Báo Đồng Nai điện tử
En

Tô điểm cho đời bằng lời ca, điệu múa

08:01, 15/01/2021

Ban ngày bận rộn với công việc mưu sinh, chăm sóc gia đình nhưng tối đến hoặc sáng sớm, nhiều chị em lại tề tựu về nhà văn hóa khu phố hoặc một khuôn viên đủ rộng để cùng nhau tập múa hát, nhảy dân vũ…

Ban ngày bận rộn với công việc mưu sinh, chăm sóc gia đình nhưng tối đến hoặc sáng sớm, nhiều chị em lại tề tựu về nhà văn hóa khu phố hoặc một khuôn viên đủ rộng để cùng nhau tập múa hát, nhảy dân vũ…

Một tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu của Đội văn nghệ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Sơn
Một tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu của Đội văn nghệ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Sơn

Hoạt động này không chỉ góp phần tăng cường sức khỏe, giảm áp lực cuộc sống mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bản thân và cho cộng đồng.

* Bản thân được vui

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng bởi không khí lạnh từ miền Bắc, nhiệt độ ở Nam bộ, trong đó có Đồng Nai giảm, nhất là vào buổi sáng sớm. Bất chấp cái lạnh buổi sáng sớm, các bà, các chị là thành viên của CLB Vui khỏe ở KP.11 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vẫn duy trì thói quen dậy sớm, mặc đồng phục của CLB, di chuyển ra tuyến đường vắng trong khu dân cư để tập nhảy dân vũ. Cả một đoạn đường dài, 120 thành viên trong trang phục quần trắng, áo hồng đã xếp hàng ngay ngắn. Nhạc bật lên, tất cả đều nhảy theo nhạc đều răm rắp.

Chị Bạch Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, không chỉ phục vụ các sự kiện của địa phương, nhiều đội, nhóm văn nghệ của phụ nữ thỉnh thoảng còn tổ chức cho chị em nhảy dân vũ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng.

Bà Tạ Thị Nghị, Chủ nhiệm CLB, người khởi xướng hoạt động nhảy dân vũ cho biết, cách đây khoảng 2 năm, bà thấy cần phải có một hoạt động để tập hợp hội viên phụ nữ trong khu phố cùng tham gia, đồng thời giúp chị em vui khỏe trong cuộc sống. Nhiều lần xem trên mạng, bà thấy hình thức nhảy dân vũ là phù hợp nên bà Nghị đã cùng 5 chị em khác tham gia tập vào buổi sáng (từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30). Trước khi tập, bà Nghị nghiên cứu bài nhạc, lựa chọn động tác, tự tập ở nhà. Buổi tập đầu tiên, bà sẽ đứng trước làm mẫu để các chị em nhảy theo. Ban đầu ít người nên chủ yếu là dùng điện thoại có kết nối internet mở nhạc và tập theo.

Những ngày đầu, nhiều người đi tập thể dục hiếu kỳ đứng lại xem, có người thấy hay hay cũng đứng vào hàng nhảy theo. Cứ như thế, không ai bảo ai, cứ sáng sớm chị em tập trung tại tuyến đường vắng để cùng tập nhảy. Để cho có tổ chức, bà Nghị đã đề xuất thành lập CLB, chị em cùng đóng góp để trang bị đồng phục, sắm loa. Điều đáng chú ý, thành viên CLB đủ mọi lứa tuổi (từ 25 cho đến gần 80 tuổi).

CLB Vui khỏe KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa duy trì tập luyện mỗi buổi sáng
CLB Vui khỏe KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa duy trì tập luyện mỗi buổi sáng

Là người lớn tuổi nhất CLB, bà Từ Thị An (78 tuổi) chia sẻ, trước đây bà bị bệnh về xương khớp có lúc đau không đi lại được. Nghe con cháu chỉ, bà tập yoga theo video trên mạng. Vấn đề đau nhức xương khớp có cải thiện dần. 5 tháng trở lại đây, một người hàng xóm rủ bà đi nhảy dân vũ. Vì tò mò nên bà nhảy thử... Từ đó, ngoài việc duy trì tập yoga ở nhà, bà tham gia nhảy dân vũ, tình trạng đau nhức giảm đáng kể. Đặc biệt, nhảy dân vũ có nhiều người nên vui hơn tập yoga một mình ở nhà.

Với mong muốn tạo cho chị em một sân chơi để giải tỏa những căng thẳng mệt mỏi của cuộc sống, từ năm 2013, Chi hội Phụ nữ KP.Vườn Dừa (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) thành lập đội văn nghệ của khu phố. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.Vườn Dừa Hoàng Thị Tú Oanh cho biết, từ khi thành lập đến nay, đội thường có từ 8-12 thành viên tham gia tập luyện vào 2 buổi tối/tuần.

