Báo Đồng Nai điện tử
En

Telegram và Signal: Người hùng thời loạn?

11:01, 22/01/2021

Telegram và Signal là 2 ứng dụng có lượng người dùng tăng đột biến trong khoảng 2 tuần nay tại Mỹ. Một số người ở Việt Nam cũng "chạy" theo trào lưu này và hô hào sử dụng Telegram và Signal thay cho Facebook, Twitter. Thực hư điều này như thế nào?

Telegram và Signal là 2 ứng dụng có lượng người dùng tăng đột biến trong khoảng 2 tuần nay tại Mỹ. Một số người ở Việt Nam cũng “chạy” theo trào lưu này và hô hào sử dụng Telegram và Signal thay cho Facebook, Twitter. Thực hư điều này như thế nào?

Telegram cung cấp các cuộc gọi ẩn danh và bí mật. Ảnh minh họa: RFI
Telegram cung cấp các cuộc gọi ẩn danh và bí mật. Ảnh minh họa: RFI

Signal, Telegram là gì?

Điểm chung của 2 ứng dụng này là những ứng dụng nhắn tin trên nền tảng internet, có tính bảo mật rất cao và miễn phí.

Telegram là phần mềm ứng dụng và phần mềm nhắn tin tức thời (IM, Instant Messaging) đa nền tảng, miễn phí. Dịch vụ được ra mắt vào ngày 14-8-2013 cho iOS và 2 tháng sau đó cho Android. Telegram cung cấp các cuộc gọi được mã hóa đầu cuối và các cuộc trò chuyện “bí mật” được mã hóa đầu cuối tùy chọn giữa hai người dùng trực tuyến trên smart phone. Người dùng có thể gửi tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại, hình động, thực hiện cuộc gọi thoại và video, đồng thời chia sẻ không giới hạn số lượng hình ảnh, tài liệu (2 GB mỗi tệp), vị trí người dùng, thông tin liên hệ và âm nhạc. Hiện nay, Telegram đã có hơn 500 triệu người dùng hoạt động hằng tháng.

 Signal là dịch vụ nhắn tin mã hóa tập trung đa nền tảng do Signal Foundation và Signal Messenger phát triển, ra đời vào tháng 7-2014. Nó sử dụng internet để gửi tin nhắn một đối một và tin nhắn nhóm, có thể bao gồm tệp, ghi chú thoại, hình ảnh và video. Nó cũng có thể được sử dụng để thực hiện cuộc gọi thoại và video một đối một và nhóm. Signal sử dụng các số điện thoại di động tiêu chuẩn làm số nhận dạng và bảo mật mọi thông tin liên lạc với những người dùng Signal khác bằng mã hóa đầu cuối. Tính đến tháng 6-2020, Signal có hơn 32,4 triệu lượt tải xuống, và có khoảng 20 triệu người dùng hoạt động hằng tháng tính đến tháng 12-2020.

Vì sao lượng người dùng Signal, Telegram tăng đột biến?

Theo các thông tin trên, ta thấy cả Signal lẫn Telegram đều không phải những ứng dụng mới. Chúng ra đời cách nay đã 6-7 năm. Thế nhưng trong suốt thời gian qua những ứng dụng này không tạo được sự chú ý đáng kể nào, chúng chỉ được mọi người nhắc tới nhiều và lượt download tăng đột biến trong khoảng 2 tuần nay thôi.

CNBC dẫn số liệu: Chỉ từ ngày 6 đến 10-1-2021, Signal đã có khoảng 7,5 triệu lượt cài đặt trên toàn cầu thông qua Apple Store và Google Play (theo Sensor Tower). Con số này gấp 43 lần so với tuần trước. Đây là số lượt cài đặt theo tuần hoặc thậm chí hằng tháng cao nhất cho Signal trong lịch sử của ứng dụng. Trong khi đó, Telegram đạt 5,6 triệu lượt tải xuống trên toàn cầu trong thời gian tương ứng (theo Apptopia).

Signal được những nhân vật nổi tiếng khuyến khích sử dụng. Ảnh chụp màn hình website của Signal
Signal được những nhân vật nổi tiếng khuyến khích sử dụng. Ảnh chụp màn hình website của Signal

Lý do khiến mọi người ưa chuộng Signal và Telegram là tính bảo mật cao của chúng. Signal sử dụng công nghệ mã hóa hai chiều tiên tiến (dựa trên giao thức mã nguồn mở Signal Protocol™) duy trì tính bảo mật cho các cuộc trò chuyện của người dùng. Telegram cũng cam kết thực hiện sứ mệnh của mình là cung cấp bảo mật tốt nhất kết hợp với tính dễ sử dụng.

