Khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được Chính phủ, các địa phương thúc đẩy phát triển trong những năm vừa qua. Trong đó, các trường đại học có vai trò, vị trí quan trọng trong hỗ trợ hình thành cộng đồng doanh nghiệp (DN), góp sức cùng Chính phủ thực hiện được mục tiêu có từ 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025. Tuy nhiên, đại học mới chỉ là bước đầu, khởi sự nhận thức của sinh viên, tiền đề để các "doanh nhân tương lai" làm quen với khởi nghiệp.
Khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được Chính phủ, các địa phương thúc đẩy phát triển trong những năm vừa qua. Trong đó, các trường đại học có vai trò, vị trí quan trọng trong hỗ trợ hình thành cộng đồng doanh nghiệp (DN), góp sức cùng Chính phủ thực hiện được mục tiêu có từ 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025. Tuy nhiên, đại học mới chỉ là bước đầu, khởi sự nhận thức của sinh viên, tiền đề để các “doanh nhân tương lai” làm quen với khởi nghiệp.
Ông Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM |
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM đã có những chia sẻ cùng Đồng Nai Cuối tuần.
Nơi tạo ra những doanh nhân tiềm năng để có thể khởi nghiệp
* Thưa ông, những năm qua, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được nhân lên rộng rãi ở Việt Nam, trong đó có các trường đại học, ông đánh giá về hiệu ứng này như thế nào?
- Tới thời điểm hiện tại, các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã bước đầu có những kết quả khả quan cho học sinh, sinh viên. Các kết quả khả quan đó thể hiện qua việc các trường đại học đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm cho hoạt động khởi nghiệp. Tùy theo mức độ, các trường đại học đã có những hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên. Nhiều trường đã từng bước mở rộng và xây dựng môi trường cho sinh viên có thể trải nghiệm những hoạt động khởi nghiệp. Từ đó, một số dự án khởi nghiệp của sinh viên bắt đầu mang hàm lượng tri thức, hàm lượng công nghệ cao hơn, mô hình kinh doanh sát hơn với thực tế của xã hội. Đó là kết quả có thể nhận thấy được sau một vài năm khi các trường đại học mày mò, triển khai những hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp.
* Nhưng không phải sinh viên nào cũng phù hợp với khởi nghiệp và không phải dự án khởi nghiệp nào của sinh viên cũng thành công? Các trường đại học liệu có phải là nơi tạo ra DN khởi nghiệp?
- Các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp là nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê học hỏi của sinh viên, nhưng không nhất thiết là mọi sinh viên đều cần phải tham gia hoạt động khởi nghiệp. Có thể có một tỷ lệ, đâu đó khoảng 5% sinh viên có xu hướng khởi nghiệp, trải nghiệm những hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường.
Ngay cả các trường đại học, vai trò thúc đẩy khởi nghiệp cũng không phải là nơi để tạo ra DN. Vai trò của nhà trường là tạo ra những doanh nhân tiềm năng, tầng lớp này có đủ trí thức, tiềm năng để có thể khởi nghiệp. Nếu có được nguồn nhân lực này thì sẽ giúp nền kinh tế gặt hái được thành công trong tương lai.
Xin nói lại, vai trò hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường đại học không phải là tạo ra thành quả trực tiếp là các DN mà được thể hiện gián tiếp thông qua đào tạo nguồn lực con người, qua việc giúp sinh viên tiếp cận môi trường thực tế để có thể thành công hơn trong tương lai. Để gia tăng số lượng cũng như chất lượng các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì các trường đại học là tiền đề để có được thế hệ doanh nhân tiềm năng, chất lượng.
* Đại học Quốc gia TP.HCM là đầu mối đào tạo khoa học - công nghệ hàng đầu của cả nước. Tại đây có nhiều hoạt động hướng vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nổi bật là Khu công nghệ phần mềm (ITP). Vậy mục tiêu của khu công nghệ này là gì, thưa ông?
- Nhiệm vụ của trung tâm là tạo môi trường thuận lợi giúp tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ phần mềm nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nói chung. ITP hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến cao gắn với công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm và dịch vụ với ưu tiên công nghệ phần mềm.
