Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm người "dẫn đường" cho các nhà khởi nghiệp

11:02, 27/02/2021

Nhiệt huyết, kiến thức có thể có nhưng kinh nghiệm là điều mà nhiều người khởi nghiệp còn thiếu. Ngay cả khi đã thành công bước đầu, người khởi nghiệp nếu đi sai hướng sẽ phải trả giá rất đắt. Để có thể hạn chế sai lầm, giải pháp tốt nhất là tham khảo, học hỏi từ những người có kinh nghiệm, nhà tư vấn (mentor).

Nhiệt huyết, kiến thức có thể có nhưng kinh nghiệm là điều mà nhiều người khởi nghiệp còn thiếu. Ngay cả khi đã thành công bước đầu, người khởi nghiệp nếu đi sai hướng sẽ phải trả giá rất đắt. Để có thể hạn chế sai lầm, giải pháp tốt nhất là tham khảo, học hỏi từ những người có kinh nghiệm, nhà tư vấn (mentor).

Một chương trình đào tạo khởi nghiệp ở Đồng Nai
Một chương trình đào tạo khởi nghiệp ở Đồng Nai

Mạng lưới cố vấn trong khởi nghiệp

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống… tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành cũng như các chương trình hỗ trợ, định hướng ngay từ giai đoạn đầu, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh theo hướng ĐMST, có khả năng tăng trưởng nhanh và nhân rộng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Theo TS Nguyễn Văn Tân, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bên cạnh chủ lực chính là người khởi nghiệp, các tổ chức nhà nước, tổ chức DN thì cần coi trọng vai trò của những chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp. “Thực tế cho thấy, với những địa phương kết nối được mạng lưới chuyên gia uy tín, hoạt động khởi nghiệp và ĐMST của người trẻ, DN khởi nghiệp ở đó gặt hái được nhiều thành quả” - TS Nguyễn văn Tân khẳng định.

Để tránh được sai lầm, các startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà DN khởi nghiệp của mình đang hoạt động, những người này phải hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh. Từ đó có thể thấy, mentor là người đưa ra những định hướng, giới thiệu cơ hội và hỗ trợ cho người khởi nghiệp thành công. Không chỉ là một người hướng dẫn mà mentor còn là người bạn, một cố vấn dõi theo suốt quãng thời gian khởi nghiệp ban đầu, thậm chí là rót vốn đầu tư vào dự án của người khởi nghiệp.

Một trong những đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cố vấn, nhà đào tạo chuyên nghiệp là Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch hội đồng thì các thành viên của hội đồng có gần một nửa là giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng, phần còn lại là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện hội đồng đang phấn đấu để trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, có sứ mệnh ươm mầm khát vọng doanh nhân cho giới trẻ. Giá trị cốt lõi của hội đồng là kết nối nguồn lực khởi nghiệp cộng đồng và phát triển năng lực khởi nghiệp quốc gia.

Từ các cuộc thi, các dự án khởi nghiệp tốt, hội đồng có thể hỗ trợ hoặc kêu gọi hỗ trợ vốn, kiến thức quản trị để dự án đó nhanh chóng triển khai, biến ý tưởng thành hiện thực. Hội đồng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo khởi nghiệp và giao lưu doanh nhân tại các trường đại học ở TP.HCM cũng như các tỉnh, thành miền Nam và Đồng Nai là một trong những địa phương ưu tiên. Năm 2021, hội đồng tiếp tục sứ mệnh ươm mầm doanh nhân Việt, thành lập CLB Mentoring để hỗ trợ cho các thanh niên, sinh viên, những người có tâm huyết và có ý tưởng khởi nghiệp, nhằm hướng dẫn cho họ “thành nhân trước khi thành doanh”. Đồng thời, hội đồng thành lập Ban Hỗ trợ và phát triển dự án, nhằm hỗ trợ các dự án đạt thành tích cao tại các cuộc thi đi vào thực tiễn kinh doanh. Hội đồng cũng sẽ thành lập Quỹ đầu tư để đầu tư vào các dự án.

Đồng Nai nỗ lực kết nối

Là địa phương năng động trong sự hình thành, phát triển DN nói riêng, khởi nghiệp nói chung, Đồng Nai đang nỗ lực kết nối với các tổ chức đào tạo, chuyên gia trong hoạt động khởi nghiệp.

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thanh Hiền và TS Nguyễn Văn Tân (thành viên cố vấn Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh) trao giải tại một cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thanh Hiền và TS Nguyễn Văn Tân (thành viên cố vấn Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh) trao giải tại một cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức

Trong thời gian qua, tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai, ban hành kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST giai đoạn 2018-2023 nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và phát huy tiềm năng phát triển cộng đồng DN khởi nghiệp của địa phương.

Trên thực tế, qua hơn 2 năm thực hiện kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, các hoạt động mới chỉ dừng ở công tác tuyên truyền các văn bản, cuộc thi khởi nghiệp ĐMST, chưa tập trung sâu rộng vào các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch khởi nghiệp theo chương trình riêng như: đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Tuy nhiên, hoạt động cũng chưa đi vào chiều sâu, cơ bản chưa hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Rất ít các DN khởi nghiệp thực sự phát triển dựa trên nền tảng khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Là cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới tư vấn khởi nghiệp, lãnh đạo Sở
KH-CN cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ nỗ lực để kết nối với đội ngũ chuyên gia, nhà tư vấn, cố vấn khởi nghiệp để thúc đẩy chương trình. Cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành quy định nội dung chi, mức chi thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn Đồng Nai. Theo đó sẽ có khoản kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp ĐMST, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh.  

Theo bộ phận khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường đại học Lạc Hồng, những năm qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với các định chế khởi nghiệp, các chuyên gia, chủ DN, thông qua đó hợp tác, hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo khởi nghiệp. Sự hợp tác đó thể hiện bằng việc tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng, lập dự án kinh doanh dành cho thanh niên, sinh viên. Tư vấn, hỗ trợ phát triển các ý tưởng trở thành các dự án kinh doanh, làm cầu nối tìm kiếm các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư để triển khai các dự án khả thi, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của sinh viên...

Văn Gia

Tin xem nhiều