Bên cạnh đó, 3 lý do chính để Signal và Telegram có lượng người dùng tăng đột biến trong nửa tháng qua là:

- WhatsApp thực hiện các thay đổi liên quan tới quyền riêng tư của người sử dụng. Người dùng không hài lòng với những thay đổi này và đi tìm các ứng dụng khác có tính bảo mật cao, đồng thời không kiểm duyệt các nội dung mà họ đăng lên. Signal và Telegram thỏa mãn điều kiện này. Với tính năng bảo mật cao của chúng, không ai  kể cả chủ nhân của Signal hay Telegram  có thể đọc được nội dung do người dùng tải lên dựa trên 2 nền tảng này, ngoại trừ người nhận được chỉ định.

- Từ sau vụ bạo động ở đồi Capitlol (Mỹ), dẫn đến việc Facebook, Twitter cấm cửa Tổng thống Dolnald Trump, nhiều người không còn tin tưởng 2 nên tảng này nữa và tìm đến nơi họ có thể đăng tải thông tin một cách tự do hơn. Signal và Telegram không hề kiểm duyệt nội dung đưa lên (thậm chí họ không thể đọc được nội dung đó vì chúng được mã hóa ngay từ đầu vào).

- Sức ảnh hưởng của người có uy tín: Nhà công nghệ - tỷ phú nổi tiếng thế giới Elon Musk và điệp viên người Mỹ lừng danh Edward Snowden đã khuyến khích người dùng từ bỏ Whatsapp để chuyển sang Signal.

Liệu rằng Signal hoặc Telegram sẽ thay thế Facebook?

Câu trả lời chắc chắn là: Không. Hai ứng dụng này không thể thay thế cho Twitter và Facebook bởi chúng không phải mạng xã hội mà chỉ cung cấp phương thức nhắn tin riêng tư. Lý do khiến chúng bùng phát trong thời gian qua và một số người ngộ nhận chúng sẽ thay thế Facebook, Twitter là: hai ứng dụng này mang đến những thứ mà Twitter và Facebook không có, đó là tính ẩn danh, mã hóa và không kiểm duyệt nội dung.

Trong thời gian qua, chính những đặc điểm này đã giúp các đối tượng cực hữu dễ dàng qua mắt các nhà chức trách để lên kế hoạch gây rối, biểu tình quy mô lớn. Nhờ công cụ giao tiếp riêng tư, Signal trở thành ứng dụng phổ biến cho các nhà báo và nhà hoạt động, trong đó có những người lên kế hoạch cho cuộc biểu tình Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen là quan trọng). Mới đây, người ta cho rằng những người tham gia vào biến động ở đồi Capitol đã sử dụng Signal và Telegram để thông tin kế hoạch biểu tình với nhau mà không thể bị ai phát giác.

Harry Fernandez, Giám đốc của Change the Terms - tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các ngôn từ thù hận trên mạng - phát biểu: “Việc sử dụng ứng dụng Signal và Telegram vô cùng nguy hiểm. Vào thời điểm này, dường như hai ứng dụng này đang chào đón những người dùng với tâm lý thù hận, vốn bị cấm hoặc không được chào đón trên các nền tảng ứng dụng khác. Một điều nguy hiểm khác là họ (chủ nhân của Signal và Telegram) dường như không có nền tảng hạ tầng nào để khống chế các nền tảng này”. Tính năng mã hóa khiến việc tìm hiểu chính xác những nội dung được bàn bạc trên 2 ứng dụng này là không khả thi.

Nhà phân tích Will Partin tại Data & Society - một tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi các phát ngôn thù hận của nhóm cánh hữu trên internet  thì cho rằng ông đang nhận thấy một cuộc khủng hoảng truyền thông khi các nhóm bảo thủ xuất hiện ngày càng nhiều trên hai ứng dụng này, trong khi công ty chủ quản hầu như không công khai nói gì về làn sóng này cũng như không đề cập tới ý định từ chối người dùng mới.

Trong tình hình này đã có một số phản ứng về việc hạn chế hoặc từ bỏ hoạt động của 2 ứng dụng này. Ví dụ: Tổ chức phi lợi nhuận Coalition for a Safer Web của Mỹ (Liên minh vì mạng internet an toàn hơn) đã đệ đơn kiện, yêu cầu Apple xóa Telegram Messenger khỏi App Store của Apple. Đơn kiện cáo buộc hãng thiếu các biện pháp để ngăn chặn người dùng phổ biến tin nhắn có nội dung cực đoan, trong đó có những tin nhắn sau vụ tấn công ngày 6-1 vào Điện Capitol của Mỹ. Nguyên đơn chỉ ra rằng nội dung đó vi phạm điều khoản sử dụng cửa hàng ứng dụng Apple.

Có thể dự đoán rằng sau thời điểm cực thịnh đã và đang diễn ra, 2 ứng dụng này sẽ khó lòng tiếp tục đà phát triển vì vấp phải những phản ứng chống đối do mang lại hại nhiều hơn lợi.

Phạm Hoài Nhân (tổng hợp)

Tin xem nhiều