Điều thuận lợi là khu Đại học Quốc gia có 8 trường thành viên và viện nghiên cứu, lại nằm trong khu đô thị phía Đông thành phố (hiện là TP.Thủ Đức), nơi tập trung khu công nghệ cao diện tích hơn 1 ngàn ha với nhiều tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao, trung tâm phát triển mới của thành phố. ITP là một trong những trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao và trung tâm, hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. ITP cũng đang đẩy mạnh hoạt động liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới nhằm xây dựng hệ thống giáo trình đào tạo chuẩn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thành phố cũng như của khu vực.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ITP đã bảo đảm các điều kiện về cơ chế, hạ tầng tiện ích, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông và dịch vụ hỗ trợ nhằm đảm bảo một môi trường thuận lợi để các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp tập trung phát triển hoạt động cốt lõi của mình. Song song đó là xây dựng một mạng lưới các bên liên quan như: đại học, viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư và các DN khởi nghiệp thành công.
Đổi mới sáng tạo là xu hướng phát triển của tương lai
* Đồng Nai đang khuyến khích và hỗ trợ cho khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông nhận định như thế nào về tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ ở địa phương?
- Đồng Nai là tỉnh có quy mô kinh tế lớn, hiện đại, có cộng đồng DN đông đảo, lại gần kề thị trường lớn, trung tâm giáo dục - đào tạo TP.HCM nên cơ hội khởi nghiệp rất lớn. Không chỉ vậy, với các dự án hạ tầng như: sân bay, cao tốc cùng với đó là nhu cầu hàng hóa từ hàng chục ngàn DN trên địa bàn cũng là tác nhân mạnh mẽ để thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khi một địa phương có nền kinh tế năng động sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với những lợi thế của mình, Đồng Nai có thể triển khai các hoạt động khởi nghiệp nhanh hơn, đi vào chiều sâu hơn và có khả năng hiện thực hóa, thành công cao hơn so với những địa phương có nền kinh tế chưa phát triển tốt. Một điều cần lưu ý là ngoài những chương trình thúc đẩy kinh doanh, thành lập DN thông thường thì nên đầu tư hơn vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chỉ có gắn với đổi mới sáng tạo thì tương lai mới phát triển bền vững và tiếp cận nhanh hơn, hoàn thành các mục tiêu đặt ra sớm hơn. Với các hoạt động phong phú của mình, Đại học Quốc gia TP.HCM có thể hợp tác và sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn cùng với địa phương để tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp.
Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Namix, một dự án khởi nghiệp thành công nhờ được ươm tạo tại Khu công nghệ phần mềm (ITP) Đại học Quốc gia TP.HCM |
* Như ông vừa nói, đổi mới sáng tạo có phải là xu hướng của tương lai để phát triển bền vững?
- Qua 7 năm triển khai chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự hình thành, tham gia của các DN, chúng tôi nhận thấy đóng góp của họ rất thiết thực. Họ chủ động trong những chương trình của Chính phủ như chuyển đổi số. Chúng ta cũng đã bước đầu hình thành thế hệ doanh nhân có thể tạo ra những giá trị mới dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, tri thức và những mô hình sáng tạo mới.
Cũng cần phải nói tới việc cộng sinh của các DN, ngay cả những DN lớn, đã thành công đều phải có những thay đổi nếu không muốn bị lạc hậu. Trong quá trình phát triển, họ cần những ý tưởng mới, chất xúc tác, nguồn lực mới. Những nguồn lực mới đó đến từ các DN trẻ, đổi mới sáng tạo. Thị trường ngày nay không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là thị trường cùng tồn tại để phát triển. Chính vì vậy, yếu tố đổi mới, sáng tạo rất quan trọng. Nếu vấn đề này được chú trọng thì sự cộng sinh, hợp tác của cộng đồng DN sẽ tạo ra thị trường rộng lớn hơn, cơ hội cùng thắng của DN cũng cao hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Văn Gia (thực hiện)