Bà Ngô Hiền Hậu - thành viên của đội văn nghệ cho hay, tham gia tập văn nghệ vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí để đầu tư trang phục, thuê đạo cụ mỗi lần biểu diễn nhưng cái mà bà có được chính là những nụ cười sảng khoái, giấc ngủ ngon sau mỗi buổi tập. Cũng bởi niềm vui mà chị Phạm Thị Sen mặc dù  làm việc theo ca kíp vẫn tích cực tham gia đội văn nghệ. Chị Sen chia sẻ, sau một ngày làm việc, chỉ 1-2 tiếng đồng hồ gặp và tập luyện cùng chị em, bao mệt mỏi lại tan biến. Tuần nào làm ca đêm, không thể tập cùng chị em, chị Sen tự tập ở nhà sau đó mới ráp cùng với các thành viên trong đội.

* Đóng góp cho phong trào tại địa phương

Chị Hoàng Thị Tú Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.Vườn Dừa cho hay, từ khi đội văn nghệ thành lập và đi vào hoạt động không chỉ giúp cho hội viên phụ nữ là thành viên của đội có cơ hội được thể hiện niềm đam mê, năng khiếu ca múa của bản thân, giúp chị em giải tỏa những áp lực cuộc sống mà đội văn nghệ còn đóng góp cho phong trào của địa phương. Các tiết mục ca múa của đội thường được sử dụng để phục vụ các buổi sinh hoạt của chi hội, các hội nghị sơ kết, tổng kết của cấp ủy, các đoàn thể cấp khu phố, cấp phường; đại diện địa phương tham gia các hội thi, hội diễn…

Đội văn nghệ KP.Vườn Dừa, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) tập luyện tiết mục mới
Đội văn nghệ KP.Vườn Dừa, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) tập luyện tiết mục mới

Những ai có mặt tại hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Đồng Nai năm 2020 được Hội LHPN tỉnh tổ chức mới đây cũng phải trầm trồ khen ngợi khi xem các tiết mục văn nghệ do chính hội viên, phụ nữ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) biểu diễn.

Bà Phạm Thúy Bắc, Đội trưởng Đội văn nghệ KP.Long Đức 1 - người chịu trách nhiệm biên đạo cho các tiết mục, tập luyện cho các thành viên chia sẻ, để có được một mục hay biểu diễn trên sân khấu, bản thân bà cũng như các thành viên trong đội phải trải qua khoảng thời gian tập luyện vất vả. Theo lời kể của bà Bắc, trong thời gian bà về quê (ở tỉnh Thái Bình) giải quyết công việc thì nhận được tin đội chuẩn bị gấp một chương trình văn nghệ khoảng 3 tiết mục để phục vụ hội nghị tổng kết.

Giải quyết xong công việc cá nhân, ngày thứ sáu (25-12) bà từ Bắc bay vào Nam, vội vã triệu tập cả đội để thống nhất tiết mục, phân vai và tập luyện. Từ lúc bắt đầu cho tới khi diễn chỉ vỏn vẹn hơn 3 ngày, các thành viên trong đội đã động viên nhau cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tham gia tập luyện cho kịp thời gian. Phần lớn thành viên trong đội là phụ nữ hưu trí ở nhà nội trợ hoặc trông cháu nhỏ. Toàn những việc không tên nhưng làm cả ngày không hết việc, để tham gia tập luyện, có người phải dậy từ rất sớm đi chợ, làm việc nhà, người có cháu nhỏ thì đưa cháu đến nơi tập để vừa trông cháu vừa tập…

Thời gian có thể sắp xếp nhưng khó khăn về tuổi tác là cản trở khó mà khắc phục. Theo bà Bắc, các chị em phần lớn là trên 50, 60 tuổi nên một tiết mục lâu không tập, lúc tập lại như mới. Nhiều động tác đòi hỏi sự linh hoạt, đứng lên ngồi xuống trở thành khó khăn, thách thức với các chị em có bệnh về xương khớp… Khó khăn không kể hết, nhưng vì đam mê, vì trách nhiệm, mỗi thành viên đã nỗ lực khắc phục nhược điểm của bản thân để cùng với tập thể đội hoàn thành hết chương trình văn nghệ này đến chương trình văn nghệ khác, cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc được khen ngợi và đánh giá cao. Bình quân mỗi năm, đội văn nghệ KP.Long Đức 1 biểu diễn phục vụ trên 10 sự kiện lớn nhỏ của phường, của thành phố, của tỉnh.

Nga Sơn

Tin xem nhiều