượng bảo vệ và bố trí bảo vệ trực cả ngày lẫn đêm để đề phòng và ngăn chặn các hành vi gây rối trong bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện cũng gắn camera an ninh tại những khu vực nhạy cảm và cho người theo dõi 24/24. Khi phát hiện sự việc mất an ninh, đội bảo vệ trực có mặt ngay lập tức để can ngăn, đồng thời nhân viên bệnh viện cũng có mặt để giải thích, hướng dẫn và giải quyết sự việc.
Còn ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, một đội bảo vệ 60 người đã được thành lập, có nhiệm vụ “tuần tra” liên tục tại những nơi dễ xảy ra bức xúc, gây hấn như khoa cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh và nhà xác. “Bệnh viện cũng đã ký kết với Công an P.Tam Hòa để hỗ trợ giải quyết các vụ việc gây rối, mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chỉ nhằm giải quyết tình huống. Về căn cơ, cần phải có luật về bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn nói.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm công việc cứu chữa, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vì bất cứ lý do gì mà có hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế là hành vi phản cảm, đáng bị lên án và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: Chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ Một trong những giải pháp hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước các hành vi côn đồ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đó là việc chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho đội ngũ nhân viên y tế. Ngoài ra, bệnh viện cũng không ngừng phát triển tay nghề chuyên môn cũng như chất lượng khám, chữa bệnh nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh, hạn chế những bức xúc không đáng có. Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): Cần có cơ chế bảo vệ bác sĩ Hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế là hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. Nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 11% trở lên thì theo khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự, người gây thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, môi trường làm việc của đội ngũ y tế là bệnh viện - một môi trường lao động đặc biệt, vì thế ngành y tế cần kiến nghị Nhà nước ban hành các quy chế riêng biệt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ nhân viên y tế trong khi thực hiện công việc. Chẳng hạn như quy chế bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế để giữ an ninh, an toàn cho đội ngũ này ở bệnh viện Theo Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cấm các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của y, bác sĩ, kỹ thuật viên... Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau. |
Phương Liễu